Máy tính lượng tử Google chỉ cần 200 giây để giải bài toán, siêu máy tính cần 10.000 năm

Google tuyên bố đã thiết kế thành công cỗ máy chỉ cần 200 giây để giải quyết vấn đề mà máy tính nhanh nhất thế giới mất 10.000 năm để tìm ra.

Theo một báo cáo của Google, được đăng trên trên Tạp chí khoa học Nature, tốc độ của chiếc máy tính mới này, thể hiện một bước đột phá gọi là “siêu lượng tử”.

Kết quả báo cáo được công bố ngày 23/10, Google cho biết sự phát triển của máy tính lượng tử, có thể lưu trữ và xử lý nhiều thông tin hơn so với các máy tính truyền thống, bằng cách sử dụng các nguyên lý vật lý được gọi là cơ học lượng tử.

Một điểm khác biệt lớn, máy tính thông thường sử dụng dữ liệu chỉ tồn tại ở một trạng thái hoặc là 1 hoặc là 0. Trong khi đó, máy tính lượng tử sử dụng các bit lượng tử (qubit). Qubit có thể tồn tại kết hợp giữa 0 và 1. Sự khác biệt này dẫn đến tốc độ xử lý nhanh hơn nhiều.

Hiện tại, Google cũng đang cố gắng xây dựng "một máy tính lượng tử chịu lỗi" (có thể hoạt động được khi lỗi xảy ra) càng nhanh càng tốt. Google cho rằng, họ có thể áp dụng thiết kế pin trọng lượng nhẹ cho ô tô, máy bay và việc phát triển các loại thuốc mới.

Google cho biết, “Để đạt được khả năng tính toán cần thiết, cần phải có nhiều năm nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Nhưng, chúng tôi đã tìm ra một con đường rõ ràng và bây giờ chúng tôi đang rất háo hức để tiến về phía trước”.

Trước ngày công bố, kết quả thử nghiệm của Google bị rò rỉ và công ty đã nhận nhiều chỉ trích từ các chuyên gia và các công ty đổi thủ.

Máy tính lượng tử của Google sẵn sàng hoạt động. Nguồn ảnh: newscientist

IBM cho biết trong một bài đăng trên blog ngày 21/10, rằng Google đã đánh giá quá cao độ khó của bài toán lần này. Thay vì 10.000 năm, IBM lập luận rằng, vấn đề có thể được giải quyết bằng một máy tính cổ điển chỉ trong 2,5 ngày.

IBM cho rằng, "Chúng tôi thấy hoài nghi khi việc một chiếc máy tính lượng tử đã làm một cái gì đó mà một máy tính cổ điển không thể làm được".

Ngày 23/10, trong một phỏng vấn đăng trên MIT Technology Review, Giám đốc điều hành Google, ông Sundar Pichai, đưa ra nhiều ý kiến để bảo vệ tuyên bố của Google. Ông Pichai so sánh cột mốc lần này với nỗ lực của anh em nhà Wright trong việc chế tạo máy bay. "Chiếc máy bay đầu tiên của 2 anh nhà Wright chỉ bay được 12 giây, vì thế không thể ứng dụng vào thực tế. Nhưng nghiên cứu đó cũng cho thấy là máy bay vẫn có khả năng bay", ông Pichai nói.

Trung Quốc là một quốc gia đi đầu trong việc phát triển điện toán lượng tử, một ngành công nghệ có thể ứng dụng vào quân sự. Mỹ cũng đang cố gắng bắt kịp, điều này làm dấy lên nhiều lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang lượng tử.

(*) Máy tính lượng tử (còn gọi là siêu máy tính lượng tử) là một thiết bị tính toán sử dụng trực tiếp các hiệu ứng của cơ học lượng tử như tính chồng chập và vướng víu lượng tử để thực hiện các phép toán trên dữ liệu đưa vào. Máy tính lượng tử có phần cứng khác hẳn với máy tính kỹ thuật số dựa trên tranzitor.

Trong khi máy tính kỹ thuật số đòi hỏi dữ liệu phải được mã hóa thành các chữ số nhị phân (bit), mà mỗi số được gán cho một trong hai trạng thái nhất định (0 hoặc 1), tính toán lượng tử sử dụng các qubit (bit lượng tử) mà chúng có thể ở trong trạng thái chồng chập lượng tử.

(*) Nguồn: Wikipedia

Nguồn CNN

Trang Lê

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/biz-tech/may-tinh-luong-tu-google-chi-can-200-giay-de-giai-bai-toan-sieu-may-tinh-can-10000-nam-3330988/