Máy bay tàng hình F-35 có thể bị phát hiện bởi vệ tinh quân sự

Đó là nhận định của chuyên gia quân sự hàng đầu của Nhật Bản, giáo sư tại Đại học Shizuoka, Kazuhisa Ogawa với hãng tin quân sự Defense News. Theo đó, thiết kế tàng hình của dòng máy bay thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II không được tối ưu với góc nhìn từ không gian.

Theo lời ông Kazuhisa Ogawa, các vệ tinh quân sự hiện đại với máy tính mạnh mẽ có đủ khả năng phân tích và nhận diện hướng, độ cao và tốc độ bay của các dòng máy bay tàng hình hiện đại. Khi bị lấy mất khả năng tàng hình, máy bay F-35 hoàn toàn có thể bị xác định và đón lõng trước các dòng máy bay chiến đấu thế hệ thấp hơn.

“Thiết kế của các máy bay tàng hình là tối ưu khả năng hấp thụ và tán xạ các chùm radar ở bán cầu phía trước và phía thân dưới máy bay. Chúng không được tính toán để đối phó lại với các vệ tinh quân sự đang hoạt động ở quỹ đạo thấp của Trái Đất”, chuyên gia Kazuhisa Ogawa cho biết.

 Do không được tối ưu khả năng tàng hình ở mặt phẳng phía trên, F-35 có thể bị các vệ tinh quân sự phát hiện.

Do không được tối ưu khả năng tàng hình ở mặt phẳng phía trên, F-35 có thể bị các vệ tinh quân sự phát hiện.

Phát hiện của chuyên gia Kazuhisa Ogawa có thể coi là phương thức đối phó mới với các dòng máy bay tàng hình tương lai. Tuy nhiên, tính ứng dụng của công nghệ này chỉ dành cho các siêu cường công nghệ với hệ thống vệ tinh gián điệp quy mô trên quỹ đạo. Để theo dõi một vật thể bay ở vận tốc cận âm trên không trung từ vũ trụ không phải là một công việc dễ dàng.

Trước đó, hồi tháng 9-2019, vấn đề tàng hình của máy bay F-35 một lần nữa bị nghi vấn khi nó bị hệ thống radar thụ động TwInvis của hãng chế tạo Đức Hensoldt phát hiện. Các máy bay F-35 bị theo dấu khi từ căn cứ không quân Luke ở bang Arizona đến Đức để tham gia triển lãm hàng không. Hệ thống radar TwInvis đặt cách nơi diễn ra triển lãm 150km đã bắt được tín hiệu của máy bay F-35 bay tới.

Nguyên tắc của hệ thống radar thụ động TwInvis là dựa vào các nhiễu động vô tuyến do các vật thể hoạt động trong không gian phát ra để phân tích và nhận diện mục tiêu. Chính vì nguyên tắc hoạt động này, hệ thống radar không phát ra các chùm sóng radar chủ động sục sạo mục tiêu, mà chờ mục tiêu bay vào tầm giám sát và căn cứ vào nhiễu động từ tính do mục tiêu phát ra để định vị chúng.

Giải thích về vấn đề này, đại diện hãng chế tạo Lockheed Martin, nơi phát triển và chế tạo máy bay F-35, cho biết, khả năng chế độ tàng hình của chiến đấu cơ F-35 chỉ được kích hoạt khi cần thiết. Trong trường hợp trên, các máy bay F-35 đã mở máy phát tín hiệu khai báo vị trí cho đơn vị quản lý không lưu địa phương nhằm đảm bảo an toàn hàng không.

Dù được đưa vào trang bị quân đội nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng các phiên bản của máy bay F-35 vẫn còn rất nhiều lỗi kỹ thuật, trong đó có cả vấn đề với lớp phủ tàng hình.

F-35 Lightning II được coi là dòng máy bay chiến đấu chủ lực của quân đội Mỹ và các quốc gia đồng minh ở hiện tại và trong tương lai gần. Tính tới thời điểm hiện tại, Lockheed Martin đã xuất xưởng hơn 500 máy bay F-35, bao gồm các phiên bản A cho không quân, B cho thủy quân lục chiến và C cho hải quân. Tới năm 2024, Lockheed Martin dự kiến sẽ đạt mốc sản xuất 180 máy bay F-35/năm và biến dòng máy bay chiến đấu này trở thành phương tiện chiến đấu đường không thế hệ thứ 5 phổ biến nhất trên thế giới.

Theo Tuấn Sơn/Quân đội Nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/may-bay-tang-hinh-f-35-co-the-bi-phat-hien-boi-ve-tinh-quan-su/20200614045210791