Mẫu điện thoại gaming đầu tiên của Nokia

Ra mắt vào năm 2003, Nokia N-Gage là mẫu điện thoại kết hợp máy chơi game di động. Nhiều lý do khác nhau khiến thiết bị không thành công như mong đợi.

 Giới trẻ đầu những năm 2000 thường mang máy chơi game cầm tay để giải trí cùng điện thoại di động. Nhận thấy cơ hội gia nhập 2 thị trường cùng lúc, Nokia đã phát triển thiết bị có thể vừa gọi điện, vừa chơi các game có chất lượng ngang máy chuyên dụng. Ảnh: Engadget.

Giới trẻ đầu những năm 2000 thường mang máy chơi game cầm tay để giải trí cùng điện thoại di động. Nhận thấy cơ hội gia nhập 2 thị trường cùng lúc, Nokia đã phát triển thiết bị có thể vừa gọi điện, vừa chơi các game có chất lượng ngang máy chuyên dụng. Ảnh: Engadget.

Cuối năm 2003, Nokia ra mắt N-Gage, mẫu điện thoại kết hợp máy chơi game cầm tay. Thiết bị có kiểu dáng giống bánh taco với màn hình 2,1 inch ở giữa, dàn phím vật lý nằm 2 bên dùng để điều khiển và chơi game. Ảnh: Phoonen.

Ngay khi ra mắt, thiết kế của Nokia N-Gage không được đánh giá cao. Theo PhoneArena, cách sắp xếp phím bấm khiến máy khó sử dụng như điện thoại thông thường, cũng không phải bố cục lý tưởng để chơi game. Ảnh: Nokia.

Tương tự các mẫu máy chơi game cầm tay của Nintendo, người dùng cần cắm thẻ game vào Nokia N-Gage để chơi. Tuy nhiên cách lắp, thay thẻ game trên N-Gage khá mất thời gian khi phải gỡ nắp lưng và tháo pin. Ảnh: NeoGAF.

Loa thoại và micro của N-Gage được đặt ở cạnh trên. Do đó, người dùng cần áp cạnh trên của máy vào tai để nghe cuộc gọi, một tư thế khá kỳ quặc. Ảnh: MrMobile/YouTube.

Nokia N-Gage sử dụng Symbian, hệ điều hành phổ biến trên các dòng điện thoại của hãng vào thập niên 2000. Ngoài những tính năng cơ bản, người dùng có thể cài thêm ứng dụng để nghe nhạc, radio hoặc viết ghi chú. Đây cũng là điểm nổi bật của Symbian so với những hệ điều hành di động khác cách đây gần 20 năm. Ảnh: MotherLode458/YouTube.

Là mẫu điện thoại tập trung vào game, nhiều trò chơi nổi tiếng được phát hành cho N-Gage với đồ họa 3D như Call of Duty, FIFA hay Tomb Raider, bên cạnh một số game 2D cơ bản. Ảnh: TheRelaxingEnd/YouTube.

Có khoảng 60 game được phát triển và ra mắt riêng cho N-Gage, bên cạnh hàng chục tựa bị hủy phát hành. Tuy không nhiều, việc xuất hiện những cái tên nổi tiếng như Tom Clancy's, Spider-Man 2 hay MotoGP cũng đủ để các game thủ chú ý đến N-Gage. Ảnh: Reddit.

Tuy nhiên, vấn đề khiến người dùng không thoải mái khi chơi game trên N-Gage là bố cục phím phức tạp, màn hình dọc cho trải nghiệm kém hơn so với hướng ngang trên hầu hết máy chơi game cùng thời điểm. Ảnh: Retro phone show/YouTube.

Bên cạnh phím bấm và màn hình, giá bán cũng là trở ngại của N-Gage. Vào năm 2003, đa số người dùng máy chơi game cầm tay là trẻ em. Do đó, mức giá 399 USD của N-Gage được xem là quá đắt. Trong khi đó, máy Nintendo Game Boy Advance (GBA) có giá chỉ 99 USD. Ảnh: IGN.

Trên thực tế, doanh số của Nokia N-Gage thấp hơn đáng kể so với GBA. Trong khi Nokia chỉ bán được 2 triệu chiếc N-Gage, doanh số của GBA là hơn 81 triệu. Ảnh: MrMobile/YouTube.

Năm 2004, Nokia ra mắt N-Gage QD, phiên bản mỏng nhẹ hơn của N-Gage, chuyển khe cắm thẻ sang cạnh dưới với giá 179 USD. Tuy nhiên, đó cũng là lúc PlayStation Portable (PSP) ra đời, bên cạnh Game Boy Advance SP. N-Gage QD đã không thể cạnh tranh với PSP hay GBA, cả về trải nghiệm lẫn số lượng game phát hành. Ảnh: MetalJesusRocks.

Những năm sau, nhiều smartphone chơi game ra đời như Sony Ericsson Xperia Play năm 2011, tuy nhiên người dùng vẫn ưa chuộng các mẫu máy chơi game chuyên dụng. Dù không thành công về mặt doanh số, N-Gage vẫn là một trong những thiết bị đáng nhớ, luôn được nhắc đến trong lịch sử hãng điện thoại Phần Lan. Ảnh: Flickr.

Phúc Thịnh

Theo PhoneArena

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mau-dien-thoai-gaming-chuyen-dung-dau-tien-cua-nokia-post1246961.html