McKinsey: TP.HCM có thể ngập tới 2/3 trong kịch bản xấu nhất vào 2050

Tình huống ngập lụt cực đoan ở TP.HCM sẽ gây thiệt hại gấp 5-10 lần vào năm 2050 so với hiện tại, nếu không có các nỗ lực ứng phó, theo nghiên cứu mới của hãng tư vấn McKinsey.

Theo báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey, nếu không có nỗ lực giảm thiểu tác động của nước biển dâng và cải thiện quy hoạch đô thị, TP.HCM đối mặt với hàng tỷ USD thiệt hại mỗi năm, kèm theo nguy cơ về một sự kiện thiên tai cực đoan có thể tàn phá diện rộng.

Nghiên cứu của McKinsey cho thấy các kịch bản ngập lụt ở TP.HCM dựa vào mô phỏng thủy văn, bản đồ sử dụng đất, các dữ liệu về cơ sở hạ tầng và các đồ thị về thiệt hại.

Kết luận trở nên rõ ràng: nếu không có hành động gì, tương lai ngập lụt của TP.HCM sẽ ngày càng khó kiểm soát, theo đài CNA (Singapore).

Một học sinh di chuyển qua đoạn nước ngập trên đường Ung Văn Khiêm, TP.HCM, cuối năm 2018. Ảnh: Zing.

Thiệt hại từ lũ lụt sẽ ngày càng tăng

Theo thời gian, với tốc độ phát triển nhanh chóng của TP.HCM, tác động cũng sẽ tăng lên. Cùng một trận lũ thì sau 30 năm nữa sẽ gây thiệt hại gấp ba lần hiện nay và có tác động “dây chuyền” gấp 20 lần hiện nay.

Các dự án lớn đang được xây dựng sẽ là những cơ sở hạ tầng trọng yếu đứng trước nguy cơ thiệt hại, bao gồm hệ thống tàu điện ngầm, các nhà máy điện, nhà máy xử lý nước thải, trung tâm dữ liệu và một sân bay mới.

Thậm chí, trong trường hợp xấu nhất - biến đổi khí hậu không được kiểm soát, mực nước biển dâng đến 180 cm vào cuối thế kỷ - thì khi có trận lũ bất thường với xác suất “một lần mỗi thế kỷ”, TP.HCM sẽ bị ngập tới 2/3, trở thành một hòn đảo. Các trạm điện lớn, cảng và một nửa đường sá sẽ bị hư hại.

Cũng trong tình huống xấu nhất đó, hệ thống tàu điện ngầm sẽ phải dừng chạy, 60% các ga tàu không vào được. Thiệt hại về bất động sản có thể vượt 18 tỷ USD. Nguồn cấp nước, cấp điện sẽ bị ngưng trệ, và TP.HCM có thể tê liệt trong một tháng hoặc hơn.

Mô phỏng các diện tích và độ sâu (màu đỏ càng đậm là càng sâu) bị ngập trong tình huống ngập lụt cực đoan có xác suất "100 năm một lần" ở TP.HCM. Đồ họa: Viện Toàn cầu McKinsey.

Dù vậy, các nhà nghiên cứu nói với CNA rằng ý định của họ không phải là gây nên sợ hãi.

“Mục tiêu của nghiên cứu này không phải là để gây hoảng sợ, mà là để cho các bên liên quan hiểu thêm về nguy cơ thiệt hại và tác động kinh tế xã hội, để rồi tìm ra một số hành động nhằm kiểm soát nguy cơ”, Mekala Krishman, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Toàn cầu McKinsey, cho biết.

“TP.HCM vẫn đang trong giai đoạn đầu của chặng đường phát triển hạ tầng và có nhiều lựa chọn để vừa tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, vừa giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”, bà nói thêm.

Ngập lụt ngày càng tệ do bêtông hóa

TP.HCM từ lâu đã gắn với nước. Vị trí chiến lược gần sông, gần biển đã cho phép nơi này phát triển thành đầu tàu kinh tế của một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Ngập lụt, lũ quét, mưa theo mùa là đặc điểm khí tượng tại TP.HCM từ nhiều thế hệ, và cư dân tại đây đã quen với những gián đoạn mà thời tiết đem lại. Hơn 40% diện tích TP.HCM nằm không quá 1 m trên mực nước biển.

Nhưng sự phát triển nhanh chóng đã khiến số dân di cư về thành phố tăng vọt. Các cộng đồng thu nhập thấp đang sống trong những khu có nguy cơ ngập lụt cao hơn.

“Tốc độ phát triển liên tục khiến đất tự nhiên bị bêtông hóa một cách không ngừng”, Melissa Merryweather, Giám đốc Green Consult-Asia, công ty tư vấn có trụ sở ở Việt Nam, chuyên về tòa nhà xanh, cho biết.

“Thiếu tầm nhìn tương lai đồng nghĩa với việc ngập lụt sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát, để rồi các đường cống lại được mở rộng để đối phó. Đồng thời, các mảng xanh của thành phố dần mất đi, không có thêm mảng xanh trong nhiều thập niên qua”.

Trong tương lai, biến đổi khí hậu sẽ làm các vấn đề hiện tại tệ đi. Lượng mưa trong khu vực sẽ tăng khi nước biển dâng. Các nhà nghiên cứu McKinsey cho biết họ đã có hướng tiếp cận bảo thủ khi ước tính lượng mưa sẽ tăng bao nhiêu, hay xác suất mưa bão bất thường sẽ tăng bao nhiêu.

Theo CNA, Việt Nam đang thích ứng chậm với biến đổi khí hậu. Kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và sản xuất than sẽ tăng lên trong thập kỷ tới.

Chỉ tiêu của Việt Nam theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là giảm phát thải 8% so với mức bình thường vào năm 2030 - mức cam kết mà tổ chức Climate Action Tracker, chuyên giám sát cam kết khí hậu của các chính phủ, cho là chưa đủ.

Khôi phục thiên nhiên là giải pháp tốt nhất

TP.HCM đã đầu tư vào hệ thống chống lũ, bao gồm cam kết chi 4,4 tỷ USD trong 5 năm tới.

Nhưng báo cáo của McKinsey cho rằng như vậy chưa đủ và chỉ ra Singapore dành 72 tỷ USD để ứng phó với nước biển dâng, trong khi kế hoạch bảo vệ bờ biển của Jakarta sẽ tốn khoảng 40 tỷ USD.

Bà Merryweather của Green Consult-Asia tin rằng khối tư nhân cũng có thể có những đóng góp nhỏ, nhưng sẽ gặp những trở ngại.

“Chúng tôi biết rằng có những cải tiến nhỏ mà các nhà đầu tư có thể làm để tạo khác biệt trên khu đất của mình”, bà nói. “Nhưng có rất ít thông tin công khai để khối tư nhân có thể hành động”.

“Ngay lúc này, chỉ chính quyền là có thể lên kế hoạch và hành động chống ngập lụt”.

Nghiên cứu của McKinsey cho biết việc điều chỉnh quy định xây dựng sẽ có tác dụng, nhưng lợi ích lớn hơn cả sẽ đến từ việc khôi phục thiên nhiên, đặc biệt là hệ thống rừng ngập mặn gần TP.HCM.

Báo cáo của McKinsey chỉ ra rằng TP.HCM đã đạt kết quả đáng kể trong việc trồng lại rừng ngập mặn trong ba thập kỷ qua. Rừng ngập mặn có thể bảo vệ đáng kể trước thiên tai cực đoan, cứ 100 m rừng ngập mặn có thể giảm độ cao của lũ quét tới 20% hoặc hơn.

Dù biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh, vẫn còn cơ hội cho TP.HCM. Chỉ gần một nửa cơ sở hạ tầng mà TP.HCM cần từ nay cho đến 2050 là đã hoàn thành, như vậy các nhà quy hoạch vẫn có nhiều cơ hội để tìm giải pháp.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mckinsey-tphcm-co-the-ngap-toi-23-trong-kich-ban-xau-nhat-vao-2050-post1085843.html