Mẹ già chọn viện dưỡng lão là nhà: 'Ở gần khổ con'

Bà Liên cho rằng, bà sẽ ở Trung tâm chăm sóc người cao tuổi cho đến hết đời để con cái yên tâm làm việc nơi xa.

Trong cuộc sống gia đình, cha mẹ và con cái cần lắm sự đối thoại, lắng nghe và chia sẻ. Thế nhưng, thực tế không phải ai nấy cũng biết, cũng luôn thấu hiểu điều này.

Để tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, ngày 10/10, phóng viên báo Đất Việt đã có buổi trò chuyện cùng các cụ đang được chăm sóc tại một Trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở Hà Nội.

Bà Đỗ Thị Mộng Hảo (77 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, bà vào Trung tâm chăm sóc người cao tuổi được 2 năm nên hiện giờ bà không còn nhớ nhà như trước vì đã quen với môi trường ở đây.

"Tôi có 3 người con, 2 trai và 1 gái, các con tôi đều đã lập gia đình và có con cái. Tuy nhiên, do công việc của các con bận nên không có thời gian để ở nhà chăm tôi nên chúng nó đã đưa tôi đến Trung tâm chăm sóc người cao tuổi.

Ban đầu, khi con tôi đưa đến trung tâm này tôi thấy bất ngờ vì không biết mình đang ở đâu nên tôi buồn và nhớ nhà lắm. Nhưng ở vài ngày tôi ngẫm thấy mình ở đây có lẽ sẽ hơn chứ về nhà có ai đâu, đêm ngủ 1 mình thì làm sao bảo đảm được cho tuổi già như tôi. Con cái bận đi làm không có thời gian ở nhà trong khi vào trung tâm của người cao tuổi có nhiều các cụ có hoàn cảnh giống mình nên tôi thấy được gần gũi và dần dần quên đi nỗi nhớ nhà", bà Hảo chia sẻ.

Theo bà Hảo, nếu được sống như ở quê có không gian rộng và bà con hàng xóm thân thiện, hàng ngày được gặp các con là thích nhất. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình bà như hiện tại nên bà phải chấp nhận sống ở trung tâm để các con yên tâm làm việc.

"Do khoảng cách giữa nhà với trung tâm nơi tôi đang ở không xa lắm nên các con tôi cũng hay đến thăm mẹ. Tuy nhiên, để có thể đến thăm tôi các con phải sắp xếp thời gian, nếu vào được thì mẹ con gặp nhau tôi cũng mừng nhưng nếu không được như thế thì tôi cũng thông cảm.

Tôi giờ không mong muốn gì hơn và cũng không trách con, chỉ mong sao chúng nó yên tâm làm ăn. Hiện tại tôi cũng không biết mình sẽ ở đây đến bao giờ, chỉ sống ngày nào biết ngày đó thôi", bà Hảo tâm sự thêm.

Nói về chi phí ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe này, bà Hảo cho rằng, mỗi tháng bà phải đóng khoảng 8 triệu trong đó có tiền lương hưu của bà hơn 3 triệu, số còn lại con cái bà đóng thêm.

Cũng có hoàn cảnh tương tự bà Hảo, bà Nguyễn Thị Liên (77 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bà mới đến trung tâm chăm sóc người cao tuổi này được 4 tháng nhưng bà xác định sẽ sống chết ở nơi này do hiện tại 2 con gái của bà đã lấy chồng bên Đức và sinh sống ở đó.

Những giây phút thảnh thơi của bà Liên (ngồi thứ 2 từ phải sang) với các bà tại một Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Hà Nội.

"Các con tôi hàng năm vẫn cử nhau về thăm tôi đấy, đứa đầu năm, đứa cuối năm, tiền đóng hay chi phí ở đây mỗi tháng 12 triệu nhưng các con tôi lo hết. Mỗi lần về Việt Nam thăm mẹ là các con tôi đóng luôn mấy tháng 1 lần, quan trọng ở đây chúng tôi cần tinh thần là chính.

Các cụ vào đây đều cô đơn nên rất thương nhau, động viên nhau. Cũng may tại trung tâm này, từ nhân viên đến người quản lý ai cũng rất tử tế trong vấn đề chăm sóc các cụ nên chúng tôi tìm được niềm an ủi", bà Liên tâm sự.

Bà Liên nghĩ rằng, bà bán nhà đến ở các Trung tâm chăm sóc người cao tuổi là quyết định đúng vì như thế sẽ không làm phiền các con.

Bà Liên nói: "Ở gần con bây giờ chỉ làm khổ con thôi, chúng nó đi làm cả ngày về tối đến lại hầu bố mẹ từ chuyện vệ sinh cá nhân đến ăn uống như thế làm sao chịu được và không đủ sức khỏe để làm việc. Đối với tôi giờ là nước mắt chảy xuôi, chỉ nghĩ cho mình là không được, tốn tiền ở đây nhưng cũng còn hơn ở nhà làm bận đến con mà cũng vẫn phải thuê giúp việc.

Tôi nghĩ nhiều rồi, vì con nên tôi xác định sẽ ở đây đến hết đời luôn, giờ phải đặt con lên trên, làm mọi việc để con được yên tâm làm ăn. Nhiều người già bị lẫn khi ở nhà được ăn rồi nhưng vẫn bảo chưa, như vậy con cái khổ tâm lắm. Thuê giúp việc giờ cũng không yên tâm, làm gì cũng phải nhìn, tôi thích phim, họ thích cải lương là tôi cũng phải nhường để mong sao họ giúp đỡ mình trong sinh hoạt hàng ngày".

Cũng theo bà Liên, từ ngày bà vào Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, do tâm lý thoải mái, không sợ con vất vả và bà được tâm sự, sẻ chia, được ăn uống đúng bữa nên cân nặng của bà đã tăng lên rất nhiều.

"Ở nhà 1 mình tôi bơ vơ nên từ ngày vào trung tâm này tôi đã bớt nghĩ ngợi, được tự do thoải mái hơn. Có ông ở trung tâm này kể ông không ở nhà có khi mối quan hệ giữa ông với con lại khăng khít hơn do không phải ra đụng vào chạm", bà Liên chia sẻ thêm.

Mọi ý kiến đóng góp, chia sẻ câu chuyện xin liên hệ qua email: toasoan@baodatviet.vn hoặc ngank52bchn@gmail.com

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/me-gia-chon-vien-duong-lao-la-nha-o-gan-kho-con-3367069/