Mẹ chồng tôi

Mẹ chồng nàng dâu từ xưa vốn là mối quan hệ khá nhạy cảm, nhất là làm dâu trong một gia đình tứ đại đồng đường. Mẹ chồng tôi từng là một nàng dâu trong một đại gia đình như thế và bà luôn cố gắng chu toàn mọi việc.

Cha mẹ chồng tôi đều là giáo viên. Vào những năm 1978, cha chồng tôi tìm đường vào Nam để lập nghiệp, nơi đặt chân đầu tiên của cha là vùng đất An Linh (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương bây giờ). Những năm tháng đó mẹ chồng tôi một nách 3 con, một buổi đi dạy, một buổi chăm con và làm những việc lớn nhỏ trong gia đình 4 thế hệ. Ngoài mẹ còn 2 người em dâu khác, nhưng mẹ là dâu cả nên hầu như phải cắt đặt mọi chuyện.

Cha đi lập nghiệp ở miền Nam được 5 năm, khi mọi thứ đã tạm ổn thì đón mẹ vào. Mẹ làm giáo viên nhưng cũng là một nông dân chính hiệu. Mẹ không quản bất cứ công việc đồng áng nào để có thể nuôi các con. Cuộc sống khó khăn nhưng gia đình luôn tràn ngập tiếng cười và niềm tin vào cuộc sống tươi sáng.

Một thời gian sau, cha mẹ xin chuyển về huyện Đồng Phú công tác. Vừa đi dạy mẹ lại tranh thủ buôn bán các mặt hàng nhỏ lẻ cho học sinh. Cái quầy của mẹ nhỏ xíu ở cổng trường nhưng chứa đựng cả một bầu trời tuổi thơ của học sinh ngày ấy. Mẹ bảo lúc đó chỉ mong các con được ăn no, mặc ấm nên việc gì cũng làm được, chẳng biết mắc cỡ là gì.

Tôi về làm dâu khi cha mẹ đã nghỉ hưu. Mẹ luôn coi tôi như con gái, thậm chí còn bênh tôi hơn cả con trai. Khi tôi mang bầu bé đầu tiên thì mẹ phát hiện bị ung thư vú, cả gia đình lo âu vì mẹ đã lớn tuổi. Ấy vậy mà mẹ lại là người động viên tinh thần cho cả nhà, rằng ngày nay y học đã phát triển, chữa trị kịp thời sẽ khỏe mạnh thôi. Mẹ luôn bảo sống, chết là lẽ tự nhiên, đến lúc thì ắt phải buông bỏ, nên còn sống ngày nào phải lạc quan, vui vẻ ngày đó, an nhiên và chấp nhận.

Ngày tôi sinh bé là ngày mẹ được chỉ định mổ. Tôi nói chồng sang bệnh viện với mẹ, phần tôi sẽ cậy nhờ nhà ngoại, song mẹ nhất định bắt chồng tôi quay trở lại. Mẹ nói phụ nữ cửa sinh như cửa tử, lúc này rất cần có chồng cạnh bên chăm sóc, mẹ đã có cha và các anh ở đây rồi. Con tôi chào đời bình an, thì mẹ ở bệnh viện cũng hoàn thành ca mổ.

Sau mổ một thời gian sức khỏe của mẹ dần ổn định, bác sĩ nói do tinh thần mẹ lạc quan nên tiếp nhận thuốc tốt. Gia đình nhỏ của tôi cách nhà cha mẹ chồng 40 cây số. Vậy mà mỗi khi nhớ cháu, mẹ lại nói chị dâu chở sang bằng được, cha chồng tôi vẫn thường đùa không biết nhà này ai mới là người bệnh. Chính vì tình yêu thương mẹ dành cho con cháu và tinh thần lạc quan đã giúp mẹ nhanh chóng khỏe mạnh, tiếp nhận hóa trị rất tốt. Tuy nhiên, do lớn tuổi nên mẹ cũng bị một vài di chứng, mắt mờ dần đi một bên. Nhưng mẹ chẳng buồn còn động viên cả nhà, sống khỏe như thế này là tốt rồi.

5 năm sau, tôi sinh bé thứ hai, lần này thì mẹ sang chăm cữ cho tôi 1 tháng. Mẹ bảo phụ nữ sinh nở khổ lắm, mẹ không có người phụ giúp nên hiểu rất rõ. Cứ ngày 3 bữa cơm mẹ nấu, còn rang muối cho tôi chườm bụng, giã nghệ cho tôi đắp mặt, chỉ duy chuyện chăm sóc, nuôi dạy con như thế nào mẹ không can thiệp. Mẹ bảo bà chỉ chơi với cháu và hỗ trợ khi con cần, còn bây giờ các con nuôi con theo khoa học, cứ hợp lý thì mẹ không ý kiến.

Mấy chị em đồng nghiệp vẫn hay xuýt xoa sao tôi sướng thế, mẹ chồng thương thế; rồi các chị kể rất nhiều câu chuyện về mối quan hệ nàng dâu mẹ chồng. Tôi thấy mình quả thật rất may mắn vì làm dâu mà không phải làm dâu. Tôi luôn tâm niệm rằng coi cha mẹ chồng như cha mẹ mình và đối đãi bằng cả tấm chân tình thì chắc chắn sẽ nhận được sự đối đãi chân tình y như thế.

Lê Thị Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/142489/me-chong-toi