Máy bay Nga 'nằm đất' khi khu trục hạm phòng không cực mạnh của Anh tới eo biển Kerch?

Tờ Daily Star vừa cho biết, Đô đốc Hải quân Hoàng gia Anh Lord West cho rằng giới lãnh đạo nước này nên triển khai một khu trục hạm Type 45 lớp Daring tối tân tới khu vực biển Azov để gây sức ép lên Nga.

 Vụ đụng độ giữa các tàu biên phòng Nga và xuồng tuần tra cao tốc thuộc Hải quân Ukraine dưới chân cầu vượt eo biển Kerch đang có dấu hiệu trở thành cuộc xung đột quốc tế.

Vụ đụng độ giữa các tàu biên phòng Nga và xuồng tuần tra cao tốc thuộc Hải quân Ukraine dưới chân cầu vượt eo biển Kerch đang có dấu hiệu trở thành cuộc xung đột quốc tế.

Trong sự kiện trên, Hải quân Ukraine đã tỏ rõ sự thất thế trước Nga khi các xuồng tuần tra của họ vừa có lượng giãn nước nhỏ lại chẳng có đủ hỏa lực cần thiết để tự vệ.

Trong tình cảnh đó, Ukraine gần như chỉ còn biện pháp duy nhất là tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài, và quốc hội Ukraine đã chính thức gửi lời đề nghị các quốc gia NATO và châu Âu hãy đưa chiến hạm tới biển Đen và biển Azov để kiềm chế Nga.

Đáp lời kêu gọi từ phía Ukraine, Đô đốc Hải quân Hoàng gia Anh Lord West cho rằng chính phủ nước này nên đưa một khu trục hạm phòng không tối tân nhất Type 45 Daring tới điểm nóng.

Sự xuất hiện của con tàu cỡ lớn này tại eo biển Kerch sẽ là lời cam kết vững chắc nhất của phương Tây đối với an ninh của Ukraine, cũng như gửi tới Nga một thông điệp đanh thép.

Type 45 Daring là khu trục hạm lớn và hiện đại nhất của Hải quân Anh vào thời điểm hiện tại, nó có chiều dài 152,4 m; chiều rộng 21,2 m; mớn nước 7,4 m; lượng giãn nước đầy tải lên tới 9.400 tấn; thủy thủ đoàn 191 người.

Type 45 là lớp khu trục hạm phòng không rất tiên tiến có nguồn gốc từ dự án quốc tế CNGF (Common New Generation Frigate) liên kết với Hải quân Pháp và Italia.

Tuy nhiên sau đó Hải quân Hoàng gia Anh đã rút khỏi dự án chung, họ dựa trên thiết kế CNGF để "phóng to" lên thành chiếc khu trục hạm Type 45 Daring hiện tại.

Khu trục hạm lớp Daring được trang bị hệ thống quản lý tác chiến Sea Viper cực kỳ tối tân, đi kèm các trang thiết bị điện tử do châu Âu tự nghiên cứu phát triển.

Đầu tiên là radar mảng pha quét thụ động S1850M, khí tài trang bị trên gia đình khu trục hạm Daring là một phiên bản của SMART-L được BAE Systems sản xuất.

Radar S1850M có thể theo dõi tự động 1.000 mục tiêu từ cự ly 400 km, kể cả máy bay và tên lửa tàng hình. Phiên bản S1850M nâng cấp mà Hà Lan gọi là SMART-L Mk 2 có bán kính tìm kiếm được mở rộng đáng kể, lên đến 800 km trên mặt biển và 400 km trong không gian.

Tiếp theo là SAMPSON, radar mảng pha quét điện tử chủ động đa chức năng được sản xuất bởi BAE Systems Maritime, đây là thành phần điều khiển hỏa lực của hệ thống phòng không Sea Viper.

Khí tài này ngoài xuất hiện trên chiếc Daring thì còn được chỉ định để trang bị cho hệ thống PAAMS trên khu trục hạm Horizon của Pháp và Orizzonte của Italia.

Radar SAMPSON có thể phát hiện các vật thể bay có diện tích phản xạ radar nhỏ chỉ bằng quả bóng golf từ cách xa 400 km với hàng trăm mục tiêu được theo dõi cùng lúc.

Vũ khí đáng kể nhất của chiếc Daring là 48 ống phóng thẳng đứng A50, mang theo hỗn hợp 48 tên lửa phòng không tầm trung/xa Aster-15/30 có thể tiêu diệt mọi mục tiêu bay trong cự ly từ 1,7 - 120 km.

Sự xuất hiện của khu trục hạm phòng không Daring tại eo biển Kerch cũng như biển Azov có thể gây nên mối đe dọa cực lớn với mọi chiến đấu cơ Nga nếu chiếc chiến hạm tối tân này của Anh được lệnh tham chiến.

Tuy nhiên sự có mặt của chiếc Daring nếu lời đề nghị được thông qua thì có lẽ cũng chỉ mang tính biểu tượng là chính, vì chắc chắn NATO không muốn phải gây chiến với Nga vì một quốc gia ngoài khối.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-may-bay-nga-nam-dat-khi-khu-truc-ham-phong-khong-cuc-manh-cua-anh-toi-eo-bien-kerch/791629.antd