Mấu chốt trong thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc

Thỏa thuận Giai đoạn 1 được cho là có thể xoa dịu căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng chưa giải quyết được những bất đồng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 15/1 đã chính thức ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa 2 nước sau cuộc chiến thương mại kéo dài dẫn tới sự bất ổn trên các thị trường quốc tế và làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 15/1 đã chính thức ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Ảnh: News.cn

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 15/1 đã chính thức ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Ảnh: News.cn

Thỏa thuận được biết trước, mà Nhà Trắng cho là “hoàn toàn khả thi”, vạch ra giải pháp cho một loạt vấn đề bất đồng, từ dầu thô cho tới các điều khoản sáng chế.

Theo văn bản về Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 – được Văn phòng đại diện thương mại Mỹ công bố sau khi ký kết, cả 2 bên đồng ý rằng họ sẽ thẳng thắn với nhau nếu một trong 2 bên cảm thấy bên còn lại không tuân thủ việc chấm dứt “mặc cả”.

Trung Quốc thu mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ

Trước tiên và quan trọng hơn cả, Trung Quốc cam kết thu mua ít nhất 200 triệu USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm tới.

“Trong giai đoạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2020 cho đến hết 31/12/2021, Trung Quốc sẽ đảm bảo mua và nhập khẩu hàng hóa sản xuất tại Mỹ, nông sản, các sản phẩm năng lượng, và các dịch vụ được quy định trong Phụ chương 6.1 vượt mức tương xứng với mức cơ sở 2017 và không ít hơn 200 tỷ USD”, văn bản cho biết.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ đảm bảo việc mua 32,9 tỷ USD hàng hóa do Mỹ sản xuất trong năm nay và 44,8 tỷ USD trong năm 2021; 12,5 tỷ USD hàng nông sản trong năm nay và 19,5 tỷ USD trong năm 2021; 18,5 tỷ USD các mặt hàng năng lượng trong năm nay và 33,9 tỷ USD trong năm 2021; 12,8 tỷ USD các dịch vụ của Mỹ trong năm nay và 25,1 tỷ USD trong năm 2021.

Nhất trí bảo vệ sáng chế, chống lạm dụng bí mật thương mại

Mỹ và Trung Quốc nhất trí bảo vệ các sáng chế, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm, cấm sao chép sản phẩm và đánh cắp bí mật thương mại.

“Trung Quốc sẽ cho phép các ứng viên sáng chế dược phẩm được dựa vào dữ liệu bổ sung để đáp ứng các điều kiện liên quan về bằng sáng chế, trong đó có cả quyền không tiết lộ các bước sáng chế, trong quá trình kiểm tra, đánh giá sáng chế, và các thủ tục pháp lý liên quan”, văn bản thỏa thuận cho biết.

Mỹ khẳng định các biện pháp hiện hành của Washington cũng đối xử tương đương như những gì được nêu trong chương này.

Hai bên cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác và phối hợp trong việc chống vi phạm bản quyền trong đó có cả việc giả mạotrên nền tảng thương mại điện tử.

Về việc bảo vệ các bí mật thương mại, Trung Quốc sẽ coi viêc đánh cắp thông tin bí mật thường mại là hành động sử dụng “có chủ ý”, sử dụng bất thành, đồng thời cho cơ quan pháp lý thẩm quyền yêu cầu lệnh sơ bộ của tòa dựa trên các thực tế và điều kiện cụ thể. Mỹ cũng cam kết sẽ làm điều tương tự với Trung Quốc.

Trung Quốc tăng nhập khẩu năng lượng Mỹ 52 tỷ USD

Trung Quốc đồng ý tăng cường mua sản phẩm năng lượng Mỹ thêm 52 tỷ USD trong 2 năm tới. Các sản phẩm năng lượng của Mỹ là một phần trong cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ nay tới năm 2021.

“Về các sản phẩm năng lượng, không thấp hơn 18,5 tỷ USD trên mức cơ sở năm 2017 sẽ được mua và nhập khẩu vào Trung Quốc từ Mỹ trong năm 2020 và không ít hơn 33.9 tỷ USD trên mức cơ sở năm 2017 sẽ được mua và nhập khẩu vào Trung Quốc từ Mỹ trong năm 2021”, văn bản thỏa thuận nêu.

Thỏa thuận cũng liệt kê các sản phẩm năng lượng Mỹ mà Trung Quốc sẽ mua như: dầu thô, khí đốt hóa lỏng, dầu mỏ tinh chế và than đá.

Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Mỹ về dầu mỏ và Mỹ là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về mặt hàng này.

Giá dầu ngày 15/1 đã xuống mức thấp kỷ lục của 5 tuần qua sau khi thỏa thuận năng lượng được chính phủ Mỹ và Trung Quốc công bố.

Chống thao túng tiền tệ

Theo Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc đồng ý không thao túng tiền tệ vì mục đích giành lợi thế thương mại trước Mỹ.

Các bên sẽ kiềm chế việc làm mất tính cạnh tranh và không nhằm vào tỷ giá hối đoái vì các mục đích cạnh tranh, trong đó bao gồm cả việc can thiệp 1 phía, quy mô lớn và kéo dài vào thị trường hối đoái.

Mỹ và Trung Quốc sẽ liên lạc và tham vấn thường xuyên về các thị trường, các hoạt động, chính sách ngoại tệ cũng như tham vấn về đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tỷ giá của mỗi nước.

Thỏa thuận cũng nêu rõ Mỹ và Trung Quốc nên duy trì một cơ chế tỷ giá do thị trường quyết định.

Thỏa thuận này đạt được sau 2 năm tranh cãi và nhiều lần trì hoãn thảo luận, trong khi cả 2 bên đều giáng đòn thuế quan ăn miếng trả miếng hàng trăm tỷ USD với đối phương.

Bất chấp việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, chính quyền Trump sẽ vẫn duy trì thuế quan đối với 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh phải tuân thủ thỏa thuận. Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết sẽ quyết định sau về thuế quan áp với 185 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Giai đoạn 2 sẽ chấm dứt thương chiến Mỹ-Trung?

Trong một bình luận trước khi chính thức ký thỏa thuận giai đoạn 1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết, các vấn đề nhất định về an ninh mạng và công nghệ sẽ được giải quyết trong giai đoạn tiếp.

“Tôi nghĩ nhiều vấn đề công nghệ quan trọng được nêu trong Giai đoạn một. Còn những lĩnh vực nhất định khác sẽ được giải quyết trong giai đoạn 2 như an ninh mạng. Vẫn còn nhiều vấn đề cần thương thảo và chúng tôi sẽ giải quyết chúng”, CNBC dẫn lời ông Mnuchin.

Mặc dù thời điểm và chi tiết của Giai đoạn 2 vẫn là một câu hỏi, nhưng ông Mnuchin loại trừ khả năng sẽ đề cập tới Huawei, cho rằng gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là một phần của “đối thoại an ninh quốc gia”.

Trong cuộc họp báo ngày 15/1, Tổng thống Trump tuyên bố ông không thấy trước về thỏa thuận thương mại Giai đoạn 3 với Trung Quốc, và hy vọng sẽ kết thúc các đàm phán thương mại ở Giai đoạn 2.

Ông Trump cũng nhấn mạnh, chính quyền của ông sẽ bắt đầu đàm phán thương mại Giai đoạn 2 với Trung Quốc ngay sau đó, nhưng không nêu thời gian cụ thể. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence nói với Fox Business sau đó rằng, các cuộc đàm phán về giai đoạn 2 đã được tiến hành.

“Chúng tôi đã bắt đầu thảo luận về thỏa thuận Giai đoạn 2”, Fox Business dẫn lời ông Pence nói.

Trước đó, Tổng thống Trump nói rằng việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 có thể sẽ phải đợi cho tới sau cuộc bẩu cử Tổng thống 2020 để có thời gian đàm phán về một thỏa thuận tốt hơn.

Theo Washington Post, Giai đoạn 1 và Giai đoạn 2 được cho là có thể xoa dịu những căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng nhiều khả năng chưa giải quyết được những bất đồng.

Theo tờ báo Mỹ, chính quyền Trump đang xây dựng các quy định kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế dòng chảy công nghệ tinh vi sang Trung Quốc. Trong khi đó, giới chức Mỹ cũng sẽ xét duyệt chặt chẽ hơn đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ. Những thông tin của Washington Post về các biện pháp mới về về kinh tế và công nghệ nhằm vào Trung Quốc khiến các nhà phân tích nhận định rằng, không thể loại trừ khả năng có Giai đoạn 3./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo Sputnik

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/mau-chot-trong-thoa-thuan-thuong-mai-giai-doan-1-giua-my-va-trung-quoc-1001069.vov