Máy bay không người lái trong các cuộc chiến tranh tương lai

Xin giới thiệu bài phân tích rất đáng quan tâm với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga Tripolco Taras đăng trên 'Bình luận quân sự' ngày 5/2/2021.

Cuộc chiến giành ưu thế trên không

Những sự kiện trong các cuộc xung đột vũ trang mấy thập kỷ gần đây đã làm nhiều người nghĩ rằng các máy bay không người lái (UAV) có khả năng tự mình đánh bại hoàn toàn quân đội của đối phương.

Bắt đầu từ Chiến tranh Việt Nam- nơi UAV được sử dụng lần đầu tiên cho đến nay, quy mô sử dụng UAV đang ngày càng tăng.

Nếu như trong những lần sử dụng UAV đầu tiên, chỉ có vài chiếc được huy động và tiếp sau đó – hàng chục chiếc, thì trong Chiến dịch “Bão táp sa mạc”, Liên quân (Mỹ- NATO) đã cho UAV xuất kích tới 522 lần, với tổng thời gian bay tác chiến của chúng là 1.641 giờ.

Lần sử dụng UAV nhiều nhất- đó là trong cuộc xung đột vũ trang mới đây ở Nagorno-Karabakh. Trên thực tế, việc sử dụng ồ ạt các UAV tấn công đã trở thành đặc điểm nổi bật nhất của cuộc xung đột này.

Từ thực tế trên, rất nhiều chuyên gia quân sự cho rằng máy bay không người lái có thể tự mình giải quyết độc lập nhiều nhiệm vụ trong một cuộc xung đột vũ trang.

Ngay từ năm 1921, nhà lý luận quân sự người Ý Giulio Douet trong cuốn sách “Thống trị trên không” của mình đã đưa ra lập luận rằng không quân cần phải giữ vai trò hàng đầu trong chiến tranh.

Và ông nhận định rằng các cuộc không kích nhằm vào các trung tâm- cơ quan lãnh đạo nhà nước và các trung tâm kinh tế của đối phương có thể dẫn đến chiến thắng.

Thống chế Rommel (Erwin Johannes Eugen Rommel- Thống chế lừng danh nhất của Đức-ND) cũng khẳng định quan điểm trên của Giulio Douet bằng câu nói sau:

"Bất kỳ ai, nếu như (người đó) phải chiến đấu dù bằng những mẫu vũ khí hiện đại nhất với một kẻ thù đã chiếm ưu thế trên không, thì sẽ giống như những kẻ mông muội chiến đấu chống lại các đội quân thuộc địa (thiện chiến của) các nước Châu Âu, trong những điều kiện cũng như vậy và với cơ hội giành chiến thắng tương đương".

Ưu thế trên không tuyệt đối trong các cuộc chiến tranh ở Iraq, các chiến dịch ở Nam Tư và những nơi khác đã cho phép Các Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ hoàn thành nhiệm vụ của mình trong khoảng thời gian ngắn nhất, gây ra thiệt hại không thể khắc phục nổi cho đối phương trên mặt đất.

Tuy nhiên, nếu so sánh với máy bay tiêm kích có người lái (có giá từ khoảng 100 triệu USD) hoặc máy bay lên thẳng tấn công AH-64 Apache (giá từ 50 triệu USD trở lên), thì những chiếc UAV cỡ nhỏ có giá chỉ từ 500 USD (sản phẩm tự chế được các chiến binh IS ở Iraq và Syria sử dụng) và dao động lên mức 30 triệu USD (cụ thể, như MQ-9 Reaper chẳng hạn).

Giá trung bình của một UAV được thiết kế theo "các yêu cầu quân sự" là trong tầm khoảng 10–20 nghìn đô la.

Có nghĩa là, với số tiền bằng giá của một máy bay có người lái, có thể mua được hàng trăm máy bay không người lái chiến đấu. Và nếu tính đến chi phí đào tạo phi công, đảm bảo khả năng sống sót, xây dựng cơ sở hạ tầng mặt đất và những khoản chi khác, giá của các máy bay có người lái thậm chí còn cao hơn rất nhiều.

Ngoài giá cả tương đối thấp và chi phí khai thác sử dụng cũng thấp, UAV còn có một loạt các lợi thế khác, trong đó có khả năng thực hiện các chuyến bay thời gian dài vượt quá khả năng thể chất của con người, và có thể rất nhanh chóng đưa vào sử dụng.

Lấy ví dụ, cuộc chiến tranh ở Afghanistan đã làm bộc lộ một loạt vấn đề trong sử dụng chiến thuật "cổ điển" – tức tiến hành các cuộc không kích bằng tên lửa hành trình (có cánh).

Mất quá nhiều thời gian kể từ lúc nhận được thông tin trinh sát đến thời điểm phát động tấn công tiêu diệt mục tiêu. Tình hưống tác chiến khi đó đã thay đổi, và mục tiêu – đã rời khỏi khu vực bị công kích.

Trong khi đó- với các UAV- chúng bay chờ trên khu vực chiến sự và có thể truyền thông tin trinh sát ở chế độ thời gian thực và tấn công ngay lập tức bằng tên lửa “không đối đất” ngay khi có lệnh. Nói cách khác, chúng là một kiểu phương tiện hiệu quả hơn trong tiến hành các đòn tấn công chính xác cao.

Điều rất quan trọng cần lưu ý là các máy bay không người lái trinh sát- tấn công hiện đại không chỉ có thể “quét” một vùng lãnh thổ cụ thể nào đó, mà còn có thể phân biệt, nhận dạng tất cả các vật thể và sinh vật trên khu vực lãnh thổ đó.

Cụ thể, ngày 3 tháng 1 năm 2020, nhà lãnh đạo quân sự Iran, Tư lệnh đơn vị đặc nhiệm Al-Qudslà Qasem Suleimani, đã bị sát hại bởi một cú tấn công bằng tên lửa AGM-114 "Hellfire". Đòn không kích nhằm vào hai chiếc xe ô tô, một trong hai chiếc xe đó có Tư lệnh Suleimani.

Hiệu quả ngày càng tăng của máy bay không người lái còn được chứng minh bởi một thực tế là trong tất cả các cuộc xung đột quân sự cục bộ gần đây đều sử dụng máy bay không người lái.

Không thể không tính đến thực tế này.

Không tồn tại loại vũ khí nào là tuyệt đối

Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm như trên, UAV cũng có một số nhược điểm cần phải chú ý để có thể tiếp tục phát triển loại vũ khí này.

Nhược điểm chính của UAV là hệ thống điều khiển từ xa rất dễ bị tổn thương - bất kỳ tín hiệu nào do UAV nhận và gửi đi đều có thể bị gây nhiễu, bị chặn và bị thay thế (bằng tín hiệu giả).

Để điều khiển UAV, cần có các kênh thông tin liên lạc dung lượng cao an toàn, - nhưng đây lại là một nhiệm vụi rất khó thực hiện, đặc biệt là đối với kênh thông tin liên lạc ngoài đường chân trời.

Trong cuộc chiến ở Karabakh, phía Armenia đã có lúc hạn chế được hoạt động của máy bay không người lái của đối phương trên bầu trời.

Theo cựu Tổng tham mưu trưởng Các Lực lượng Vũ trang Armenia Hakobyan (thì), "Việc triển khai tại Karabakh các phương tiện tác chiến điện tử “Pole 21” (sản phẩm của Nga-ND) đã giúp hạn chế các chuyến bay của máy bay không người lái đối phương trong bốn ngày".

Một ví dụ khác về sự phụ thuộc của UAV vào các kênh liên lạc là việc sử dụng UAV trong chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan.

Cụ thể, trong số 8 phương tiện (UAV) có trong trang bị (6 chiếc MQ-1 Predator và 2 chiếc RQ-4 Global Hawk), chỉ có không quá 2 thiết bị có thể bay cùng một lúc. Và để tiết kiệm dung lượng của kênh liên lạc vệ tinh, các phi công buộc phải tắt một số cảm biến và sử dụng ảnh video chất lượng phân giải thấp.

Ngoài ra, vào năm 2012, các nhà khoa học Trường Đại học Texas tại Austin đã chứng minh khả năng thực tế của việc đánh sập và chặn kênh điều khiển của UAV bằng phương pháp được gọi là "tín hiệu GPS- giả".

Cuối năm 2008, tại Iraq, lính Mỹ đã thu được từ một du kích bị bắt một máy tính xách tay trong đó có ghi lại đoạn video thu được từ một máy bay không người lái. Để ghi lại những hình ảnh video này, đã sử dụng chương trình SkyGrabber của một công ty Nga.

Thêm nữa, mặc dù có rất nhiều ưu điểm, những UAV còn có nhược điểm rất lớn nữa là tải trọng hữu ích thấp nhưng “chi phí vận chuyển” lại quá cao so với các hệ thống pháo mặt đất.

Lấy ví dụ, một khẩu cối 120 ly 2B11 (2Б11) có khả năng trong vòng một (1) phút có thể “ném lên đầu” đối phương trong bán kính 7 km một trọng lượng chất nổ tương đương với trong lượng chất nổ mà một UAV tấn công kiểu Bayraktar có thể mang.

Với chi phí rẻ hơn hàng chục lần. Còn về diện tích khu vực sát thương (hay còn gọi là khả năng tiêu diệt các mục tiêu phân tán hoặc các mục tiêu dưới các hầm hào công sự kiên cố), thì các máy bay không người lái sẽ thua các hệ thống pháo binh một cách tuyệt đối.

Pháo binh có lợi thế đáng kể nhờ “giá thành tiêu diệt” thấp. Chính vì vậy, xét từ góc độ kinh tế, các loại vũ khí rẻ tiền hơn sẽ tiếp tục được sử dụng.

Một công cụ tốt trong một bàn tay khéo sẽ làm được rất nhiều việc

Vậy thì tại sao UAV lại vẫn được sử dụng nhiều như vậy trong các cuộc xung đột trong những thập kỷ gần đây?

Trước hết, vì chính cái “mới” của chiến thuật sử dụng loại vũ khí này.

Cụ thể, hệ thống phòng không Armenia không được hiện đại hóa trong nhiều năm liền đã tỏ ra bất lực hoàn toàn trong cuộc chiến chống lại việc sử dụng ồ ạt các UAV và đã bị loại hoàn toàn khỏi vòng chiến.

Và sau khi hệ thống phòng không nói trên bị chế áp, cụm quân trên bộ của Các Lực lượng Vũ trang Armenia tại Nagorno-Karabakh bị đánh bại.

Như W. Churchill (Thủ tướng Anh) đã từng nói,

“Các vị tướng lĩnh chỉ luôn chuẩn bị cho kiểu chiến tranh trong quá khứ".

Quân đội Armenia chưa sẵn sàng cho kiểu hành động quân sự mới này.

Sự chủ quan, coi thường các phương tiện ngụy trang trên địa hình, không có các công trình kỹ thuật kiên cố trên tuyến tiền duyên và việc tập kết quá nhiều lực lượng đã khiến phía Armenia chịu tổn thất nặng.

Thứ hai, điều này xảy ra là do không có các hành động đánh trả của đội quân bị tấn công. Cả tại Libya và cả tại Nagorno-Karabakh, UAV đã được sử dụng để chống lại các phương tiện kỹ thuật quân sự các thế hệ trước (lạc hậu).

Trong khi đó, một hệ thống phòng không được tổ chức tốt và phân tuyến phân tầng hợp lý có khả năng vô hiệu hóa bất kỳ một “bầy đàn” máy bay không người lái nào của đối phương.

Một ví dụ tương tự trong lịch sử để chứng minh là: hiệu suất cao của máy bay ném bom bổ nhào Ju 87 Stuka của Đức ở giai đoạn đầu của cuộc tấn công xâm lược trong điều kiện chiếm được ưu thế trên không.

Và sau đó là hiệu quả rất thấp của nó vào cuối chiến tranh, khi những chiếc máy bay này bắt đầu bị tổn thất nặng trước sức mạnh ngày càng tăng của không quân Anh và không quân Liên Xô.

Thứ ba, chi phí sử dụng UAV thấp. Bài toán tác chiến phòng không chống UAV cỡ nhỏ nằm chính ở bình diện kinh tế: làm sao để có thể tiêu diệt UAV bằng tên lửa phòng không với tỷ lệ “hiệu quả-chi phí” ở mức có thể chấp nhận được.

UAV, tuy là vũ khí của người nghèo, nhưng lại có khả năng trở thành phương tiện chiến lược cho bên yếu hơn trong một cuộc xung đột chống lại một đối thủ mạnh hơn.

Tương lai của các máy bay không người lái

Vậy các lực lượng vũ trang của các quốc gia sẽ phải nghiên cứu đề ra những biện pháp có thể nào để chống lại mối đe dọa từ máy bay không người lái?

Thứ nhất. Thiết kế các tổ hợp và các chương trình phát hiện, chế áp các trung tâm (điều khiển), cũng như chặn các kênh điều khiển UAV.

Thứ hai. Chế tạo các trạm tác chiến điện tử và trạm radar di động hoạt động hiệu quả để chắc chắn phát hiện được các UAV, cũng như trang bị chúng cho phân đội ở cấp một cụm quân tác chiến chiến thuật cấp đại đội.

Thứ ba. Thiết kế mới và hiện đại hóa các loại đạn hiện có để tiêu diệt UAV. Ở cấp chiến thuật lữ đoàn-tiểu đoàn – trang bị các tên lửa phòng không có điều khiển cỡ nhỏ” chống lại UAV và tên lửa phòng không có điều khiển có tầm bắn xa hơn (khoảng 40 km) cho các tổ hợp phòng không tầm ngắn.

Ở cấp chiến thuật đại đội-trung đội, trang bị cho bộ đội vũ khí và đạn để “tự vệ tầm ngắn” (đạn nổ từ xa, súng máy cỡ nòng lớn).

Thiết kế các kiểu vũ khí và đạn trên các nguyên tắc vật lý mới- sử dụng dòng xung bức xạ điện từ tần số vô tuyến (nguồn bức xạ định hướng, bộ chuyển đổi chất nổ thành xung điện từ).

Thứ tư. Huấn luyện tác chiến cho bộ đội (bắt đầu với các cuộc tập trận nghiên cứu) về các cuộc tập kích đường bằng UAV thực sự.

Thành thử, việc nghiên cứu- thiết kế các phương tiện bay không người lái để vô hiệu hóa các mối đe dọa có thể được tiến hành theo các hướng sau:

1. Tích hợp UAV vào các tổ hợp, trong đó mỗi thiết bị thực hiện vai trò của mình dưới một sự điều khiển chung.

2. Tích hợp UAV vào hệ thống kỹ thuật robot mặt đất (UAV thực hiện vai trò trinh sát và hiệu chỉnh hỏa lực, còn các hệ thống mặt đất – thực hiện vai trò điều khiển và tiêu diệt mục tiêu).

3. Nghiên cứu hoàn thiện các phương pháp và thuật toán của hành động tập thể (chiến thuật UAV bầy đàn).

4. Viết các thuật toán cho hành động độc lập (các chương trình trí tuệ nhân tạo, trong đó bản thân hệ thống sau khi nhận nhiệm vụ sẽ tự động chọn cách giải quyết nó mà không cần sự điều khiển của con người từ bên ngoài).

5. Bảo vệ các kênh liên lạc- điều khiển hệ thống không người lái (nghiên cứu ứng dụng các phương pháp truyền dữ liệu mới).

Kỷ nguyên của các hệ thống cơ động cao sử dụng trí tuệ nhân tạo và được kết hợp vào một mạng thống nhất, có khả năng cùng lúc điều khiển phương tiện kỹ thuật quân sự, các phân đội trên trận địa và và đang đến.

Và nếu coi thường thực tế này, có thể phải trả giá rất đắt trong các cuộc xung đột tương lai:

Các ảnh đã sử dụng: https://shnyagi.net/439949-Armenija-nashla-ehffektivnyjj-sposob-borby-s.html

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/may-bay-khong-nguoi-lai-trong-cac-cuoc-chien-tranh-tuong-lai-3427314/