Mâu thuẫn Trung-Ấn: Căng hơn dây đàn

Những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực cao nguyên Doklam cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu sẽ giảm leo thang, trong khi Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng cường sức mạnh và củng cố tính sẵn sàng chiến đấu dọc theo khu vực biên giới hai nước.

Căng thẳng không có dấu hiệu giảm nhiệt

Theo đó, New Delhi vừa nâng mức độ cảnh giác quân sự lên tầm “vấn đề đáng thận trọng”, một nguồn tin giấu tên nói với hãng tin Reuters. Mức độ cảnh giác này còn được biết đến với tên gọi “không chiến tranh, không hòa bình”. Khi đó, các binh sĩ sẽ được giao nhiệm vụ phòng thủ tại những vị trí cố định.

Hàng năm, quân đội Ấn Độ triển khai mức độ “cảnh giác tác chiến” vào mùa thu, nhưng năm nay mức độ này đã được kích hoạt sớm hơn. “Mật độ quân được bố trí dọc biên giới với Trung Quốc ở khu vực Sikkim và Arunachal (gần Doklam) đã được tăng lên đáng kể”, một quan chức giấu tên nói với tờ India Times.

Binh sĩ Trung Quốc.

Hiện tại, nội bộ giới quan chức của Ấn Độ đang bất đồng quan điểm về những hoạt động tiếp theo của New Delhi nhằm đối phó với Trung Quốc. Vào ngày 4/8, Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj đã kêu gọi quân đội hai bên cùng rút để tìm kiếm một giải pháp hòa bình.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley nói với Quốc hội hôm 11/8 rằng quân đội đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm ứng phó với bất kỳ tình huống nào khi không thể kiềm chế xung đột.

Ông Jaitley cũng bác bỏ thông tin về tình trạng thiếu đạn dược của Ấn Độ sau khi một báo cáo của Ban kiểm soát cho hay lực lượng biên phòng chỉ còn đủ để chiến đấu trong vòng 20 ngày.

“Lực lượng phòng thủ của chúng tôi được trang bị đầy đủ thiết bị để đối mặt với bất kỳ tình huống nào”, ông Jaitley nói. Kể từ khi có báo cáo trên, “chúng tôi đã thực hiện những quá trình kiểm tra nghiêm ngặt và liên tục. Vì vậy, không ai nên nghi ngờ về tính sẵn sàng hay sự chuẩn bị của những lực lượng quốc phòng Ấn Độ”, lãnh đạo bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định.

Không ai nhường ai

Mới đây, quân đội Ấn Độ vừa tuyên bố sơ tán 100 người dân khỏi ngôi làng gần với khu vực ngã ba giao với Ấn Độ, Trung Quốc, Bhutan và đưa binh sĩ thuộc quân đoàn số 33 đến tiếp quản.

Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ không ai chịu nhường ai ở khu vực biên giới tranh chấp. Bộ tư lệnh phía Đông Ấn Độ xác nhận 3 sư đoàn thuộc quân đoàn 33, đã di chuyển từ Sukna, phía tây Bengal đến khu vực biên giới Trung - Ấn.

Trung Quốc cũng được cho là đã điều 1.000 binh sĩ đến điểm nóng tranh chấp, bằng với quân số của một tiểu đoàn.

Ấn Độ vừa yêu cầu người dân ở một ngôi làng gần biên giới đi sơ tán.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ bùng phát cho tới nay đã kéo dài 7 tuần, khi quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở cao nguyên Doklam để xây dựng các công trình giao thông. Phản đối bất thành, binh sĩ Ấn Độ can thiệp sau khi Bhutan gửi yêu cầu trợ giúp.

Trong khi Trung Quốc kiên định với quan điểm đề nghị Ấn Độ rút lui vô điều kiện thì phía Ấn Độ đề nghị hai bên cùng rút quân và bắt đầu đàm phán.

(Nguồn: Thanh niên)

Hiện tại, sức mạnh quân sự của Trung Quốc và Ấn Độ là không ngang bằng. Với lực lượng binh sĩ hùng hậu hơn cùng với kho vũ khí “khủng” hơn, chắc chắn Bắc Kinh đang giành được lợi thế hơn hẳn so với New Delhi. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẵn sàng tấn công người láng giềng của mình vào thời điểm này bởi những lý do dưới đây.

Thứ nhất, quan hệ thương mại song phương Trung-Ấn sẽ tổn hại nghiêm trọng nếu xảy ra những cuộc giao tranh giữa hai nước. Khi đó, chắc chắn cả hai bên đều bị thiệt hại chứ không riêng gì Ấn Độ.

Thứ hai, cả Trung và Ấn đều là những quốc gia sở hữu năng lực hạt nhân. Nếu Trung Quốc quyết định tiến tới, Ấn Độ sẽ không kiêng nể mà chọn phương án tấn công hạt nhân. Ngoài ra, Bắc Kinh hiểu rằng họ không nên liều lĩnh lựa chọn phương án quân sự một khi Thủ tướng Modi, một nhà lãnh đạo với tính cách quả quyết, đang lãnh đạo Ấn Độ.

Ông Modi từ khi nhậm chức đã liên tục củng cố tiềm lực quân sự - quốc phòng cho đất nước. Gần đây, Chính phủ Ấn Độ vừa quyết định chi 416 tỷ USD nhằm cải thiện sức mạnh quân sự của đất nước trong thời gian 5 năm. Với tiềm lực hiện có, New Delhi không “ngán” bất kỳ sự khiêu khích nào từ các quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên, lựa chọn chiến tranh không phải ưu tiên của Ấn Độ. Trên thực tế, quan điểm của New Delhi trong những ngày qua cũng đã thể hiện rõ rằng quốc gia này muốn giải quyết những tranh chấp hiện tại thông qua con đường đối thoại chứ không phải quân sự.

Xem thêm: Vũ khí “khoa học viễn tưởng” thành hiện thực

D.T

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/mau-thuan-trung-an-cang-hon-day-dan-a335439.html