Mây tre đan Ninh Sở dùng nội lực và sức hấp dẫn vươn mình xuất ngoại

Được coi là nguồn nguyên liệu thay thế gỗ tiện dụng có độ bền cao nên nhiều nước phát triển đã ưa chuộng sản phẩm mây, tre, đan của Ninh Sở. Nắm bắt được thời cơ, thương hiệu làng nghề Việt đã dùng nội lực và sức hấp dẫn của mình để xuất ngoại.

Nằm bên bờ sông Hồng với phong cảnh hữu tình, xã Ninh Sở (huyện Thường Tín, Hà Nội) cách trung tâm thành phố khoảng 15km về phía Nam từ lâu đã có nghề mây tre đan truyền thống hàng trăm năm nay, giúp người dân Ninh Sở có cuộc sống ổn định và sung túc.

Trải qua nhiều thăng trầm, những “nghệ nhân” của Ninh Sở vẫn hết mực yêu nghề và ngày ngày cần mẫn sáng tạo ra những sản phẩm mây, tre, đan mỹ nghệ xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.

Nghề của làng bắt nguồn từ cuộc sống vất vả

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Hàm (sinh năm 1952, thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở), ông cha vẫn truyền tai con cháu về nghề mây tre đan của làng được xuất hiện từ đời vua Lê Cảnh Hưng, thế kỷ XVIII. “Đất canh tác ít lại nằm cạnh bờ sông nên cuộc sống của chúng tôi khi đó cũng chỉ nhờ sông mà sống. Các vật dụng dùng để kiếm miếng cơm, manh áo cũng được chúng tôi đan lát, vừa tiết kiệm lại an toàn” - bà Hàm nói.

Từ bàn tay khéo léo, bà Hàm đã miệt mài gắn bó với nghề và đưa ra những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt, dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Từ bàn tay khéo léo, bà Hàm đã miệt mài gắn bó với nghề và đưa ra những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt, dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng đôi tay bà Hàm vẫn nhanh thoăn thoắt, chăm chút sản phẩm công đoạn cuối cùng, bà say sưa kể cho chúng tôi về thăng trầm và ký ức của làng nghề. Bà kể: “Ngày ngày, được chứng kiến bố mẹ, ông, bà làm ra các sản phẩm rổ, rá, giỏ đựng cá, tôm nên ngay từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê với từng nan che, sợi mây. Khi lên 7 tuổi cũng đã ngồi đan phụ giúp cho bố mẹ, cứ thế lớn lên tôi theo nghề của gia đình”.

Khi các sản phẩm bằng nhựa xuất hiện trên thị trường cũng là lúc người dân Ninh Sở cũng như bà Hàm bước vào thời kỳ thăng trầm, có những gia đình phải bỏ nghề vì bỗng chốc sản phẩm làng nghề trở thành đồ “bỏ đi”. Bà Hàm tâm sự: “Cả đời tôi gắn bó với nghề, bỏ thì tiếc nên ít nhiều vài gia đình vẫn cùng với niềm đam mê và sự tâm huyết vực dậy nghề truyền thống “cha truyền con nối”. Từ những sản phẩm phục vụ đời sống sản xuất, chúng tôi đã tìm ra nhiều mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường”.

Với cách đan truyền thống là đan nong mốt, đan nong đôi, người dân Ninh Sở đã khéo léo kết hợp các nan lên xuống khác khác nhau, tạo các hình rất đẹp, các sản phẩm thông thường sẽ được ưu tiên sử dụng cách đan này.

“Hay làm nghề hát, mạt làm nghề đan”, đó là câu nói mà bà Hàm vẫn thường nói với con cháu hay bất kể ai đến thăm làng nghề, câu nói ví von nghề đan lát vất vả nhọc nhằn lấy công làm lãi mà bà đã gắn bó suốt 6 thập kỷ qua. Bà chia sẻ: “Dù già hay trẻ, nam hay nữ thì đều có thể tạo ra được những sản phẩm mây tre đan đẹp mắt. Tiền công có thể không cao nhưng lại là nghề cứu đói, cứu nghèo thiết thực cho chúng tôi, có khi còn là nguồn sống của cả một gia đình”.

Dùng nội lực và sức hấp dẫn vươn ra “biển lớn”

Ghé thăm cơ sở sản xuất, xuất khẩu của gia đình anh Bùi Gia Mạnh (sinh năm 1973, thôn Bằng Sở) chúng tôi mới thực sự thấy được tâm huyết của người con Ninh Sở dồn hết vào từng sản phẩm, tâm huyết cho nghề truyền thống của quê hương trong tất cả các công đoạn dù đơn giản hay phức tạp trước khi “xuất ngoại”. Có lẽ vì thế mà sản phẩm mây tre đan Ninh Sở trong những năm qua đã chiếm được thị hiếu của người tiêu dùng tại Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Thụy Điển…

Các công đoạn trong sản xuất mây tre đan rất cầu kỳ, từ khâu sơ chế đến chế tác đều được tuân thủ nghiêm ngặt. Bởi theo kinh nghiệm nhiều năm được “cha truyền con nối” của anh Mạnh, muốn sống và tồn tại với nghề phải đặt chữ “tín” lên hàng đầu.

Từ một thanh nứa, cây mây, người thợ có thể chẻ thành 16-18 là nhưng phải căn thật chuẩn và đều.

Anh Mạnh cho biết: “Công đoạn đầu tiên là chọn nguyên liệu, cây mây, cây tre phải được ưu tiên cây đều, dài khi chẻ và đan mới đạt yêu cầu. Thông thường có độ dài từ 1m - 2m, cây phải được trồng 5 năm mới thu hoạch. Khâu chọn nguyên liệu không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm sau này. Cây non quá thì sản phẩm dễ mốc, cây già quá sẽ bị xơ, lúc đan sản phẩm sẽ không đẹp mắt”.

Nguyên liệu sau khi được chọn lựa sẽ sơ chế và đưa vào chẻ từng nan mỏng, cách chẻ nan cũng là một kỹ thuật khó. Tùy theo từng sản phẩm mà người thợ có cách chẻ nan nghiêng hay chẻ nan lột; nan lúc thì được chẻ thành ống tròn, khi thì lại mỏng như tờ giấy. “Nếu không phải người làng nghề Ninh Sở thì cũng khó để chẻ nan như vậy” - chị Nguyễn Thị Lựu (sinh năm 1974, vợ anh Mạnh) nói.

Đối với kỹ thuật chẻ đều tay, người thợ có nhiều kinh nghiệm mới làm được cách lấy cả phần cật và phần lõi, thân cây tre là thân tròn nên chẻ không khéo sẽ chỗ dày, chỗ mỏng.

Với cách đan truyền thống là đan nong mốt, đan nong đôi, người dân Ninh Sở đã khéo léo kết hợp các nan lên xuống khác khác nhau, tạo các hình rất đẹp, các sản phẩm thông thường sẽ được ưu tiên sử dụng cách đan này. Đối với các sản phẩm tinh xảo, yêu cầu tính thẩm mỹ cao thì tùy thuộc vào từng kết cấu sản phẩm mà người thợ có cách đan mới, có sản phẩm đan làm nổi bật đường nan… óc sáng tạo và sự tỉ mỉ của người thợ lại tập trung dồn hết vào đó.

“Từ cách đan nong mốt, đan nong đôi, đan nong ba mà người dân Ninh Sở đã phát triển hàng trăm cách đan khác nhau, tạo ra cách kiểu dáng, mẫu mã phong phú, vẻ đẹp ấn tượng”, chị Lựu chia sẻ.

Bàn tay khéo léo của người dân Ninh Sở đã dần giúp những sản phẩm ngày một nức tiếng và vang danh ra tận thị trường các nước Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Thụy Điển...

Dẫu có nhiều cách đan, nhưng cho dù là cách đan nào thì người thợ vẫn phải cẩn thận trong cách lên nan, xuống nan để sản phẩm có độ liên kết cao, tạo độ bền cho sản phẩm. Muốn được như vậy, khi đan, người thợ phải đan chặt tay và đều tay, các đường nan phải mịn tạo độ thẩm mỹ cho sản phẩm.

Dù đã có máy móc hiện đại nhưng gia đình chị Lựu vẫn dùng phương pháp thủ công để đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Chị cho biết, khi chẻ nan bằng máy sẽ bị dập nhiều, nan cũng bị xơ nên gia đình chị vẫn ưu tiên dùng phương pháp thủ công.

Chính bằng nội lực và sức hấp dẫn của mình mà người dân Ninh Sở đã vươn mình ra "biển lớn", các đơn đặt hàng của gia đình anh Mạnh được xuất khẩu đi Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc… ngày càng nhiều, tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động địa phương.

Người dân Ninh Sở đã khẳng định thương hiệu của mình qua mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng các sản phẩm mây tre đan ngày nay không còn lo vấn đề bị ẩm mốc nữa vì đã được xử lý chống mối, mọt đảm bảo tiêu chuẩn và độ bền cao. Cuộc sống ngày càng phát triển, các sản phẩm bằng mây tre đan Ninh Sở luôn là lựa chọn lý tưởng thay thế gỗ. Người dân Ninh Sở vẫn luôn tự hào rằng: “Không có châu lục nào vắng bóng sản phẩm mây tre đan của họ”, giờ đây, sản phẩm của Ninh Sở lại tiếp tục sứ mệnh của mình chu du đến các nước khoe với thế giới sự tài hoa của người thợ Việt Nam.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/may-tre-dan-ninh-so-dung-noi-luc-va-suc-hap-dan-vuon-minh-xuat-ngoai-719574