Mẹ bán con gái 2 tuổi lấy tiền trả nợ: Ích kỷ, buông thả tạo nên tội ác

Theo chuyên gia, chỉ vì mưu cầu, lợi ích cá nhân, vì tính ích kỷ của bản thân mình mà người phụ nữ đã sẵn sàng bán cả đứa con do mình dứt ruột đẻ ra.

Mẹ đẻ bán con gái 2 tuổi để lấy tiền trả nợ

Công an quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) đang phối hợp điều tra vụ bé gái 2 tuổi có dấu hiệu bị chính mẹ đẻ tìm cách bán đi.

Trước đó, vào khoảng 19h ngày 28/8, Công an quận Đồ Sơn nhận được đơn trình báo của bà Nguyễn Thị T. (SN 1980, trú tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng) về việc có hiện tượng giữ người trái pháp luật.

Công an quận Đồ Sơn nhanh chóng vào cuộc điều tra, phát hiện 3 đối tượng nghi vấn gồm: Đặng Văn Dũng (SN 1989, trú tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng); Bùi Thị Phương (SN 1990, trú tại xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) và Vũ Thị Hiền (SN 1996, quê Nam Định). Cơ quan chức năng làm rõ, các đối tượng trên đang tìm người mua để bán 1 bé gái có tên thường gọi là Th. (SN 2020). Cháu Th. chính là con của đối tượng Hiền.

Các đối tượng Dũng, Phương, Hiền tại cơ quan công an.

Tại cơ quan Công an, Hiền khai nhận, đã lấy chồng cùng quê cách đây hơn 2 năm. Sau khi sinh được bé Th., vợ chồng Hiền do mâu thuẫn nên đã ly thân. Trong khi chồng bỏ quê lên Bắc Giang làm ăn, Hiền theo bố mẹ đẻ về Hải Dương bán phở.

Tuy nhiên, do bản tính ham chơi nên thời gian gần đây, Hiền đã vướng vào nợ nần, không có tiền trả nên bị nhiều chủ nợ gây sức ép. Trong khi đang cần tiền, Hiền gặp Dũng và Phương và được các đối tượng này bày cách bán con.

Hiền đã đưa cháu bé về Hải Phòng chờ sẵn, còn Dũng và Phương kết nối với các đối tượng ở Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) xem ai có nhu cầu nhận làm con nuôi thì sẽ mang bán lấy tiền chia nhau.

Sự ích kỷ nảy sinh tội ác

Trao đổi với Gia đình Việt Nam, TS. LS. Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định, hành vi của ba đối tượng này có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi có ý định bán cháu bé để lấy tiền trả nợ.

"Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em, gây mất an ninh trật tự và tìm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật", Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Theo chuyên gia pháp lý này, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận bảo đảm và bảo vệ các quyền trẻ em, trong đó có quyền sống, quyền được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục bởi cha mẹ, những người thân thích cho đến khi trưởng thành.

Pháp luật nghiêm cấm hành vi mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Cụ thể, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về các hành vi bị cấm trong đó có hành vi: "Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.".

Người thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của luật trẻ em sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với hành vi mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự.

Ngoài ra, Luật Trẻ em năm 2016 cũng có nhiều nội dung quy định về Quyền trẻ em trong đó có quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển; Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện; Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em; Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt.

Đồng thời, luật trẻ em cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trên thực tế. Quy định về quy trình thực hiện các biện pháp để bảo vệ trẻ em, phòng ngừa trẻ em khỏi nguy cơ bị bắt cóc, bị đánh tráo, chiếm đoạt, bị bạo hành, xâm hại...

TS. LS. Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định cha, mẹ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái đến khi trưởng thành. Bởi vậy trường hợp người mẹ không thực hiện nghĩa vụ của người làm mẹ là bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con mình thì không những là hành vi vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của nhóm đối tượng này để xác định hành vi là giữ người trái pháp luật hay đã đến mức có thể xử lý về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi theo các quy định của bộ luật hình sự. Theo quy định của pháp luật thì chỉ có cha mẹ, người giám hộ, người có trách nhiệm trong việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em thì mới có quyền giữ trẻ em để trông coi, bảo quản, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.

"Những người khác không có chức năng nhiệm vụ quyền hạn, không có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em mà lại thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép trẻ em hoặc giao trẻ em cho người khác chiếm giữ là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội giữ người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự với chế tài là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu trường hợp người bị giữ là trẻ em", Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Do đó, trong vụ việc này nếu kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy các đối tượng này đã có hành vi chuyển giao trẻ em nhằm nhận tiền, lợi ích vật chất thì sẽ bị xử lý hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi với mức chế tài nghiêm khắc theo quy định tại điều 151 Bộ luật Hình sự.

Trường học hành vi mới ở mức độ giai đoạn chuẩn bị, "giao dịch" mua bán người chưa được thực hiện, chưa thành công thì các đối tượng này có thể được áp dụng quy định về phạm tội chưa đạt để giảm bớt một phần trách nhiệm hình sự.

Về mặt lý luận thì luật hình sự quy định về các giai đoạn phạm tội. Theo đó, "Các giai đoạn phạm tội" là các bước trong quá trình thực hiện tội phạm do cố ý và bao gồm: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định.

Người có hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự vì hành vi của họ đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của hành vi phạm tội chưa hoàn thành.

Bộ luật Hình sự cũng quy định phạm tội chưa đạt, đây là hành vi cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn. Người phạm tội đã thực hiện hành vi được quy định trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng. Hành vi của họ chưa thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm.

Như vậy, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân động cơ của vụ việc, làm rõ diễn biến hành vi của các đối tượng. Đặc biệt là xác định những hành vi cụ thể, tính chất nguy hiểm của các hành vi này được xác định hành vi này đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội mua bán người dưới 16 tuổi ở giai đoạn phạm tội chưa đạt hay chỉ là hành vi giữ người trái pháp luật, chưa thực hiện hành vi mua bán người dưới 16 tuổi ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.

Đây là một vụ việc phức tạp, xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân là trẻ em, xâm phạm đến quyền được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân, động cơ, làm rõ diễn biến hành vi của các đối tượng gây án để áp dụng pháp luật một cách chính xác, đảm bảo công bằng, khách quan.

Nếu có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đến mức có thể xử lý hình sự hoặc có hành vi cưỡng đoạt tài sản thì cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng vi phạm về cho vay trong giao dịch dân sự, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân.

"Qua vụ việc này cho thấy một bộ phận giới trẻ hiện nay sống thiếu trách nhiệm, buông thả, coi nhẹ chuẩn mực đạo đức xã hội. Chỉ vì mưu cầu, lợi ích cá nhân, vì tính ích kỷ của bản thân mình mà sẵn sàng bán cả đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Hành vi của người phụ nữ trong trường hợp này là rất đáng trách, đáng lên án và cần phải có bản án nghiêm minh, thích đáng để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội", Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Nam Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/me-ban-con-gai-2-tuoi-lay-tien-tra-no-ich-ky-buong-tha-tao-nen-toi-ac-d184655.html