Máy bay A400M bắt đầu thử nghiệm tiếp nhiên liệu cho trực thăng

Hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu vừa bắt đầu chương trình thử nghiệm tiếp nhiên liệu trên không của máy bay vận tải quân sự A400M Atlas cho trực thăng.

Theo đó, cuộc thử nghiệm được tiến hành cho trực thăng đa nhiệm H225M cũng do Airbus sản xuất tại miền nam nước Pháp.

Trong 4 lần cất cánh, máy bay A400M đã có tổng cộng 51 lần thả đường ống tiếp nhiên liệu tiếp xúc với đoạn vòi của trực thăng H225M ở các trần bay khác nhau nhưng không bơm nhiên liệu, hay còn gọi là “tiếp xúc khô” (dry contact).

 Hình ảnh máy bay A400M đang thực hiện “tiếp xúc khô” cho trực thăng H225M (phía trên bên trái) trong chương trình thử nghiệm. Ảnh: Air Recognition.

Hình ảnh máy bay A400M đang thực hiện “tiếp xúc khô” cho trực thăng H225M (phía trên bên trái) trong chương trình thử nghiệm. Ảnh: Air Recognition.

Bước tiếp theo của chương trình là thực hiện tiếp nhiên liệu trên không từ máy bay A400M cho trực thăng H225M, hay còn gọi là “tiếp xúc ướt” (wet contact) từ cuối năm 2019 cho đến trước khi máy bay A400M được công nhận khả năng tiếp nhiên liệu cho trực thăng dự kiến vào năm 2021.

Tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay cánh cố định đã khó, nhưng điều này còn khó hơn rất nhiều đối với trực thăng bởi chiếc vòi bơm từ máy bay tiếp nhiên liệu rất dễ bị cánh quạt trực thăng đang quay với tốc độ cao chém đứt.

Hình ảnh máy bay A400M đang thực hiện “tiếp xúc khô” cho trực thăng H225M (phía trên bên trái) trong chương trình thử nghiệm. Ảnh: Air Recognition.

Nếu hoàn thành chương trình thử nghiệm trên và nhận được bằng công nhận, máy bay A400M sẽ trở thành một trong số ít máy bay trên thế giới có thể tiếp nhiên liệu cho trực thăng.

Trong khi đó, tới thời điểm hiện tại, máy bay A400M đã thực hiện tiếp nhiên liệu cho tiêm kích Eurofighter, Rafale, Tornado, F/A-18 hay một số dòng máy bay quân sự cỡ lớn như một máy bay A400M khác, C-295, C-130...

Máy bay A400M là máy bay vận tải tầm trung tốt nhất của châu Âu và được coi là đối thủ đáng gờm của những sản phẩm cùng phân khúc do Mỹ và Nga sản xuất. Nó có thể thực hiện các nhiệm vụ như: trực tiếp vận chuyển các khí tài quân sự, binh sĩ, hỗ trợ từ xa, tiếp nhiên liệu trên không.

Máy bay A400M có thể tiếp nhiên liệu cho một chiếc A400M khác. Ảnh: Airbus.

Được trang bị 4 động cơ turbine cánh quạt (turboprop) TP400-D6, mỗi chiếc có công suất tương đương 11.000 sức ngựa, máy bay A400M có trọng lượng rỗng 76,5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 141 tấn, khả năng chuyên chở tối đa 37 tấn hàng hoặc 116 binh sĩ với đầy đủ trang bị hoặc 66 cáng cứu thương, tốc độ hành trình 781km/h và tầm bay tối đa 8.700km.

Với vai trò là máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay A400M có phi hành đoàn 4 người bao gồm hai phi công, một hoa tiêu và một chỉ huy tiếp liệu. Máy bay mang theo tới hơn 30 tấn nhiên liệu và đạt tốc độ tiếp nhiên liệu tối đa 2.300 lít/phút.

Máy bay A400M có thể chuyên chở hàng hóa, trang thiết bị quân sự với trọng lượng tối đa 37 tấn. Ảnh: Airbus.

Một điểm mạnh của máy bay A400M nữa là nó chỉ cần đường băng cất cánh tối thiểu 980m và đường băng hạ cánh tối thiểu 770m. Với yêu cầu này, máy bay A400M có thể cất-hạ cánh ở gần như mọi sân bay ở châu Âu hiện tại.

Nhà sản xuất ước tính sẽ bán được khoảng 400 máy bay A400M trong vòng 30 năm tới. Hiện Anh, Bỉ, Pháp, Đức, Luxembourg, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia đã đặt mua tổng cộng 174 máy bay này.

HỮU ĐÔ (theo Air Recognition)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/may-bay-a400m-bat-dau-thu-nghiem-tiep-nhien-lieu-cho-truc-thang-591964