Mẹ 9X chia sẻ cách vỗ rung long đờm cho bé

Mẹ có thể cho con nằm nghiêng trên giường cứng, kê gối mỏng dưới mông tạo góc tầm 15 độ cho đầu thấp hơn.

Cách vỗ rung long đờm cho bé

Thời tiết thay đổi, trẻ dễ bị ho hay mắc các bệnh đường hô hấp trên, khiến nhiều bà mẹ lo lắng. Chị Diệu Thúy (Hà Nội) có hai con nhỏ đang 6 tháng tuổi tâm sự: "Bé út nhà tôi chỉ ho tí xíu một ngày, vẫn ăn chơi và ngủ bình thường, không sốt, không sổ mũi, không bỏ ăn, quấy khóc hay có bất kỳ dấu hiệu nghiêm trọng nào ngoài thỉnh thoảng ho khẹc khẹc vài tiếng trong ngày.

Thế mà đùng cái sốt 38 độ. Tôi đưa bé đi khám ngay và phát hiện bị viêm tai giữa do nước mũi không thoát ra ngoài mà chảy xuống họng, gây ho và sang tai gây viêm tai giữa cấp".

Sau lần đó, chị Thúy rút kinh nghiệm rằng nếu thấy con ho lâu ngày (từ 5 ngày trở lên) không khỏi, ho nặng tiếng như kiểu có đờm trong họng mà không bật ra được thì cần đưa con đi khám chuyên khoa tai-mũi-họng ở cơ sở y tế uy tín, dù bé không bị sốt, không bỏ bú, không quấy khóc. Việc để đờm lâu có thể gây biến chứng sang phế quản, viêm tai giữa, thậm chí viêm phổi.

Chị Diệu Thúy hiện có 3 con: một gái, hai trai.

Nếu sau khi khám, bác sĩ không kê thuốc cho bé, chị Thúy khuyên các mẹ có thể cho con uống các loại thảo dược hỗ trợ long đờm như hẹ/lê/xuyên bối/cánh hoa hồng bạch/lá húng chanh hấp đường phèn... Bên cạnh đó, mẹ tiến hành vỗ long đờm cho bé tại nhà theo cách như sau:

- Mẹ cho bé nằm nghiêng trên giường cứng, kê gối mỏng hoặc khăn xô dưới mông tạo một góc tầm 15 độ để đầu thấp hơn.

- Nhỏ nước muối sinh lý lọ 5 ml chuyên dùng nhỏ mắt, mũi (không dùng chai nước muối to) vào mũi, miệng bé giúp loãng đờm.

- Một tay mẹ cầm tay bé, tay kia kẹp phần nách bé tạo độ rung, nảy (bước này nếu mẹ không làm được thì có thể bỏ qua).

- Khum tay chụm 5 ngón tay hơi cong thành nửa vòng, nắm hờ vỗ nhẹ lần lượt sau lưng 3 cái từ giữa lưng về phía cổ, vỗ 2 bên cột sống; bé nằm nghiêng sang phải, vỗ lưng bên trái và nằm nghiêng sang trái, vỗ lưu bên phải. Mỗi lần vỗ khoảng vài phút, ngày 2-3 lần.

- Gây ho: Với bé nhỏ dưới 1 tuổi chưa có phản xạ ho, mẹ lấy tay ấn nhẹ phần cuống họng (trên chỗ hõm cổ họng và dưới yết hầu) để kích thích con ho, đẩy đờm ra ngoài.

- Lưu ý: Chỉ thực hiện vỗ rung long đờm khi bé đói hoặc sau ăn ít nhất một tiếng rưỡi để tránh bé bị nôn trớ.

Nếu con ho nặng, mẹ có thể vừa cho con uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và đưa con đi vật lý trị liệu giúp long đờm.

Hà Nhi

Nguồn Ngôi Sao: https://ngoisao.net/tin-tuc/gia-dinh/me-9x-chia-se-cach-vo-rung-long-dom-cho-be-3780697.html