Máy bay Lion Air 11 phút trên không 'chúi mũi' 25 lần

Trích dẫn dữ liệu từ hộp đen, các nhà điều tra Indonesia cho biết, máy bay mang số hiệu chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air đã chúc mũi xuống hơn 20 lần trong vòng 11 phút trước khi rơi xuống biển Java, toàn bộ 189 người trên khoang thiệt mạng.

Theo New Yorrk Times, dữ liệu từ hộp đen máy bay Lion Air rơi xuống vùng biển Indonesia tháng trước cho thấy ngay sau khi cất cánh, các phi công đã phải chiến đấu để cứu lấy chiếc Boeing 737 MAX dường như bị lỗi bộ phận cảm biến khiến hệ thống tự động nhận sai thông tin.

Thông tin này nằm trong báo cáo sơ bộ của các nhà điều tra về vụ tai nạn thảm khốc khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng, dự kiến được công bố hôm 28/11.

Hộp đen của máy bay Lion Air.

Hộp đen của máy bay Lion Air.

Cụ thể máy bay đã chúc mũi xuống hơn 20 lần chỉ trong khoảng 11 phút và nguyên nhân được cho là do lỗi cảm biến khiến hệ thống tự động tiếp nhận sai thông tin. Sau nhiều lần cố đưa máy bay trở lại trạng thái thăng bằng, cuối cùng phi công mất kiểm soát và chiếc máy bay bắt đầu lao xuống biển với tốc độ khoảng 724km/h.

Dữ liệu từ hộp đen này hoàn toàn trùng khớp với giả thuyết mà các nhà điều tra đang tập trung vào đó là Boeing dường như đã che giấu về nguy cơ trục trặc ở hệ thống kiểm soát bay mới trang bị cho các mẫu máy bay Boeing 737 MAX 8 và Boeing 737 MAX 9.

Hệ thống này được thiết kế để giúp phi công tránh mũi máy bay nâng quá cao. Tuy nhiên, nguy cơ lỗi ở chức năng chống ngừng tự động có thể khiến máy bay chúc mũi xuống đột ngột và phi công không thể xử lý được ngay cả khi điều khiển bằng cơ chế lái bằng tay. Nếu điều này xảy ra, máy bay có thể bị dốc xuống hoặc bị rơi.

Cảm biến này được gọi là cảm biến "góc tấn", thiết bị ghi lại độ dốc khi máy bay tăng giảm độ cao, có vai trò quan trọng trong việc giúp phi công xác định máy bay có đang chao đảo hay không. Việc tăng vận tốc và góc tấn dẫn đến tăng lực nâng ở cánh máy bay. Sai sót trong việc kết hợp điều chỉnh 2 yếu tố này có thể dẫn đến tai nạn.

Từ lúc cất cánh, chiếc Boeing đã ghi nhận thông tin sai lệch từ một trong hai cảm biến góc tấn trên mũi máy bay. Hiện vẫn chưa rõ dữ liệu sai lệch là do bản thân thiết bị cảm biến hay do hệ thống xử lý thông tin cảm biến.

Song trong hành trình trước chuyến bay cuối cùng, phi cơ Lion Air cũng gặp vấn đề với cảm biến góc tấn khi bay từ đảo Bali tới Jakarta. Theo các quan chức Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, trong chuyến bay này, chênh lệch giữa hai cảm biến là 20 độ.

Túi đựng thi thể các nạn nhân.

Đây cũng là mức chênh lệch giữa hai cảm biến trên chuyến bay cuối cùng. Một trong hai cảm biến đã được thay thế trước chuyến bay này.

Sau vụ tai nạn, các phi công của hãng này cũng bày tỏ lo ngại rằng họ chưa có thông tin đầy đủ về hệ thống mới của Boeing - được gọi là "hệ thống tăng cường đặc tính cơ động", hay MCAS - cũng như cách vận hành hệ thống này trong các trường hợp khẩn cấp.

Thông tin trên được đưa ra ngay trước khi Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia dự kiến công bố báo cáo kết quả điều tra sơ bộ vụ rơi máy bay Lion Air. Máy bay Boeing 737 Max 8 mang số hiệu chuyến bay JT610 của hãng Lion Air đã rơi xuống biển Java sáng 29/10 không lâu sau khi cất cánh từ sân bay ở Jakarta (Indonesia). Vụ tai nạn khiến toàn bộ 189 người trên khoang thiệt mạng.

Theo bản thảo báo cáo được Bloomberg tiếp cận, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, máy bay của Lion Air đã gặp sự cố cảm biến từ các chuyến bay trước chuyến bay định mệnh sáng 29/10. Trục trặc tương tự đã xảy ra trong chuyến bay ngay tối 28/10. Kỹ sư của Lion Air đã kiểm tra một số thiết bị và các cảm biến khác mà không kiểm tra bộ phận được gọi là cảm biến góc tấn - yếu tố được cho là quan trọng trong vụ tai nạn của máy bay Lion Air.

H.A (TH)

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/quoc-te/may-bay-lion-air-11-phut-tren-khong-chui-mui-25-lan