Mẹ chồng thấy con dâu bế cháu về nhà đẻ là lườm nguýt, mắng mỏ, cô chỉ đáp trả đúng một câu rồi đi

Chẳng đôi co, chẳng giải thích nhiều, Hân chỉ nói đúng một câu khiến mẹ chồng cứng họng. Sau đó, cô mặc bà giận dữ mà bế con về ngoại chơi.

Hân lấy Thắng cũng gần 2 năm trời, có 1 bé gái đầu lòng cũng được gần 7 tháng. Dù chồng khá yêu chiều và quan tâm nhưng cuộc sống hôn nhân với Hân vẫn rất ngột ngạt.

Bởi lẽ, bố anh mất sớm, mẹ anh chỉ có một mình nuôi Thắng và em gái ăn học, dựng vợ gả chồng. Em gái Thắng không học đại học nên lấy chồng từ sớm, giờ đã có con 4 tuổi. Thắng là con một lại chỉ có mình mẹ già, đương nhiên có lấy vợ về cũng không thể ra riêng.

Nhưng cuộc sống gia đình khiến Hân khó chịu, bức bối bởi mẹ anh là người rất cổ hủ, bảo thủ và luôn cố ra cái uy của mẹ chồng.

Nhớ cái lần Hân mới về làm dâu, bà bảo Hân đi nấu cơm, cô hỏi lại bà:

- Mẹ ơi, gạo nhà mình là gạo gì thế? Con không biết phải cho bao nhiêu nước cho vừa, mẹ chỉ con với.

Bà thấy thế, chẳng nói chẳng rằng giật ngay chiếc nồi trên tay Hân, ra vặn nước:

- Đây, nhìn thấy chưa? Gạo này gạo Si dẻo, cho ít thôi là được rồi.

Hân gật đầu vâng dạ. Đến bữa tối, khi ăn cơm thì Thắng nhăn mặt:

- Cơm như cháo thế này? Em không biết nấu thì hỏi mẹ chứ Hân.

Hân lại bộp chộp:

- Mẹ nấu mà anh.

Thắng vừa ngẩng lên, định hỏi bà thì bà đã mắng Hân tức thì:

- Không biết nấu mẹ dạy cho nấu còn vô ơn. Ăn nói hàm hồ, hỗn láo.

Hân ngớ người không hiểu chuyện gì, Thắng thì lại phải nịnh nọt bà mãi, bà mới nguôi ngoai rồi ăn tiếp, không khí bữa cơm thật nặng nề.

Sau đó, Hân rút ra kinh nghiệm xương máu là: mẹ chồng luôn đúng, nếu mẹ chồng sai hãy xem lại vế 1. Vì thế, rất nhiều lần, bà mắng sai Hân nhưng cô cũng chẳng buồn đôi co để tránh bất hòa.

Nhưng đúng là Hân càng nhẫn nhịn, bà lại càng lấn tới. Sau khi sinh con, ngoài 3 tuần sau cữ cho Hân về ngoại thì bà giữ cô như giữ của. Dù nhà mẹ đẻ cách nhà chồng chỉ 4 km nhưng cuối tuần Hân muốn xin về bà cũng khó khăn. Thậm chí, sợ Hân xin về, bà đã ngọt nhạt dặn trước:

- Này, cuối tuần này không đi đâu đâu con nhé. Con bác Mạnh ở trên thành phố về chơi. Khổ, chị nó đi làm cả tuần, đường sá thì xa xôi chứ mà người ta có tâm, mẹ bảo không cần mà vẫn đòi về thăm em, thăm cháu đấy.

Rồi có khi thì lại có đám cỗ, đám hỏi:

- Cuối tuần mẹ phải đi họp hội đồng học, con ở nhà trông nhà, cơm nước cho chồng rồi xem cái Ngân nó sang đưa đồ cho mẹ không nhớ. Chứ đi hết, em nó sang lại không nhận đồ được.

Hân bực lắm, bà luôn tìm lý do để giữ chân cô. Thế nên, hơn 2 tháng nay cô chưa về mẹ đẻ dù gần như thế. Toàn buổi tối bà ngoại nhớ cháu lại mò sang.

Một hôm, nhà ngoại có cỗ giỗ, ông bà muốn Hân về nên bảo cô xin mẹ chồng trước, sau ông bà sẽ gọi sang xin cho cô ở lại 2 ngày sau.

Thế nhưng, khi Hân vừa mở lời xin, mẹ chồng đã tắt vội màn hình TV đi, quay sang cô rồi nặng lời:

- Mẹ không muốn nói nhiều đâu, nhưng con là phận gái, đi lấy chồng rồi mà lúc nào cũng tìm cớ chuồn về. Qua lại với nhà ngoại ít thôi, người ta lại nghĩ mẹ đối không tốt với con, với cháu. Rồi còn ở nhà chồng mà lo việc nhà đi chứ.

Hân giận lắm, cố bình tĩnh bảo:

- Mẹ ơi, nhưng tuần này nhà con có đám giỗ. Mẹ cho con về, hơn nữa cũng 2 tháng rồi con chưa về.

- Tôi nói mà cô chưa hiểu hay sao? Không đi đâu hết, ở nhà trông con mệt thì để đó bà già này trông.

Hân không chịu nổi, lạnh lùng đáp:

- Thế con gái mẹ mỗi tuần ghé nhà mấy lần ạ? Hàng xóm đã cười vào mặt em ấy chưa? Mẹ mong con gái mẹ thế nào thì bố mẹ con cũng mong con vậy thôi. Nếu gia đình mình bận thật sự, con sẽ ở nhà, nhưng tuần này không có việc gì mà nhà con lại có đám nên con xin phép.

Mẹ chồng Hân nghe nói thì giận điếng người nhưng bà chưa biết mắng gì. Vì rõ là trong tình thế này, bà há miệng thì mắc quai, con gái bà như thế thì biết nói con dâu làm sao?

Hân mặc bà đứng như trời trồng trong phòng khách, ôm con đi về nhà ngoại ngay từ tối hôm đó.

Theo Song Ngư NF (Helino)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/me-chong-thay-con-dau-be-chau-ve-nha-de-la-luom-nguyt-mang-mo-co-chi-dap-tra-dung-mot-cau-roi-di-20181015145906039.htm