Mâu thuẫn vợ chồng - chuyện của không ít gia đình

Với chủ đề 'Một số kỹ năng hạn chế mâu thuẫn, xung đột giữa vợ chồng để xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình', bài nói chuyện của Thạc sĩ Hoa Hữu Vân, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tại Quân đoàn 1 đã tập trung phân tích những nguyên nhân, chia sẻ một số 'nguyên tắc vàng' và kỹ năng để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng.

Trong gia đình, mối quan hệ vợ chồng giữ vị trí chủ đạo, điều hòa các mối quan hệ khác. mối quan hệ giữa vợ chồng tốt đẹp là điều kiện để xây dựng và giữ gìn hạnh phúc. Dân gian có câu: “Chồng bát còn có lúc xô”, trong đời sống hôn nhân, dù hạnh phúc, yên ấm bao nhiêu thì vợ chồng vẫn có lúc nảy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn là chuyện không tránh khỏi, vấn đề đặt ra là cách nhìn nhận, đương đầu khi có mâu thuẫn và biết giải quyết nó một cách hiệu quả để hạn chế xung đột.

 Sẻ chia, thấu hiểu là bí quyết giữ gìn hạnh phúc của gia đình Trung úy QNCN Nguyễn Phương Nam, công tác tại Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hùng Khoa.

Sẻ chia, thấu hiểu là bí quyết giữ gìn hạnh phúc của gia đình Trung úy QNCN Nguyễn Phương Nam, công tác tại Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hùng Khoa.

Vì đâu dẫn đến bất hòa

Gây ra mâu thuẫn vợ chồng, tựu trung lại có hai nguyên nhân chủ yếu. Trước hết là những tác động từ bên ngoài gia đình, đẩy vợ chồng vào tình huống mâu thuẫn phức tạp. Có thể chỉ vì một lời nói bóng gió của bạn bè, hàng xóm, hoặc từ những việc không ra đâu đem vận vào hoàn cảnh của mình rồi dằn vặt nhau. Hoặc mang chuyện bực bội, không hài lòng ở cơ quan, đơn vị về nhà, dẫn đến thái độ lầm lì, gắt gỏng làm như người trong nhà có lỗi… mà không nhận ra sự vô lý của bản thân. Nên nhớ lời khuyên: “Đến cửa nhà gác lại chuyện cơ quan, chuyện ngoài đường”.

Thứ hai là những nguyên nhân nằm ngay trong gia đình và trong mỗi cá nhân. Phần lớn mâu thuẫn vợ chồng xuất phát từ những chuyện vụn vặt trong cuộc sống thường ngày. Nhưng do cái tôi, sự tự ái, hiếu thắng, nhiều người không thể kiềm chế lời nói, cảm xúc, hành động và đã làm tổn thương bạn đời.

Mâu thuẫn nảy sinh giữa vợ chồng nếu không được giải quyết tốt sẽ gây bầu không khí nặng nề, gây stress cho cả gia đình. Hệ lụy tiếp theo là tan vỡ hạnh phúc. Trong các trường hợp bố mẹ mâu thuẫn và xung đột thường xuyên, kéo dài sẽ khiến con hoang mang, sợ hãi, hoặc trở nên hư hỏng, bất cần đời. Mặc dù vậy, đứa trẻ nào cũng mong muốn bố mẹ quay lại với nhau. Và một khi biết điều đó khó xảy ra, trẻ dễ có cảm giác thất vọng và buồn tủi...

“Nguyên tắc vàng” khi xảy ra mâu thuẫn

Khi có mâu thuẫn, vợ chồng cố gắng đừng để dẫn đến xung đột. Trước tiên, phải xác định rằng, sẽ không bao giờ tránh được mâu thuẫn. Đừng che giấu sự bực bội gặm nhấm suy nghĩ, tinh thần và thể xác đến ngày mai. Hãy nhớ rằng: Bực bội được bộc lộ càng sớm, tai họa càng nhỏ. Bởi vậy, hãy trao đổi, hãy nói cho vợ hoặc chồng về điều gì đang làm cho bản thân không hài lòng. Trước khi đưa ra đòi hỏi hay nhận xét hoặc phán xét đối với người kia, tự mỗi người phải nhìn nhận thật rõ: Điều gì đã làm mình không vừa ý và hạn chế những lời trách móc. Những cuộc cãi nhau thường bắt đầu bằng trách móc, mà trách móc không phải là cái gì khác ngoài sự đánh giá thấp nhau.

Không bao giờ có sự “chiến thắng” trong giải quyết xung đột vợ chồng. Thắng lợi của người này không chỉ là thất bại của người kia mà còn đẩy không khí của cả gia đình vào một tình trạng căng thẳng mới.

Kỹ năng hạn chế bất đồng giữa vợ chồng

Trước hết, cần biết tổ chức cuộc sống gia đình. Trong gia đình cần có sự phân công việc nhà giữa vợ chồng một cách hợp lý. Có nhiều chị em được thừa hưởng đức tính chỉn chu từ người mẹ nên ôm lấy hết việc nhà, coi việc nhà như là một công việc bất di bất dịch. Một nguyên lý là làm nhiều thì dễ mệt, mệt thì dễ sinh ra cáu gắt, rồi la mắng. Thế là vì yêu thương không đúng cách mà nhận lại được kết quả không như mong đợi, bất hòa lại từ đó mà ra.

Vợ hoặc chồng hãy đặt mình vào vị trí của người kia để tôn trọng nhau. Quan tâm, chia sẻ giữa vợ chồng là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Trong đời sống gia đình, vợ hay chồng đều có thể có lúc sai nhưng thường ít chấp nhận mình sai. Vì vậy, đừng nên kết án mà nên tìm cách hiểu. Hãy tự nhủ lòng rằng: Mình sẽ cảm thấy như thế nào, sẽ phản ứng thế nào nếu ở vào hoàn cảnh của người ấy, lúc ấy? Hãy tôn trọng và để cho người vợ, người chồng của mình có quyền có những sở thích riêng. Tất nhiên, sở thích đó không làm sứt mẻ quan hệ gia đình.

Biết bày tỏ và biết lắng nghe. Lắng nghe nhau để hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn, tạo được niềm vui cho nhau hơn. Bởi vậy, khi tranh cãi với nhau, mỗi người (trước hết là vợ) nên nói ngắn, nói đúng vấn đề.

Hạnh phúc không hoàn toàn là yêu thương hay được yêu thương. Nhưng yêu thương và được yêu thương chắc chắn sẽ đem lại những phút giây hạnh phúc. Hãy để yêu thương đến với nhau từng ngày trên mỗi chặng của cuộc đời. Mỗi người hãy là bờ vai, là chỗ dựa vững vàng, ấm áp của nhau để làm vơi đi nỗi buồn và đong đầy niềm vui, hạnh phúc. Yêu thương và được yêu thương là nền, là gốc để mỗi cặp vợ chồng vận dụng, thực hành xây dựng hạnh phúc gia đình.

DUY THÀNH (lược trích)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/mau-thuan-vo-chong-chuyen-cua-khong-it-gia-dinh-538049