Màu xanh nơi vùng biên nắng gió

Ở Ninh Thuận, khi nói về vùng đất cằn cỗi và khí hậu khắc nghiệt nhất, người ta nghĩ ngay đến Thuận Nam, một huyện biên giới biển được mệnh danh là vùng 'hoang mạc' với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu có 'một không hai' trên cả nước. Hệ thống sông ngòi khiêm tốn, nên hạn hán thường xuyên xảy ra. Thế nhưng, những người lính mang quân hàm xanh đã biến vùng đất cằn cỗi nơi đây một màu xanh mượt mà của rau quả, cây trái...

Vườn rau của Đồn BP Cà Ná luôn xanh tốt.

Từ trung tâm huyện Thuận Nam, chúng tôi vượt qua hơn 20 cây số trên cung đường đầy bụi đến thăm Đồn BP Cà Ná. Quả thật, có đến đây mới cảm nhận được sự khắc nghiệt của thời tiết nơi vùng đất đầy nắng và gió này. Suốt thời gian qua, vùng đất này liên tục phải gồng mình gánh chịu cái hạn hán khốc liệt. Đi đến đâu cũng thấy, cỏ cây hoang tàn, cả một vùng đất rộng lớn bị nhuốm màu bạc thếch, không có sức sống.

Chiếc xe chúng tôi đỗ xịch ngay trước cửa Đồn BP Cà Ná. Trái ngược với những gì chúng tôi quan sát trên dọc đường đi, cảm giác ở đây như không còn sự nóng bức, mà thay vào đó là sự mát mẻ và dễ chịu từ những hàng cây xoan xanh mướt được trồng ngay hàng thẳng lối trong khu doanh trại của đơn vị. Có thể hình dung, nhìn từ trên cao xuống, đơn vị giống như một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, trong đó, điểm nhấn của bức tranh tựa như một "hòn ngọc xanh" trên một vùng "hoang mạc" khô cằn.

Dường như bắt được tâm trạng của chúng tôi, Trung tá Đỗ Văn Lương, Đồn trưởng Đồn BP Cà Ná cho biết: "Để có được màu xanh nơi vùng biên khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ đã phải nỗ lực vượt qua khó khăn và thách thức trong suốt nhiều năm qua. Ở nơi đây, do địa thế đơn vị nằm sát biển nên nguồn nước ngầm đã bị nhiễm mặn và phèn, nước phục vụ tăng gia sản xuất thiếu trầm trọng.

Tiếp đến là điều kiện thổ nhưỡng toàn là đất cát pha cà giang, đến cỏ còn mọc không được huống gì là rau xanh. Thời kỳ đầu, đơn vị tổ chức trồng rau trên nền đất cũ, nhưng rau không thể phát triển nổi, chỉ được lún phún là chết hết vì nền đất không giữ được nước và mặt nền quá nóng. Chúng tôi phải tiến hành cải tạo đất, hốt bỏ toàn bộ đất mặt để thay thế bằng đất tốt hơn được lấy từ núi cách đó 3 - 4 cây số. Sức người, gánh bộ từ trên núi về, ngày nắng nóng quá thì tranh thủ làm đêm, tìm mọi cách khắc phục với quyết tâm trồng được cây rau xuống đất. Cán bộ, chiến sĩ của đồn đều nhận thức rất rõ rằng, có phát triển tăng gia sản xuất mới cải thiện được đời sống bộ đội, đảm bảo bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao...".

Theo chân Đồn trưởng đi một vòng tham quan đơn vị, chúng tôi vô cùng khâm phục nghị lực của những người lính nơi đây. Mặc dù, toàn bộ diện tích của đồn khá khiêm tốn, khoảng hơn 4.500m2, nhưng được quy hoạch hợp lý, có cảnh quan môi trường "xanh - sạch - đẹp", được sắp xếp hài hòa, hệ thống biển bảng chính quy. Ấn tượng nhất vẫn là khu vực tăng gia sản xuất tập trung của đơn vị với những luống rau xanh mướt và khu vực chuồng trại chăn nuôi được xây dựng khoa học, hợp vệ sinh môi trường.

Đồn trưởng Đỗ Văn Lương còn cho biết thêm: Toàn bộ nguồn nước để phục vụ tăng gia sản xuất của đơn vị được cán bộ, chiến sĩ tận dụng từ nguồn nước sinh hoạt hằng ngày, nhờ nguồn nước mưa, dự trữ trong 3 bể với tổng số 60m3. Năm 2014, đơn vị cơ bản đã tự túc trên 70% nguồn thực phẩm tại chỗ, ngoài rau xanh, đơn vị thường xuyên duy trì đàn heo trên 20 con, gia cầm, gia súc hơn 100 con.

Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế đóng quân gần cảng cá Cà Ná, đơn vị đã tự đầu tư kinh phí mua cá cơm về muối mắm mỗi năm hơn 1 tấn, bán ra thị trường nhằm tăng tiềm lực tài chính cho đơn vị và đưa vào bữa ăn bộ đội 1.200 đồng/người/ngày. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ không ngừng được nâng cao, giúp người lính vững vàng nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Là một đơn vị đứng chân trên địa bàn xung yếu, ngoài công tác đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị, xây dựng địa bàn vững mạnh toàn diện, công tác vận động quần chúng luôn được Đồn BP Cà Ná chú trọng. Quản lý một địa bàn rộng lớn và cũng là địa bàn phức tạp về an ninh nông thôn, trong đó có cảng cá Cà Ná hằng ngày có rất nhiều tàu thuyền ngoại tỉnh thường xuyên ra vào, kể cả du khách nước ngoài đến tham quan du lịch. Từ đó, tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh trật tự do các loại tội phạm hoạt động, trong đó có các đối tượng tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng vật liệu nổ nhằm khai thác đánh bắt trái phép.

Vì thế, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã tăng cường bám nắm địa bàn, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, kết hợp phong trào tự quản, đẩy mạnh công tác truyên truyền, phổ biến sâu rộng về giáo dục pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân khu vực biên giới biển. Bên cạnh đó, trong những năm vừa qua, đơn vị đã triển khai chiến dịch "cuối tuần tình nguyện", góp hàng ngàn ngày công giúp dân làm đường, sửa chữa nhà cửa, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn...

Song hành với công tác tuyên truyền sâu rộng trên các cụm loa đài phát thanh tại khu vực dân cư, Đồn BP Cà Ná còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền tập trung, nhỏ lẻ, nhằm phổ biến đến người dân các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vận động 21 phương tiện tàu thuyền, trong đó, có 8 chiếc chính thức và 13 chiếc dự phòng, sẵn sàng trợ giúp đơn vị chức năng tham gia cứu hộ, cứu nạn trong những tình huống cấp bách. Cứ thế, tình cảm quân dân mỗi ngày thêm bền chặt, gắn bó như "cá với nước", tạo nên thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh để cùng nhau quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, an ninh trật tự trên địa bàn.

Tia nắng cuối cùng đã tắt dần, thay vào đó là những cơn gió miên man ngoài biển lướt vào thật nhẹ nhàng, tạo nên cảm giác dịu nhẹ làm bớt đi cái nóng bức sau một ngày làm việc mệt nhọc. Chia tay với những người lính Biên phòng nơi đây, tôi thật sự cảm phục tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách của những người lính mang quân hàm xanh nơi đây để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Duy Phước

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mau-xanh-noi-vung-bien-nang-gio/