Màu xanh trong 'rừng chết'

Tôi trở lại Tây Nguyên vào cuối mùa khô, đúng tiết kinh trập, bướm trắng bay thành đàn trong lòng những con suối cạn hệt như khung cảnh trong câu hát 'nước khe cạn bướm bay lèn đá'. Dù đang bước vào mùa khô hạn gay gắt trong cái nắng như rang, nhưng núi rừng biên cương và những người lính Biên phòng đóng quân ở nơi này vẫn đượm vẻ đẹp lãng mạn, sức sống căng tràn, đốt cháy trong một niềm tin không gì lay chuyển được.

Bài 1: Những vườn hồng trong lòng rừng

Cột mốc sừng sững giữa rừng biên cương

Yok Đôn, Sê Rê Pốk, Bo Heng là 3 đồn Biên phòng cánh Nam Đắk Lắk thuộc huyện Buôn Đôn được mang tên rừng, tên sông, tên suối bởi không gần một cụm dân cư nào. Doanh trại của 3 đơn vị chìm lút vào trong khu rừng khộp khô khốc, nằm trọn trong vành đai của Vườn quốc gia Yok Đôn, nơi duy nhất có hệ sinh thái rừng khộp đất thấp nổi tiếng của Đông Nam Á. Rừng khộp với các loại cây họ dầu lá rộng, thân thẳng, cây thưa và rụng lá vào mùa khô là hình ảnh được các nhà khoa học gọi tên là "rừng chết" gắn với biên giới Đắk Lắk.

Chính vì vậy đỉnh điểm mùa khô ở đây, bình minh sớm và hoàng hôn muộn, cả tháng trời không một giọt mưa, các đơn vị BĐBP không khác gì nằm trên chảo rang. Đại tá Lê Xuân Đáng, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk nói với tôi rằng, vào mùa khô đi giữa rừng mà tịnh không có một bóng mát nào. Những thân cây khộp sắt lại chống chọi với hơi nóng. Qua mùa đốt thực bì chống cháy rừng quang cảnh càng bi tráng bởi hàng trăm héc-ta rừng cháy nóng nham nhở, khói mù mịt và trơ khấc những cành khô trụi lủi.

"Vậy mà đồng đội tôi vẫn phải lội vào trong những mảng rừng cháy để đi tuần tra. Thời gian gần đây tái xuất hiện hiện tượng người dân tộc thiểu số móc nối với các phần tử phản động vượt biên trái phép, bộ đội lại càng phải tăng cường hành quân. Anh em bị vắt kiệt sức vì nóng khô, thiếu nước sinh hoạt và phơi mình trong nắng bỏng" - Đại tá Lê Xuân Đáng tâm sự.

Cột mốc 47/2 do Đồn Yok Đôn quản lý.

Trước khi tới doanh trại của 3 đồn Biên phòng cánh Nam, nơi khô hạn nắng cháy đang thử thách bộ đội Đắk Lắk, Đại tá Lê Xuân Đáng mở đầu câu chuyện với tôi về việc ông lần đầu tiên đã thực hiện được một chuyến đi trù tính từ lâu, đó là đưa đoàn các chức sắc tôn giáo, già làng trưởng bản, người có uy tín của tỉnh Đắk Lắk đi thăm biên giới và các đồn Biên phòng. Việc lựa chọn nhân sự cho chuyến đi do Ủy ban MTTQ của tỉnh Đắk Lắk đảm nhiệm.

Đại tá Lê Xuân Đáng cho rằng, thực hiện nhiệm vụ đại đoàn kết dân tộc, cũng là đoàn kết các tôn giáo. Tôn giáo nào thì cũng yêu Tổ quốc, lấy lợi ích dân tộc là trên hết và đều phải có nhiệm vụ bảo vệ cương thổ quốc gia. Hơn nữa, dù là tín đồ tôn giáo nào thì sâu thẳm trong lòng mỗi người, biên giới, cột mốc vẫn là thiêng liêng, vẫn là niềm khao khát được tới tận nơi, sờ tận tay lên cột mốc, và quan trọng hơn nữa là được chia sẻ với những người lính biên phòng, những người thường trực nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong thời điểm khó khăn.

Vậy là trúng thời điểm Buôn Ma Thuột kỉ niệm 40 năm giải phóng, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào tháng 3-2015, Đoàn các chức sắc tôn giáo, người có uy tín của Đắk Lắk lên đường ra biên giới. Dù đã nguyện ngàn lần những bài kinh cầu cho hòa bình thế giới và phổ độ chúng sinh, nhưng nhiều nhà sư, cha xứ, chức sắc Phật giáo, Công giáo chưa từng tới thăm biên giới, chưa từng đến gần các cột mốc cương thổ quốc gia.

Lần đầu tiên, họ phơi mình dưới nắng cháy rừng khộp như bộ đội, thắp hương tưởng niệm liệt sĩ ngã xuống vì biên cương trên Đài tưởng niệm liệt sĩ ở các đồn Biên phòng, thăm sông suối biên giới mùa khô cạn mà có nơi dòng chảy mất tích vào trong đất, không một giọt nước để biết đâu là đường trung tuyến giữa sông. Ở đó mòn vẹt dấu chân những người lính tuần tra đêm ngày. Có vị không giấu nổi xúc động khi nhìn thấy cột mốc sừng sững giữa rừng biên cương với tứ bề rừng khô như chết, sau khi đã đi trên những con đường ngầu bụi đỏ, tự thốt lên rằng sẽ chia sẻ giây phút đó với các tín đồ, giáo dân của mình khi trở về từ biên giới. Hơn lúc nào hết, đoàn kết dân tộc, tôn giáo lúc nào cũng là câu chuyện thời sự.

Hoa hồng trong lòng rừng

Ngồi giữa doanh trại Đồn BP Sê Rê Pốk, tôi lặng ngắm mặt trời đỏ khuất sau tán rừng thưa gầy guộc. Mặt sân bê tông của đơn vị còn xen vô số những thân cây dầu của rừng trơ khấc bốc hơi nóng. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang mướt mồ hôi chơi bóng chuyền.

"Ở đây, chẳng có một hoạt động tập thể nào lợi ích hơn việc chơi thể thao buổi chiều. Anh em trong đơn vị tập trung lao động vào sáng sớm cho đỡ nóng, tối tắt nắng mới ra sân chơi và tối ngủ sớm" - Trung tá Lê Hồng Lam, Chính trị viên của đồn cười hiền lành. Cảm giác như doanh trại của đơn vị lẫn vào rừng trong cái nắng chói dễ gây ảo giác, bởi nhìn đâu cũng thấy cây rừng và màu vàng khô khốc của tường nhà tiệp màu với lá khô. Đường biên giới cách doanh trại chừng chục cây số đường chim bay, nhưng cách xa cụm dân cư gần nhất về phía nội địa là 3 chục cây số.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Yok Đôn tuần tra bảo vệ biên giới.

Chả có hàng rào nào mà anh em cán bộ, chiến sĩ có mấy khi rời xa đơn vị nếu không thực hiện công tác tuần tra hoặc địa bàn. Trung tá Lam hóm hỉnh kể cho tôi nghe câu chuyện về thời trai trẻ của anh cũng đóng quân ở trên Đồn biên phòng cánh Nam Đắk Lắk này. Anh bảo hồi đó được về phép mấy ngày cũng cố gắng tán tỉnh cô hàng xóm mà mẹ anh đã đánh tiếng từ trước.

Vừa ngỏ lời yêu chưa kịp cho cô gái suy nghĩ gì, anh nói luôn: "Trả lời mau, mai tớ phải vào đồn rồi, vào là mấy tháng mới được ra, không có thời gian đâu". Yêu lính Biên phòng là tình yêu tính bằng dăm ba ngày phép vậy đó. Chuyện này về sau thành giai thoại, cánh lính cứ truyền kể cho nhau mãi, cười mãi rồi ngậm ngùi, rồi lại kể lại cười. Tiếng cười trên những hy sinh cả những hạnh phúc giản dị mà vẫn hồn nhiên, vẫn hào sảng giữa núi rừng.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là dù sống trong khô hạn vậy mà đơn vị nào cũng chăm lo xây dựng đơn vị chu toàn. Rau không bao giờ thiếu, vườn ao chuồng đủ cả. Đồn trưởng nào cũng khẳng định, đơn vị chủ động toàn bộ lương thực thực phẩm, vị trí địa lý doanh trại buộc phải vậy, không trồng cấy, chăn nuôi thì chẳng mua được ở đâu. Và người lính dù gian khó nào cũng không thể chôn vùi được những bài ca lãng mạn. Doanh trại nào cũng có những vườn hồng trong lòng rừng, mặc dù những bông hoa hồng trồng trên đất bazal thắm màu nhưng còi cọc, cứ héo rũ đi vì nắng cháy. Nhưng chỉ cần được hưởng chút sương đọng đêm trước là sáng hôm sau lại tươi rói.

Bài 2: Rừng xanh màu áo lính

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mau-xanh-trong-rung-chet/