Máy bay Mỹ rơi ở quê tôi

Năm 1966-1967, tôi học lớp 8D trường PTC3 Thường Tín-Hà Tây (nay là Hà Nội). Dạo ấy, chiến tranh ngày càng ác liệt, máy bay Mỹ đang tăng cường đánh phá khu vực Đông Anh và Gia Lâm.

Quê tôi gần Hà Hội, cách khoảng 20km về phía Nam-Tây Nam Hà Nội nên máy bay Mỹ thường bay qua đầu chúng tôi lên ném bom thủ đô. Hàng ngày, chúng tôi chứng kiến nhiều tốp máy bay Mỹ bay đội hình mỗi toán 4 chiếc bay lên thả bom, bắn phá phía trên; quê tôi tưởng như yên ổn hơn một chút.

Năm học ấy, trường Phổ thông Cấp 3 Thường Tín chỉ có 13 lớp nhưng đều phải đi sơ tán ra các làng xung quanh làm lán học. Lớp chúng tôi học ở cuối làng Phác Động, xã Tiền Phong. Học sinh chúng tôi lao động nhiều lắm, việc đào hầm chữ A kiểu Triều Tiên thì lớp nào cũng có dăm chiếc, nối với nhau bằng những đoạn hào từ cửa lớp chạy ra.

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Một lần, vào lúc hơn 12h trưa, máy bay Mỹ bắn rocket xuống ngôi chùa làng An Phú ngay trước mắt mấy bạn học sinh lớp 8 chúng tôi đang ngồi nghỉ trên đê sông Nhuệ.

Máy bay Mỹ đang bay chợt chúi nhẹ như dừng lại rồi phóng tên lửa xuống ngôi chùa làng Yên Phú. Buổi trưa trời nắng, mây trắng bay ít nên chúng tôi quan sát rất rõ.

Đám khói đen bay lên từ phía cuối làng. Hai chiếc máy bay dìu nhau bắn xong là nghiêng cánh, bay vòng lên phía Tây quay về. Trưa hôm đó gần như không thấy tên lửa phòng không và pháo cao xạ bắn lên.

Chỗ bị tên lửa Mỹ bắn cách xa chúng tôi gần 1km, vậy là mấy đứa chúng tôi lên xe đạp chạy ra xem. Rất may, tên lửa Mỹ bắn không trúng ngôi chùa cuối làng mà bắn chệch vào chiếc ao to xung quanh trồng đầy tre. Hồi đó, văn phòng Huyện Ủy sơ tán vào chùa làng Yên Phú nhưng may không có tai nạn gì.

Chiếc ao bị bắn sục đầy nước nâu đen, bèo trôi tan nát; trên bờ có ngôi nhà ngói nhỏ bị nứt đầu hồi nhưng không sụt.

Bỗng máy bay Mỹ lại xuất hiện, bắn xuống khu trường cấp 3 của chúng tôi. Vì trẻ con hiếu kỳ chúng tôi lại chạy ra xem; tôi thấy mái ngói dãy nhà phía Bắc bị đạn 20ly bắn thủng một vệt, làm sập cả đoạn trần nhà. Ngay giữa sân trường có vài cây bàng và cây gỗ tếch, chúng tôi đang đứng xem vết đạn bắn trên mái thì bỗng từ phía Đông, chiếc máy bay bay rất thấp và khá chậm bay vòng qua gần phía ga tầu hỏa rồi bay về hướng Tây. Khi đó, có tên lửa bắn lên và nghe rõ tràng dài đạn liên thanh bắn lên nhưng không trúng.

Máy bay Mỹ xà thấp dể tránh tên lửa nên lần đầu tiên chúng tôi nhìn nó bay thấp lắm, tưởng như có súng là rất dễ bắn. Máy bay bay xa, chúng tôi ra phía đầu trường thấy trạm hạ thế điện cũng bị bắn, dây đứt cuộn văng tứ phía; chúng tôi tránh các dây này vì lo còn dòng điện chưa ngắt. Lát sau, mấy đứa bạn rủ nhau quay về lớp lao động. Nghĩ lại, mình trẻ con ngốc và liều thật!

Vào buổi chiều một ngày cuối Thu năm 1966, máy bay Mỹ bị bắn rơi ở chính quê tôi. Lúc đó khoảng 16h chiều, tôi đang ngồi học bài dưới gốc cây bỗng nghe tiếng nổ “Oành!” rất to ngay sau lưng. Tôi giật bắn người thì chợt nghe có tiếng máy bay Mỹ rú lên bay xa.

Lúc trước hình như tôi không nghe thấy tiếng máy bay, không biết do mải học hay việc nghe tiếng phản lực bay cao đã trở thành quen thuộc, đơn giản hàng ngày.

Bỗng nghe xa xa có tiếng nhân dân kêu ran “Máy bay Mỹ cháy rồi, rơi rồi!” Tôi bỏ sách vở chạy ra đầu làng Mễ Sơn, cùng đám đông nhân dân nhìn về đám khói màu vàng lẫn đen chưa tan còn ngang trên đầu những cây ở làng bên. Máy bay Mỹ dù bay thấp cũng bị tên lửa tầm thấp bắn hạ ngay cuối xã.

Tôi và cậu bạn bỏ cả học bài, đi xe đạp phóng ngay đến chỗ máy bay rơi để xem! Hóa ra, máy bay bị bắn rơi ở cuối làng Đậu, cách chỗ chúng tôi trọ học khoảng hơn 2km. Khi chúng tôi đến nơi, nhân dân quanh vùng đến xem rất đông, có lẽ đến 200-300 người.

Trời chiều dần nên nhân dân không sợ máy bay Mỹ quay lại. Xác chiếc máy bay bị cháy nằm dưới ruộng nước, cách cửa chùa Đậu khoảng 300m. Nhân dân đứng trên bờ nước chỉ trỏ nói chuyện, một số người còn lội xuống ra tận nơi xem. Dân quân xã vác súng cũng đứng xem như chúng tôi.

Phía cuối ruộng nước, xác phi công Mỹ da trắng đang có đám đông hiếu kỳ lội đến xem. Anh dân quân cầm tay phi công Mỹ kéo lên rồi dừng lại, tôi chỉ đứng xa nhìn. Xác địch chết đấy nhưng nhân dân không ai cảm thấy sợ xác chết, chỉ thấy dân nhìn nhau cười vui hể hả lắm…

Ngày hôm sau, nghe nói xác phi công Mỹ được đưa về bên bờ sông Cầu Giành cạnh cầu Vĩnh Mộ, phía sau chùa Đậu khoảng 100m. Người phi công da trắng, không cao to nên nhân dân đoán là phi công Úc. Vì chúng tôi bận đi học nên không biết xác phi công Mỹ chuyển đi nơi khác hay chôn ngay ở chân đê sông nhỏ.

Khoảng 2 tuần sau, tại đình thôn Cổ Chất, xã Dũng Tiến có cuộc triển lãm ảnh về nhân dân Vietnam chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Chúng tôi từ trên chỗ trọ học cũng đi về xem triển lãm ảnh.

Ít ngày sau, có ai đó đã kéo 1 cánh và mảnh thân máy bay Mỹ lên đê sông Nhuệ, ngay cống nước gần trạm bơm Vĩnh Mộ. Hàng ngày, lớp học sinh chúng tôi đi xe đạp về sau khi tan lớp, một số cứ ngồi lại xem xác máy bay Mỹ và nghịch, đập chặt kiếm mảnh xác máy bay về làm lược hay làm hộp thuốc đánh răng. Thích nhất là có bạn dùng cờ lê vặn ốc máy bay về lắp vào đèo hàng phía sau xe đạp. Trong một ống dẫn dầu nhỏ như chiếc xe điếu, chúng tôi còn thấy dầu máy bay chảy ra, màu hồng nhạt, dạng dầu đặc nhưng đốt không bắt lửa. Học sinh cứ tưởng xăng máy bay mà đốt ko cháy, sau này mới hiểu đó là dầu phanh.

Tôi cũng kiếm được ít ốc vít lắp vào xe đạp, lấy thêm mảnh máy bay cũ mang đến lớp đốt nghịch chơi. Miếng dura cháy mạnh, lóe sáng làm lũ học sinh chúng tôi ngạc nhiên thích thú.

Chiếc lốp máy bay cũng chỉ to bằng lốp xe YAZ nhưng khá nhẵn, vẫn căng, nhân dân mang chiếc lốp xe về sân kho cửa đình làng Vĩnh Mộ. Có ai đó nghịch đốt chiếc lốp mãi cũng không cháy; về sau chiếc lốp bị chuyển đi đâu không rõ nhưng vẫn trong làng Vĩnh Mộ.

Kỷ niệm về chiếc máy bay Mỹ bị tên lửa ta bắn rơi cách nay đã gần 57 năm nhưng chúng tôi vẫn còn nhớ khá rõ. Xin được chia sẻ cùng bạn đọc.

Hà Nội, tháng 5-2023
Q.T - Đ D

Trái tim người lính

Quang Tùng cùng Đăng Dung

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/may-bay-my-roi-o-que-toi-a19013.html