Mẹ đỡ đầu

Mình xem phim nước ngoài thấy nhiều trường hợp như thế này: Một đứa trẻ mới sinh ra thường có hai bố, hai mẹ. Ngoài bố mẹ đẻ, đứa bé có thêm bố đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu. Thường thì những bố, mẹ đỡ đầu là người thân thiết của gia đình em bé. Họ nhận làm mẹ đỡ đầu cho một em bé nào đó như một cách thể hiện tình cảm, gắn kết sợi dây với gia đình em.

Ở Tây là thế. Ở ta có bố, mẹ đỡ đầu không nhỉ? Có đấy! Dù không giống như nước ngoài nhưng dân ta vẫn có câu: “Sảy cha theo chú, sảy mẹ bú dì”. Đó là người thân ruột thịt, còn với nhiều gia đình họ vẫn có những bạn bè nhận làm cha, mẹ thứ hai của em bé sau khi sinh.

Nhưng ở đây mình lại nói một trường hợp khác về mẹ đỡ đầu.

Là thế này, thời gian gần đây Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” trong các cấp hội phụ nữ cả nước. Sau khi triển khai chương trình đã để lại những kết quả tốt tại nhiều địa phương.

Trao tiền hỗ trợ “Mẹ đỡ đầu” cho trẻ mồ côi trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh: Hữu Thịnh

Trao tiền hỗ trợ “Mẹ đỡ đầu” cho trẻ mồ côi trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh: Hữu Thịnh

Chương trình được thực hiện bằng việc, chị em trong các cấp hội phụ nữ thực hiện mô hình tiết kiệm hàng ngày, hàng tháng như: hũ gạo tiết kiệm, nuôi lợn đất, biến phế liệu thành hoạt động nhân đạo từ thiện… Từ nguồn hiện vật và tiền thu được sẽ trợ giúp trẻ mồ côi, trẻ hoàn cảnh khó khăn có lương thực, nhu yếu phẩm, cặp sách, bút mực hàng tháng, hàng năm.

Có thể nói ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, việc cá nhân hoặc hộ gia đình nào đó nhận trợ giúp một trẻ mồ côi là không thể. Nhưng nếu phụ nữ cả bản cùng giúp một vài cháu bằng cách tiết kiệm tiêu dùng lại có thể thực hiện được. Bởi vậy mô hình “Mẹ đỡ đầu” đã tác động vào tâm lý của phụ nữ các bản làng. Ai cũng muốn góp thêm một chút tình cảm, công sức để giúp đỡ những số phận không may mắn giữa cộng đồng.

Đại diện Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao quà cho cháu Đặng Quốc Tuấn, xóm 2, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn. Ảnh: CTV

Thực ra mô hình này không mới, lâu nay nhiều cơ quan, đơn vị, ban ngành vẫn nhận đỡ đầu trẻ em hoàn cảnh khó khăn ở bản. Ví dụ như các chú, các anh Bộ đội Biên phòng hay Đoàn thanh niên. Họ không phải là bố đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu theo cách gọi, mà thực sự là những người luôn quan tâm, chăm sóc các em nhỏ. Qua mỗi hành động, việc làm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân sẽ giúp cho trẻ em mồ côi khó khăn miền núi không bị bỏ lại phía sau như chính sách rất nhân văn mà Đảng, Chính phủ đang ra sức thực hiện.

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/me-do-dau-post256186.html