'Mẹ chính là chiếc chăn ấm nhất với trẻ sơ sinh'

Các bà mẹ sinh thường tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương sẽ được cảm nhận niềm hạnh phúc đủ đầy ngay sau sinh. Được ấp con, con được nằm trên da mình để cảm nhận trọn vẹn tình mẫu tử...

Hạnh phúc của người mẹ được ôm con ngay sau khi bé lọt lòng

Ngay sau khi em bé vừa mới chào đời, sản phụ N.H.V. ở Mỹ Đình, Hà Nội ngay lập tức được da kề da với con, mọi nỗi đau dường như tan biến, trên gương mặt chị nở nụ cười hạnh phúc. Chị V. xúc động nói: “Khi nghe tiếng khóc của con ngay lúc đó mọi đau đớn tan biến hết. Cảm xúc của em vỡ òa ngay lúc bàn tay bé bỏng của con ôm lấy mình, không chỉ đơn thuần là nghe tiếng khóc của con, được nhìn thấy con mà còn được ôm con vào lòng, bao tình cảm dạt dào được dung hòa bởi tất cả các giác quan. Em bé có thể cảm nhận được hơi ấm qua vòng tay của mẹ. Đó là khoảnh khắc thiêng liêng nhất đối với em”.

Bé gái đầu lòng con của sản phụ Nguyễn Hoài L. ở Đại Mỗ, Hà Nội, nặng 3,7kg đã được mẹ ôm trên bụng mẹ ngay sau lúc lọt lòng theo phương pháp da kề da, kẹp dây rốn chậm và bú những giọt sữa ngọt lành đầu tiên của mẹ.

Sản phụ V., sản phụ L. cũng như tất cả các bà mẹ sinh thường tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương sẽ được cảm nhận niềm hạnh phúc đủ đầy ngay sau sinh. Được ấp con, con được nằm trên da mình để cảm nhận trọn vẹn tình mẫu tử.

“Đây là khoảnh khắc tràn đầy hạnh phúc của người mẹ với sự chào đời của thiên thần bé nhỏ và cũng là niềm vinh dự, tự hào của chúng tôi”- PGS.TS. Trần Danh Cường- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương bày tỏ.

Trẻ sơ sinh cần được tiếp xúc da kề da mẹ trong vòng 1 giờ.

Trẻ sơ sinh cần được tiếp xúc da kề da mẹ trong vòng 1 giờ.

Những lợi ích của phương pháp da kề da

Bệnh viện Phụ sản Trung ương là một trong các bệnh viện tuyến trung ương triển khai chương trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu hay còn gọi là phương pháp da kề da. Phương pháp này mang lại rất nhiều lợi ích cho mẹ và bé nhưng điều nổi bật nhất mà các mẹ cảm nhận được trong chương trình này là cái ôm đầu tiên khi con chào đời.

Về mặt chuyên môn, phương pháp giúp cho bé tránh hạ thân nhiệt, suy hô hấp, trẻ nhận thêm được một lượng máu từ mẹ truyền sang, tăng thêm lượng sắt cho trẻ (~75mg Fe/kg), cung cấp sắt dự trữ trong 6-8 tháng, trẻ ít bị thiếu máu, giúp bé bú mẹ thuận lợi hơn, ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Đối với mẹ, phương pháp da kề da giúp tử cung có hồi tốt, tránh băng huyết sau sinh, việc nuôi con bằng sữa mẹ thuận lợi hơn, tiết kiệm chi phí, kéo dài thời gian vô kinh.

BS. Vũ Văn Khanh, phụ trách Khoa đẻ - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết những lợi ích của phương pháp da kề da, nhìn thấy từ thực tế: Sau khi người mẹ vượt cạn sẽ cảm nhận được hơi ấm, nhịp đập, nhịp thở của em bé làm cho người mẹ giảm được rất nhiều sự đau đớn, tăng cường tình cảm, gắn kết giữa 2 mẹ con. Ngay từ những giây phút đầu tiên em bé được tiếp xúc với những vi khuẩn có lợi trên da người mẹ để giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn, giảm tỷ lệ hạ nhiệt độ cho em bé và một cái rất quan trọng nữa đó là em bé được bú sớm nhất.

BS. Vũ Văn Khanh cũng cho biết: Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phương pháp da kề da được áp dụng cả với trẻ sinh non. Với những em bé sinh non thì cái nguy hiểm nhất chính là hạ thân nhiệt, người mẹ chính là chiếc chăn ấm nhất - chiếc chăn 37 độ. “Điều này làm giảm tỷ lệ hạ thân nhiệt cho bé rất lớn. Và một lợi ích nữa của phương pháp da kề da đó là khuyến khích bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Chính những động tác bú sớm của bé sẽ kích thích tăng tiết sữa”- BS. Khanh nói.

Hiện nay các bệnh viện từ tuyến trung ương đến địa phương đều sử dụng phương pháp da kề da. Đây là một cách làm thuận tự nhiên nhưng đầy ý nghĩa khoa học. Phương pháp da kề da là một chương trình mới được Vụ sức khỏe Bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế đề xuất theo Quyết định số 4673/QĐBYT ngày 10/11/2014, dưới hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO: Da kề da liên tục trong vòng 90 phút sau sinh. Da kề da ngay sau khi lau khô đối với trẻ sinh thường, sau khi kẹp cắt rốn muộn đối với trẻ sinh mổ. Lợi ích của da kề da: Phòng ngừa hạ thân nhiệt; Bú mẹ sớm; Kích thích miễn dịch; Tiếp xúc với vi trùng có lợi; Phòng hạ đường máu; Gắn kết mẹ con; Có lợi cho sự phát triển của não bộ.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/me-chinh-la-chinh-la-chiec-chan-am-nhat-voi-tre-so-sinh-n176845.html