'Mẹ... đẹp!'

Tiếng 'mẹ' kéo dài nghe tan chảy con tim tất cả những người mẹ khắc khổ ngồi trong căn phòng đó.

Người đàn bà bước vào phòng vật lý trị liệu của khoa phục hồi chức năng, bệnh viện trẻ em thành phố lúc 8 giờ 15. Chị dắt theo hai đứa nhỏ, một trai một gái, kéo chúng ngồi xuống ghế chờ rồi mỉm cười chào các bác sĩ và mọi người trong phòng. Bác sĩ Trà cố nói với ra khỏi đám đông:
- Kiến chờ bà tí nhé. Sao hôm nay đi muộn thế?
- Cháu sốt suốt đêm bác sĩ ạ. Cứ tưởng sáng nay không đi được. Chờ cắt cơn sốt mấy mẹ con cháu mới dám dắt nhau đi.
Thằng Kiến ngửa cổ cười ngờ nghệch, miệng nó há ra như muốn nói điều gì đó nhưng chỉ phát ra những câu ú ớ. Lúc này đứa em gái đang ngồi gục mặt nhìn chằm chằm vào chiếc bể cá cảnh trên bàn làm việc của bác sĩ. Ai đó đẩy lọ thức ăn cho cá về phía cô bé bảo: “Bé Cóc cho cá ăn đi này”. Con bé khẽ co người lại, mắt vẫn không rời bể cá. Trong khi đó thằng Kiến đã căng cựa chạy ra ngoài hành lang bệnh viện, đi loanh quanh ngó nghiêng nhìn mọi thứ. Người đàn bà đi theo từng bước một để mỗi lần thấy Kiến động vào cái này cái kia thì kịp thời ngăn lại. Thỉnh thoảng người đàn bà lại cúi người xin lỗi khi thằng Kiến va phải một ai đó. Người đàn bà phải khó khăn lắm mới có thể lôi thằng Kiến quay lại phòng vật lý trị liệu.
- Đến lượt bạn Kiến chạy điện nhé. Ngoan nhé. Để bà buộc dây cho. Kiến cố gắng lên nhé. Rồi bạn Kiến sẽ sớm nói tròn vành rõ tiếng cho mẹ vui. Kiến nhỉ?
Kiến không thích mớ dây dợ lằng nhằng buộc trên cơ thể mình. Thằng bé ngọ nguậy một lúc mới chịu ngồi yên. Thời gian đầu khi mới điều trị, Kiến thường giật mạnh cho dây điện đứt bung. Các bác sĩ phải rất vả mới có thể giữ yên được Kiến. Cả phòng vật lý trị liệu chỉ có một bác sĩ nam mà bệnh nhân bại não thì nhiều chứ đâu phải mình thằng Kiến. Dây điện được nối đi nối lại. Đồ đạc trong phòng có khi bị quậy tung bành. Lúc đó Kiến mới hai tuổi, còn bây giờ đã hơn bảy tuổi rồi. Sáu năm gắn bó với nơi này như ngôi nhà thứ hai, thằng Kiến đã được các bác sĩ điều trị tận tình, cải thiện dần khả năng phục hồi. Từ chỗ đặt đâu nằm đấy, giờ Kiến đã đi lại được và bắt đầu có tiến triển trong việc phát âm. Những người mới đưa con đến điều trị thường vẫn nhìn thằng Kiến để cố gắng kiên trì chữa trị. Chỉ gia đình nào có người bị bệnh bại não mới thấu hiểu được nỗi vất vả và cả sự tuyệt vọng từng ít nhiều nhen nhóm trong lòng. Gặp nhau trong căn phòng này chỉ có những câu chuyện đời thường mới kéo họ lại gần hơn. Trên khuôn mặt họ đã bớt đi vẻ nhàu nhĩ ủ ê của những ngày đầu tiên đến viện. Trong lúc chờ tới lượt, họ tranh thủ trò chuyện cùng nhau.
- Mẹ tụi nhỏ có về thăm chúng nó lần nào không bà?
- Từ lúc đi là biệt tăm biệt tích chẳng đoái hoài gì đến chồng con cả. Đấy các bà nhìn xem cô Hạnh kia kìa. Trông người thế thôi nhưng tốt tính lắm đấy. Cô ấy đâu phải mẹ ruột của chị em thằng Kiến vậy mà ròng rã bốn năm nay bao bọc hai đứa nhỏ.
- Thảo nào tôi cứ thắc mắc mãi. Trông cô ấy thế mà đẻ được hai đứa rõ trắng trẻo, xinh xắn.
- Xấu nhưng có trái tim bồ tát đấy bà ạ. Khối người mẹ thấy con mình bệnh tật còn đang tâm bỏ rơi núm ruột của mình. Đằng này cô ấy lại dang tay cưu mang những đứa trẻ đáng thương. Tấm lòng còn hơn hoa nở.
Mọi ánh nhìn đổ dồn về phía người đàn bà tên Hạnh. Chị mặc bộ quần áo cũ kỹ, tóc búi cao gọn gàng. Hai bàn tay gân guốc vừa giữ chặt vừa vỗ về thằng Kiến. Thỉnh thoảng chị lại đưa mắt nhìn đứa con gái nhỏ đang ngồi bên bể cá. Chị khẽ mỉm cười với nó dù cho con bé không ngoảnh lại. Kể ra chị chỉ cần béo lên một chút, biết dặm phấn tô son, ăn mặc lụa là thì chắc người ta không chê chị xấu. Nhưng chị làm gì có thời gian mà để ý đến vẻ ngoài. Một ngày của chị bắt đầu từ bốn giờ sáng, dậy nhóm bếp tráng bánh cuốn cho kịp gánh ra khu công nghiệp bán cho công nhân đi làm đêm về. Bảy giờ sáng, chị tất tưởi trở về để kịp lo cho chị em thằng Kiến. Chồng chị lùa vội bát cơm nóng vợ ủ trên bếp rồi đi vội cho kịp giờ làm. Trước khi đi anh khóa cửa để hai đứa trẻ thức dậy cũng không thể ra ngoài đi lung tung được. Ngay mép vườn có một cái ao, thằng Kiến lúc nào cũng khua khoắng chân tay đòi xuống đó bơi. Người bố sợ những con cá tưởng tượng có khi sẽ nhấn chìm thằng bé dưới đáy ao sâu. Chân chị bước quýnh quáng vội vàng trên đường, thỉnh thoảng bên tai lại như nghe thấy tiếng thằng Kiến ú ớ gọi mình, dù thật ra đó chỉ là tiếng gió thổi u u luồn qua những dãy nhà. Chỉ chờ thấy tiếng mẹ đặt quang gánh ngoài sân là thằng Kiến đập tay vào cửa sổ. Chị vội vàng mở khóa rồi ùa vào ôm thằng Kiến. Có khi xộc vào mũi chị là mùi nước tiểu khai nồng. Thằng Kiến đái dầm từ trên giường xuống nền nhà chảy thành những vệt dài lênh láng. Kiến cười ngu ngơ chỉ trỏ “ông… sông”. Nếu có hàng xóm đứng đó thể nào chị cũng phiên dịch “À... ý nó nói nước tiểu chảy như sông”.
Bé Cóc chắc đã dậy nhưng còn nằm im trong xó tối, tránh vệt nắng hắt vào từ cửa sổ phía đầu giường. Từ nhỏ Cóc đã sợ ánh sáng và người lạ. “Con bé thường gặm nhấm bóng tối và hay nghiến răng hệt như loài cóc vậy. Nên mẹ nó gọi nó là con Cóc”. Đấy là lời người bố nói về đứa con gái của mình trong lần đầu tiên chị gặp. Nhìn cô bé nhút nhát ấy chẳng hiểu sao chị đã muốn ôm chặt nó vào lòng. Bác sĩ Trà có lần từng hỏi:
- Thế ngày xưa làm thế nào mà lại gặp ba bố con thằng Kiến?
- Hôm ấy cháu đi bán bánh cuốn ngoài bến xe. Thấy ba bố con thằng Kiến ôm nhau đứng trú mưa lơ ngơ ở bến. Gặp ai anh ấy cũng giơ tấm ảnh nhỏ chụp một người đàn bà rất đẹp hỏi: “Có thấy người này loanh quanh ở đây không?”. Hỏi ra mới biết anh ta tìm người vợ mới bỏ nhà ra đi. Lúc ấy thằng Kiến trông gầy nhẳng, nhìn thương lắm. Bé Cóc thì núp sau lưng bố, mặt cúi gằm, mười ngón chân miết chặt trên nền gạch.
- Thế rồi sau bao lâu thì cháu về làm mẹ tụi nhỏ?
- Ngay hôm đó cô ạ. Chẳng hiểu sao cháu cứ muốn theo về. Chắc vì thương hai đứa nhỏ này, nghĩ đến cảnh chúng không có mẹ.
- Xem ra bố thằng Kiến số hên. Đi tìm vợ lại cưới thêm được vợ.
- Có cưới xin gì đâu hả cô. Cháu theo không ấy mà.
- "Vợ nhặt" thời nay đấy mọi người ạ. Cậu ta thế mà hên.
Cả phòng cười ầm lên, chị ngượng ngùng vén những sợi tóc mai vướng bên khóe mắt. Thằng Kiến chẳng hiểu chuyện gì cũng ngoác miệng cười. Tay nó sờ lên mặt mẹ tỏ vẻ âu yếm. Bàn tay ấy đã không còn cứng đờ như ngày đầu tiên chị gặp con. Cứ mỗi tháng mười ngày Kiến điều trị ở viện theo chế độ bảo hiểm. Không biết gửi bé Cóc cho ai, cũng chẳng dám để con ở nhà một mình nên bồng bế dắt díu nhau đến viện. Đường đến bệnh viện trẻ em thành phố cách nhà gần ba mươi cây số, chị phải dậy thật sớm bắt hai tuyến xe buýt đường dài mới đến được trung tâm thành phố. Ba mẹ con đi bộ tầm một cây số thì vào đến viện. Chạy điện, chiếu đèn, xoa bóp xong xuôi mấy mẹ con lại dắt nhau về.
Vì không có tiền cho Kiến điều trị thêm ở ngoài nên hằng ngày chị chăm chỉ nắn bóp cho con theo hướng dẫn của bác sĩ. Nắn từ những ngón tay bé nhỏ đến xương khớp cứng đờ. Chị vừa nắn vừa trò chuyện cùng con, hát những lời ru ngọt ngào có cánh cò, hương lúa. Bé Cóc cũng dần rúc đầu vào lòng chị để được nghe những yêu thương vỗ về. Chị cùng Cóc xòe tay đón vệt nắng đầu tiên trong ngày, nghe con chim hót líu lo ngoài cửa sổ. Cùng con bước ra khỏi vùng tối tăm sợ hãi để hòa vào những đám đông của buổi chợ quê, của đám trẻ nhà nghèo. Cùng con vượt qua biết bao nhiêu nỗi ám ảnh của một cô bé pmắc bệnh tự kỷ lúc mới tròn ba tuổi.
Bao năm theo người đàn ông về vun vén gia đình, chị vẫn không có cho mình một đứa con chung. Thiên hạ không biết tưởng là chị hiếm muộn nên bao bọc con người. Vì thương chị mà cũng đã mấy lần chồng giục sinh con nhưng chị bảo: “Nhà mình nghèo, đông con càng thêm khổ. Con của anh cũng là con của em mà”. Nhiều đêm nằm nghĩ chị cũng thèm cái cảm giác bầu bí, thai nghén một sinh linh. Nhưng chị biết nếu sinh thêm con thì sẽ chẳng còn thời gian chăm lo cho chị em thằng Kiến. Thêm một đứa trẻ là thêm nỗi lo toan. Thêm phần gánh nặng của cơm áo gạo tiền. Đến lúc ấy ước mơ về những bước đi trên đôi chân thằng Kiến có lẽ sẽ không thể nào thực hiện được. Chỉ nghĩ đến đó thôi là lòng chị thắt lại. Kể từ đó không bao giờ chị nghĩ đến chuyện sinh con.
Ai cũng nói thằng Kiến được như ngày hôm nay giống như một phép lành được đền đáp sáu năm kiên trì điều trị. Cái dáng nhỏ thó của chị còn in trong tâm trí những người bác sĩ nơi đây. Ngực địu đứa nhỏ, lưng cõng đứa lớn còn ngủ gật. Rồi cả cái cách chị âu yếm nhìn những đứa con không phải là ruột thịt khiến người ta rất dễ mủi lòng. Chị gánh trên đôi vai bé nhỏ của mình thứ trách nhiệm của một người đàn bà khác. Chị cho hai đứa nhỏ hơi ấm tình thương của một người mẹ. Chị bù đắp cho người đàn ông tội nghiệp ấy một mái ấm gia đình. Nên chị hiểu được cảm giác hạnh phúc của một người mẹ trong lần đầu tiên thằng Kiến có thể tự đứng dậy bằng đôi chân của mình.

Bé Cóc rời mắt khỏi mấy chú cá đưa mắt kiếm tìm mẹ giữa đám đông bệnh nhân đang ngồi trong phòng. Chị mỉm cười với Cóc để con thấy yên tâm. Đã từ lâu Cóc không còn luẩn quẩn trốn sau lưng mẹ nữa. Con bé tách mình ra nhưng vẫn giữ một khoảng cách nhất định để lúc nào cũng thấy mẹ trong tầm mắt. Thằng Kiến vừa mới chiếu đèn xong đang ngồi chờ đến lượt được bác sĩ xoa nắn. Tiếng ai đó vừa mới cất lên:
- Kiến ơi. Sau này làm con rể cô nhé.
Kiến gật đầu lia lịa, ngoác miệng cười. Hai cánh tay giơ lên vẫy vẫy. Những lúc vui Kiến thường vẫy tay như những tàu lá chuối trong vườn nhà lúc gặp cơn gió thổi.
- Thế Kiến yêu ai nhất trên đời?
- M…ẹ...!
Tiếng “mẹ” kéo dài nghe tan chảy con tim tất cả những người mẹ khắc khổ ngồi trong căn phòng đó. Thằng Kiến dùng hai tay vít cổ mẹ xuống. Nó thơm lên má mẹ. Những ngón tay bé nhỏ sờ lên làn da đen sạm và những nốt tàn nhang nổi đầy trên mặt mẹ. Thằng Kiến há miệng, dồn hết sức bật ra hai tiếng: “Mẹ… đẹp!”. Cả căn phòng lặng im rồi được lấp đầy bởi niềm hạnh phúc vỡ òa. Tiếng vỗ vay vang lên khiến thằng Kiến thích thú vô cùng. Bé Cóc đã rời mắt khỏi những con cá cảnh để chạy đến bên thằng Kiến. Nó ôm lấy anh mình khen: “Kiến ngoan. Kiến giỏi”. Trong đôi mắt của tất cả những người mẹ nơi đây đều lấp lánh niềm hy vọng một ngày nào đó đứa con tội nghiệp của họ cũng có thể đi lại, nói cười như thằng Kiến.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/me-dep-360290.html