Mấy suy nghĩ vầ đao đức hành nghề y*

Đạo đức y học (Medical ethics; Éthique médicale), gọi tắt là y đức là một khái niệm có từ hàng ngàn năm trước Công nguyên từ khi con người biết về bệnh tật và biết cách chữa bệnh. Đạo đức y học quy định các điều mà người thầy thuốc phải phấn đấu làm theo trong suốt cuộc đời nghề nghiệp của mình và ngày càng được phát triển, đổi mới, hoàn thiện.

1. Sơ lược về nguồn gốc và sự phát triển của y đức trên thế giới

Có lẽ y đức được hình thành một cách hệ thống và đầy đủ khởi đầu bằng Lời thề Hippocrate. Hippocrate là vị y sư ở đảo Cos (Hy Lạp) sống cách đây khoảng hơn 2000 năm, được coi như Ông Tổ của Ngành Y Thế Giới. Sau đó, khi Trường Đại học Y khoa đầu tiên ra đời ở Montpellier, thì Lời thề Hippocrate được cải biên đôi chút để phù hợp với xã hội thời bấy giờ. Tiếp theo, còn có nhiều lời thề để quy định y đức trong hành nghề của những người thầy thuốc, phù hợp với từng thời kỳ, từng quốc gia và từng dân tộc: Lời thề y học Assaph (Thầy thuốc Do Thái, Thế kỷ VII), Lời thề y khoa Maimonide (Thế kỷ IX), Lời thề y học Amatus Lusitannus (Y sĩ Bồ Đào Nha gốc Do Thái, 1568), Lời thề của các thầy thuốc Jacob Zahalon (Italia, 1630-1693), Lời thề tốt nghiệp bác sĩ y khoa Đan Mạch, Lời thề Y sĩ đoàn Pháp, Lời thề của các thầy thuốc Hébresw, Lời hứa khi tốt nghiệp Bác sĩ y khoa CHDC Đức, Lời thề Genève Thụy Sĩ (1948)…Và, còn nhiều những lời thề y khoa phản ánh và khuyên dạy đạo đức hành nghề của những người thầy thuốc ở các quốc gia khác nhau và trong những thời kỳ khác nhau trên khắp thế giới này.

2. Nguồn gốc y đức ở Việt Nam và sự gặp nhau giữa hai phương trời y học

Ở Việt Nam, y đức đã được hình thành từ khá sớm, ngay từ ngàn xưa, tổ tiên ta đã quan niệm: “Người trồng cây hạnh người chơi/ Ta trồng cây đức để đời mai sau”, “Thương người như thể thương thân” hay “Cứu một mạng người hơn xây tòa tháp bẩy tầng”…nhưng phải đến thế kỷ XIV, Nguyễn Bá Tĩnh (biệt hiệu làTuệ Tĩnh) vị y sư với tư tưởng Nam dược trị nam nhân mới đưa ra lời Di huấn mang ý nghĩa đạo đức nghề nghiếp sâu sắc: “Cõi trời Nam gấm vóc/ Nước sông Hồng chảy dài/ Vườn hạnh phúc nghĩa nhân/ Gió mùa Xuân áp rộng/ Thương người dân chết chóc/ Chọn hiền triết phương thang”. Rồi Lê Hữa Trác (1720-1791), biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, vị y sư nổi tiếng một thời, có thể coi như Ông Tổ của Ngành Y Việt Nam. Lãn Ông rất quan tâm đến đạo đức của người thầy thuốc và đã thể hiện các quan điểm y đức của mình trong cuốn “Y huấn cách ngôn”, rất gần gũi, tương đồng với “Lời thề” của Hippocrate (460-377 trước Công nguyên). Ngày nay, đọc lại Lời thề Hippocrate và Y huấn cách ngôn Hải Thượng Lãn Ông, chúng ta phải ngạc nhiên đến khâm phục trước những nét tương đồng đặc biệt ở tầm cao trí tuệ và chiều sâu tâm hồn của hai bậc đại y tông.

Lý tưởng cuộc đời của người thầy thuốc đã được hai vị đại y tong xác định một cách rõ ràng. Không ham giàu sang, chấp nhận cuộc sống vật chất thanh bạch để vươn tới giá trị cao quý của tinh thần, Hippocrate thề: “Tôi nguyện suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết…Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở…” Còn Hải Thượng Lãn Ông thường tự răn mình: “Nghề thuốc là thanh cao, ta phải giữ khí tiết thật trong sạch…Đạo làm thuốc là một nhân thuật. Phải lo cái lo của người, vui cái vui của người”. Quan điểm phục vụ bệnh nhân của hai vị cũng có những nét tương đồng kỳ lạ. Hippocrate nhấn mạnh: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và chẩn đoán của tôi, tôi sẽ luôn tránh mọi điều xấu xa và bất công”. Lãn Ông khuyên nhủ mốt cách cụ thể hơn: “Phàm người mời đi thăm bệnh nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ vì giàu sang hay nghèo hèn mà nơi đến trước, chỗ tới sau hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém”.

Việc thăm khám và chăm sóc bệnh nhân nữ được hai vị đặc biệt chú ý. Theo Hippocrate: “Dù vào bất kỳ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại, nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ”. Hải Thượng Lãn Ông khuyên nhủ: “Khi xem bệnh cho đàn bà, con gái và cho đàn bà góa, ni cô cần phải có người nhà bên cạnh mới được vào phòng khám bệnh để tránh mọi nghi ngờ…Chớ nên đùa cợt mà mang tiếng tà dâm”. Tình cảm thầy trò, đồng nghiệp của hai vị mãi mãi vẫn là tấm gương sáng cho chúng ta ngày nay. Hoppocrate nguyện: “Tôi sẽ coi thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi. Tôi sẽ coi con thầy như anh em ruột thịt của tôi. Tôi sẽ truyền đạt những kinh nghiệm và hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của thầy tôi và các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề”. Lãn Ông lại khuyên: “Khi gặp đồng nghiệp cần khiêm tốn hòa nhã, kính cẩn không nên khinh nhờn. Người hơn tuổi thì mình kính trọng, người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng, người kém mình thì mình dìu dắt”.

Kỳ lạ thay, hai bậc đại danh y sinh ra từ hai phương trời vô cùng xa cách, sống trong hai thời đại hoàn toàn khác biệt, tuyệt nhiên chẳng có mối liên hệ nào, nhưng lại có nhiều điểm gặp nhau trong tư tưởng. Vì vậy, mặc dù thời đại có đổi thay, khoa học có tiến bộ, nhưng những chân lý đạo đức y học thì vẫn giữ nguyên giá trị vĩnh hằng muôn thuở và vẫn xa lạ với mọi thứ cạm bẫy, cám dỗ, hư danh.

Trước và sau Hải Thượng Lãn Ông, trong thời xưa có nhiều vị thầy thuốc tài năng lỗi lạc, phẩm chất cao quý đã nêu một tám gương y đức sáng ngời cho hậu thế noi theo: Châu Canh, Phạm Công Bân, Chu Văn An, Nguyễn Đại Năng, Phạm Phú Tiên, Nguyễn Trực, Ngộ Tĩnh, Hoàng Đôn Hòa, Lê Đức Vọng, Nguyễn Đạo An, Đào Công Chính, Hoàng Nguyên Cát, Trần Hải Yến, Trịnh Đình Ngoạn, Trần Ngô Thiêm, Nguyễn Hữu Đào và nhiều vị danh y khác. Nhiều vị trong số họ đã lấy cuốn “Y huấn cách ngôn” của Lãn Ông làm sách gối đầu giường để tự soi mình, tu dường và phấn đấu trong cuộc đời hành nghề y thuật và y đạo của mình.

3. Y đức Việt Nam trong thời kỳ cận đại và hiện nay

Tại Hội nghị Y tế toàn quốc năm 1949 ở Việt Bắc, trong Diễn văn khai mạc “Vinh và lụy của ngành Y”, GS. Hồ Đắc Di đã nhấn mạnh: “Cái không khí của Tình thương mà người thầy thuốc trải qua trong suốt cuộc đời hành nghề là hơi thở của cuộc sống nghiệp vụ của họ. Trong mọi nghề thì nghề Y là nghề làm nhiều điều tốt nhất, an ủi người ta nhiều nhất vì sự khô cằn của trái tim không thể dung hòa được với tiếng nói của y học. Đó là vinh dự đặc biệt nhưng cũng là nghĩa vụ cao quý, thiêng liêng”. Ông cũng đã nhắc tới lời của nhà triết học Pháp Francois Rabelais: “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” (Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự đồi bại của tâm hồn). Và, đó chính là sợi chỉ đó xuyên suốt của Y Đức Việt Nam và Thế giới. Một thế hệ các thầy thuốc Việt Nam, tốt nghiệp bác sĩ y khoa trong những năm 30-40 của thế kỷ trước cùng với GS. Hồ Đắc Di đi tham gia kháng chiến chống Pháp: Tôn Thất Tùng, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Xuân Nguyên, Đặng Vũ Hỷ, Đinh Văn Thắng, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trinh Cơ, Hoàng Đình Cầu, Đặng Đình Huấn, Nguyễn Thế Khánh, Vũ Văn Cẩn, Phạm Gia Triệu…, những giảng viên đầu tiên của Trường Đại học Y khoa và Quân y Cách mạng Việt Nam, đã nêu tấm gương ái quốc, y đức và y nghiệp tuyệt vời.

Trải qua thời gian, y đức Việt Nam càng được phát triển, bổ sung và hoàn thiện để thích nghi và phù hợp với những biến chuyển của xã hội và đất nước, với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và y dược học.

Nhưng có lẽ, đến khoảng những năm 1990, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh mới đưa ra Lời thề tốt nghiệp của Bác sĩ Y khoa để các bác sĩ tân khoa đọc trong Lễ Trao bằng tốt nghiệp với 5 lời thề sau:

1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam XHCN, phấn đấu hết sức mình để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thân yêu. Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc cần đến.

2. Luôn luôn tôn trọng hiến pháp và pháp luật, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của ngành, không bao giờ có những hành động ảnh hưởng đến truyền thống của nhà trường, trái với lương tâm của người cán bộ y tế nhân dân.

3. Giữ gìn bí mật nghề nghiệp, tôn trọng nhân phẩm bệnh nhân, hết lòng phục vụ sức khỏe nhân dân, làm đúng lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”

4. Khiêm tốn, đoàn kết, hợp tác chân thành với đồng nghiệp, tận tâm dìu dắt đàn em. Yêu ngành, yêu nghề, tự hào chính đáng với công việc của chính mình.

5. Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, tôi nguyện tích cực làm việc, học tập nâng cao trình độ, góp phần xây dựng nền Y học Viêt Nam.

Và, ngay sau đó, ngày 06/11/1996 Bộ Y tế đã ban hành 12 điều y đức theo Quyết định số 2008/BYT-QĐ. Sau đây là Tóm tắt 12 điều y đức của Bộ Y tế:

1. Nghiêm túc thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch

2. Tôn trọng pháp luật và các quy chế chuyên môn.

3. Tôn trọng quyền của bệnh nhân như được khám chữa bệnh, quyền riêng tư, không được phân biệt đối xử.

4. Có thái độ niềm nở, trang phục chỉnh tề khi tiếp xúc với người bệnh và người nhà bệnh nhân.

5. Xử lý kịp thời, khẩn trương người bệnh cấp cứu.

6. Kê đơn thuốc phù hợp, an toàn.

7. Không được rời bỏ vị trí khi đang làm nhiệm vụ.

8. Dặn dò chu đáo người bệnh khi họ được xuất viện.

9. Cảm thông, chia sẻ khi người bệnh tử vong.

10. Tôn trọng, đoàn kết với đồng nghiệp.

11. Tự kiểm điểm, nhận trách nhiệm khi thiếu sót

12. Tham gia tích cực, gương mẫu trong việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe.

Những quan điểm về y đức đúng đắn trong thời gian đó đã là cơ sở cho sự xuất hiện của biết bao thầy thuốc, cán bộ y tế tâm huyết với nghề, có đủ năng lực và phẩm chất, vừa hồng vừa chuyên, những anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú,...góp phần quan trọng để chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc thân yêu và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân Việt Nam.

Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới khi nền kinh tế thị trường đang tràn ngập, ăn sâu vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, khi mà trong ngành y tế ngoài những thành tích to lớn đã đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, tiêu cực, làm băng hoại đạo đức hành nghề y, phương hại đến danh dự và truyền thống của ngành y tế, của những người thầy thuốc, thiết tưởng chúng ta càng nên ôn lại những bài học y đức của tiền nhân đã làm rung động hàng triệu tấm lòng thầy thầy thuốc trên trái đất này và ngay trên dải đất Việt Nam thân yêu của chúng ta. Và trong bầu không khí tình thương mà người thầy thuốc trải qua suốt cuộc đời hành nghề của mình, y đức sẽ mãi mãi như một ngọn lửa thiêng sưởi ấm tâm hồn, như một dòng suối mát tắm mát trí tuệ đưa họ tới một cuộc sống cao đẹp và hạnh phúc.

Tổng hội Y học Việt Nam, với tôn chỉ và mục đích của mình, trong những năm qua, đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về y đức và y nghiệp cho cán bộ y tế ở hầu hết các tỉnh/thành trên toàn quốc: Đưa y đức vào các văn bản pháp luật; Y nghiệp: Khái niệm, nội hàm và thách thức; An toàn người bệnh, vấn đề toàn cầu; Nhận dạng những thách thức trong chăm sóc sức khỏe hiện nay; Xử lý các sự cố không mong muốn trong y khoa…Những buổi tập huấn bổ ích này đã giúp cho thầy thuốc và cán bộ y tế hiểu rõ hơn bản chất của y đức qua các thời kỳ và đặc biệt, những thách thức mới của y đức ở nước ta trong thời đại ngày nay. Từ đó, xác định rõ ý thức và trách nhiệm cao quý, thiêng liêng của người thầy thuốc đối với sức khỏe và tính mạng của người dân, phấn đấu làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Thầy thuốc như Mẹ hiền”.

Cách đây hơn 100 năm, trước khi từ giã cõi đời này, trong tác phẩm bất hủ của mình, nhà ngoại khoa lỗi lạc người Đức Theodore Billroth (1829-1894) đã viết: “Seulement un home de grand coeur peut être un bon médecin” (Chỉ người nào có tấm lòng cao cả mới có thể trở thành người thầy thuốc tài năng). Với lời khuyên của T. Billroth, chúng tôi xin kết thúc bài viết nhỏ này.

--------------

* Tham luận tại Diễn đàn khoa học "Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay" ngày 28/8/2019 do Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức..

GS.TS. NGND. Lê Gia Vinh, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/may-suy-nghi-va-dao-duc-hanh-nghe-y-71714