Máy bay ném bom tàng hình PAK DA của Nga bao giờ mới cất cánh?

Tương tự nhiều dự án vũ khí thế hệ mới khác, Nga đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển máy bay ném bom tàng hình PAK DA.

Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất trên hành tinh vận hành máy bay ném bom tàng hình trong biên chế, họ đang duy trì khoảng cách lớn trước những đối thủ bám đuổi phía sau khi đã cho ra mắt chiếc B-21 Raider và chuẩn bị đưa nó vào thành phần trực chiến.

Nhằm bám đuổi Mỹ, trong vài thập kỷ qua, cả Trung Quốc và Nga đã ưu tiên các chương trình máy bay ném bom tàng hình của riêng họ. Theo tuyên bố từ Moskva, nước này dự kiến sẽ đưa oanh tạc cơ tàng hình đầu tiên vào hoạt động trong năm 2027.

Từ cuối những năm 1990, Điện Kremlin đã lên ý tưởng và bắt đầu phát triển máy bay ném bom chiến lược tàng hình thế hệ tiếp theo khi nhận ra ưu điểm to lớn của phương tiện tác chiến này.

Không quân Nga đã chuyển các yêu cầu về chiếc máy bay như vậy tới Cục thiết kế Tupolev vào khoảng thời gian đầu những năm 2000 và bắt đầu tài trợ cho chương trình nghiên cứu phát triển từ năm 2008.

Cần phải lưu ý đến thực tế là Tupolev đã thiết kế toàn bộ phi đội máy bay ném bom hạng nặng của Không quân Liên Xô cũng như Nga, bao gồm cả Tu-95 Bear, Tu-22M3 Backfire và Tu-160 Blackjack.

Theo tiết lộ, oanh tạc cơ tương lai PAK DA (Poslanhik) của Nga sẽ có thiết kế cánh bay giống như B-2 Spirit và B-21 Raider của Mỹ, chiếc máy bay ném bom do Nga sản xuất này có trọng lượng cất cánh tối đa 145 tấn, với tải trọng vũ khí là 30 tấn.

Để so sánh, chiếc B-2 Spirit có trọng lượng cất cánh tối đa là 150 tấn và có thể mang tới 40 tấn vũ khí, như vậy máy bay ném bom chiến lược tương lai của Nga "khiêm tốn" hơn một chút..

Về vũ khí, “Nga có kế hoạch trang bị cho PAK DA 12 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-BD thế hệ mới. Tên lửa Kh-BD, giống như PAK-DA, đã được phát triển trong nhiều năm mà không có bất kỳ thông báo tiến triển cụ thể nào.

Giống như tên lửa hành trình Kh-101 thế hệ hiện tại, Kh-BD sẽ mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Chúng sẽ có tầm bắn thậm chí còn xa hơn Kh-101, ở mức 5.500 km - là tầm bắn xa nhất thế giới đối với một tên lửa hành trình đang hoạt động.

Mặc dù máy bay ném bom chiến lược tàng hình của Nga được giới thiệu rất "hoành tráng", nhưng PAK DA có thể không đáng sợ lắm.

Theo giải thích, đặc tính tàng hình của máy bay ném bom Nga sẽ bị hạn chế do nước này không có khả năng sản xuất hàng loạt chi tiết với dung sai ở mức “cực kỳ chặt chẽ” - yêu cầu tối quan trọng đối với tiêm kích hoặc máy bay ném bom tàng hình.

Cụ thể, các đường nối giữa chi tiết thân máy bay không được "trơn tru" như đã thể hiện trên tiêm kích Su-57 Felon có thể tạo ra sóng phản xạ radar - một lỗ hổng có thể khiến máy bay gặp nguy hiểm.

Kể từ khi các biện pháp trừng phạt kinh tế được áp dụng, việc mua các bộ phận và thiết bị cần thiết để đạt được các đặc tính tàng hình trở nên ngày càng khó khăn hơn với các nhà máy của Nga.

Vì lý do này, Điện Kremlin khó có thể đưa chiếc PAK DA lên bầu trời vào năm 2027 như dự định ban đầu, thậm chí viễn cảnh xấu đang được nhắc tới đó là nó sẽ không bao giờ cất cánh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/may-bay-nem-bom-tang-hinh-pak-da-cua-nga-bao-gio-moi-cat-canh-post534660.antd