Máy quay thăm dò đáy biển phát hiện 'mực khổng lồ trong truyền thuyết'

Bảy năm sau khi các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện loài mực khổng lồ dưới đáy đại dương, một cá thể khác đã lọt vào ống kính của máy quay.

Eddie Widder đang ăn trưa trong phòng sinh hoạt chung trên tàu nghiên cứu đại dương R/V Point Sur hôm 18/6 thì đồng nghiệp của bà là Nathan Robinson bất ngờ xông vào.

Ông Robinson không nói gì, chính xác hơn là lúc đó ông không biết phải nói gì. Bà Widder bật dậy khỏi bàn, chắc chắn là có gì đó cực kỳ quan trọng thì đồng nghiệp của mình mới có biểu cảm đặc biệt như vậy trên khuôn mặt.

Tiến sĩ Widder là người sáng lập Hiệp hội Nghiên cứu và Bảo tồn Đại dương, bà cũng là một phần của đội ngũ các nhà khoa học vào năm 2012 lần đầu ghi lại hình ảnh của một con mực khổng lồ đang bơi trong môi trường sống tự nhiên của nó ngoài bờ biển vùng Ogasawara, Nhật Bản.

Con mực xuất hiện trong đoạn video dài 25 giây, được các nhà khoa học ước tính dài hơn 3 mét và là một cá thể còn non. Ảnh: Cắt từ video.

Con mực xuất hiện trong đoạn video dài 25 giây, được các nhà khoa học ước tính dài hơn 3 mét và là một cá thể còn non. Ảnh: Cắt từ video.

Con mồi làm từ đèn LED

Để chuẩn bị cho chuyến thám hiểm đó, bà Widder đã phát triển một hệ thống camera có tên gọi Medusa. Nó sử dụng ánh sáng đỏ, thứ mà hầu hết sinh vật biển không thể nhìn thấy, và cuối một dây nhựa dài khoảng 1,6 km là mồi nhử quang học, được cấu tạo bởi vòng đèn LED giúp nó nhìn giống như một con sứa phát quang.

Tiến sĩ Widder đưa ra giả thuyết tiếng ồn và ánh sáng từ các con tàu hoặc tàu ngầm sẽ làm các loài động vật biển cỡ lớn hoảng sợ, khiến cho các nhà nghiên cứu không thể quan sát chúng ở môi trường tự nhiên.

Trong khi đó, tiến sĩ Robinson, giám đốc viện Cape Eleuthera ở Bahamas, là người được giao trọng trách xem các đoạn băng mà hệ thống Medusa ghi lại trong chuyến thám hiểm mới nhất của tàu R/V Point Sur. Đó là hành trình dài 15 ngày ở vịnh Mexico, do Văn phòng Thám hiểm và Nghiên cứu Đại dương thuộc Cơ quan Khí tượng và Đại dương Mỹ (NOAA) tài trợ. Như một phần của chuyến thám hiểm này, tiến sĩ Widder sẽ đưa hệ thống Medusa của mình vào thử nghiệm để xem liệu nó có bắt được một con mực khác ở một nơi khác trên thế giới hay không.

Cho đến nay, máy quay đã ghi lại được những ảnh thông thường dưới đáy biển: cá mập đèn lồng, sứa biển sâu, một con tôm phát sáng lần đầu tiên được phát hiện.

Nhưng sau khi theo dõi 20 tiếng thời lượng video được ghi lại trong nhiệm vụ thứ 5 của hệ thống Medusa, tiến sĩ Robinson bất ngờ nhìn thấy những cái xúc tu nhọn xuất hiện trong khung hình.

"Trái tim như muốn nổ tung", ông Robinson chia sẻ.

Ban đầu, con vật xuất hiện ở phía góc màn hình, cho thấy nó đang rình rập con mồi làm từ bóng đèn LED bằng cách bơi dọc theo.

Tiến sĩ Robinson (đầu tiên từ trái qua) và tiến sĩ Widder (thứ hai từ phải qua) cùng các đồng nghiệp xem lại đoạn băng về cuộc chạm trán với con mực khổng lồ. Ảnh: New York Times.

Sau đó, xuyên qua làn nước, toàn bộ con mực tiến vào trung tâm màn hình, những xúc tu dài của nó đưa ra và bắt lấy con mồi. Con mực mất một lúc để khám phá "con sứa kỳ lạ" trong sự bối rối, và rồi nó biến mất vào bóng tối.

Đoạn băng được ghi lại ở độ sâu 759 mét, tại khu vực biển sâu khoảng 2.200 mét, cung cấp manh mối hiếm có và hữu ích về môi trường sống và tập tính của loài động vật này.

Các nhà khoa học tỏ ra rất phấn khích với những gì hiện lên trên màn hình, họ quây quần và bắt đầu la hét, nhưng vẫn cố gắng kiềm chế vì theo tiến sĩ Widder: "Chúng tôi cần phải chắc rằng đó là những gì mà chúng tôi nghĩ".

Rất gần với con người

Nhóm thám hiểm xem đi xem lại đoạn băng dài 25 giây về cuộc chạm trán giữa con mực và con mồi giả, quan sát chi tiết về các xúc tu và tham khảo các cuốn sách định dạng sinh vật biển. (Mực khổng lồ không phải là loài mực duy nhất sống dưới biển sâu, và cá thể này chỉ dài khoảng hơn 3 mét, trong khi loài vật có thể dài tới 12 mét).

Cả nhóm tìm đến Michael Vecchione, chuyên gia về động vật thân mềm chân đầu tại Bảo tàng Quốc gia Smithsonian về Lịch sử Tự nhiên, để xác nhận những gì họ nhịn thấy. Theo tiến sĩ Vechhione, kích cỡ và địa điểm phát hiện con vật dẫn tới một câu trả lời duy nhất là Asperoteuthis, một loại mực với những xúc tu mỏng hơn và dài hơn, Ông Vecchione xác nhận đây chính là loài mực khổng lồ trong truyền thuyết.

Mực khổng lồ xuất hiện trong văn hóa đại chúng từ thời xa xưa, thường được khắc là họa là một sinh vật hung dữ, cơn ác mộng đến từ biển cả. Trong các tác phẩm nổi tiếng như Moby-DickHai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển đều có xuất hiện những con mực khổng lồ.

Đây mới chỉ là chuyến thám hiểm thứ hai để ghi hình mực khổng lồ trong môi trường sống tự nhiên của chúng, và con mực xuất là cá thể đầu tiên được phát hiện ở vùng biển nước Mỹ. Địa điểm phát hiện con mực chỉ cách bờ biển New Orleans 160 km về phía tây nam, và ngay cạnh khu vực khai thác của Appomattox, giàn khoan nổi lớn nhất vịnh Mexico.

Hình ảnh đầu tiên về mực khổng lồ được ghi lại vào năm 2012 tại bờ biển Nhật Bản. Ảnh: NHK/Reuters.

Đối với giáo sư Sonke Johnsen, giáo sư sinh học tại Đại học Duke và là người dẫn đầu cuộc thám hiểm, phát hiện này là một lời nhắc nhở về việc những kỳ quan thiên nhiên có vẻ xa xôi nhất thì cũng có thể ở rất gần với cơ sở hạ tầng của con người, và rất dễ chịu tác động của con người, từ sự cố tràn dầu đến các dòng chảy hóa chất từ nông nghiệp, thường xuyên biến các phần của vịnh Mexico thành vùng chết chóc.

Các nhà khoa học nghiên cứu ở vùng biển sâu thường chỉ ra rằng khu vực này thậm chí còn ít được khám phá hơn so với bề mặt của Sao Hỏa.

Mực khổng lồ từ lâu đã là một ví dụ điển hình của thực tế này, một sinh vật khổng lồ chỉ được con người biết đến bằng những cái xác chết dạt vào bờ biển, hoặc trong dạ dày của cá nhà táng, loài động vật ăn thịt chính đối với chúng.

Ngay cả khi nguồn thủy sản cạn kiệt buộc các tàu phải đi vào vùng nước sâu hơn, các cá thể mực khổng lồ cũng xuất hiện trong lưới đánh cả, nhưng điều này chỉ mang lại cái nhìn thoáng qua vào thế giới của chúng. Tiến sĩ Vecchione cho biết: "một cái xác không thể cho chúng ta biết điều gì về lối sống của chúng trong môi trường tự nhiên".

Sơn Trần
Theo New York Times

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/may-quay-tham-do-day-bien-phat-hien-muc-khong-lo-trong-truyen-thuyet-post959486.html