Mê muội tiền ảo dễ bị cuốn vào đường dây đa cấp, lừa đảo

Không chỉ có nguy cơ 'trắng tay' khi bỏ tiền thật để kinh doanh tiền ảo, những người đang mê muội tiền ảo tại Việt Nam còn đối diện nguy cơ vỡ nợ bởi những đường dây đa cấp, lừa đảo. Việc quản lý chặt hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo đang trở thành yêu cầu bức thiết.

Không thể rút được tiền đầu tư

Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, tại TP.HCM, hàng loạt nạn nhân đã kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech căng băng rôn tố cáo công ty này lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng thông qua hoạt động huy động đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin.

Theo phản ánh của người tham gia đầu tư, iFan được các đối tượng lừa đảo quảng cáo là xuất phát từ Singapore, là hoạt động huy động vốn cho ý tưởng xây dựng một trung tâm kết nối giữa các nghệ sĩ và người hâm mộ, chẳng hạn như mua bán album ca nhạc, chia sẻ thông tin... Thậm chí, viễn cảnh còn được vẽ ra giúp người dùng nhập quốc tịch Mỹ, đồng tiền ảo sẽ được dùng để thanh toán như thẻ Visa, hay sẽ tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ)... Đầu tư vào tiền ảo iFan được cam kết sẽ hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Không chỉ vậy, nếu nhà đầu tư mời gọi được người khác tham gia, sẽ được hưởng thêm hoa hồng 8%.

Bằng những thủ đoạn trên, các thành viên của Công ty Modern Tech đã mời gọi khoảng 32.000 nhà đầu tư tham gia dự án tiền ảo iFan với số vốn 15.000 tỷ đồng rồi... biến mất. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên những vụ việc tương tự xảy ra. Hồi cuối năm 2017, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Tuấn Giảng và đồng bọn. Những đối tượng này đã lợi dụng sự cả tin, thiếu thông tin của người dân, lôi kéo đầu tư vào loại tiền ảo AOC để hưởng lãi và hoa hồng cao. Tuy nhiên, sau đó nhiều người đã không thể rút được tiền đã đầu tư.

Dù hàng loạt vụ việc đã bị phanh phui, nhưng dường như vẫn chưa đủ cảnh báo đối với những người dân đang lao vào đầu tư các loại tiền ảo, bất chấp mọi rủi ro, mong làm giàu thật nhanh. Cơ quan quản lý cũng nhiều lần lên tiếng không công nhận tiền ảo là một loại tiền tệ và chưa có khung pháp lý nào quy định, quản lý hoạt động kinh doanh loại tiền này nhưng vẫn không ngăn được những “con thiêu thân”.

Khó quản lý...

Đầu tư vào tiền ảo, dù là thông qua việc đầu tư trên các sàn giao dịch hay thông qua các hoạt động dưới dạng đa cấp đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thời gian qua, nhiều chuyên gia cũng như Chính phủ đã hối thúc các cơ quan xây dựng hành lang pháp lý nhằm quản lý tiền ảo nhưng đến nay loại tiền này vẫn nằm ngoài sự quản lý của cơ quan chức năng.

Ngân hàng Nhà nước - đơn vị quản lý về tiền tệ cũng mới chỉ dừng lại ở việc khẳng định không công nhận tiền ảo là tiền tệ, đồng thời đưa ra những khuyến cáo người dân hay chỉ đạo các ngân hàng thương mại kiểm soát các giao dịch liên quan đến tiền ảo.

Mới đây nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo. Theo đó, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng do điều này có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, động thái này không thể ngăn chặn được các cá nhân giao dịch mua bán, đầu tư tiền ảo, trừ một vài trường hợp (nếu có) được phát hiện thông qua công tác phòng chống rửa tiền. Theo đại diện một ngân hàng thương mại Nhà nước, trên thực tế, nhà đầu tư nếu có giao dịch thanh toán tiền ảo thì ngân hàng cũng rất khó phát hiện và ngăn cấm. “Thực tế, trên lệnh thanh toán người chơi không ghi thông tin gì là có liên quan đến tiền ảo, vì vậy, việc phát hiện qua các lần thanh toán như thế gần như không thể” - người này cho biết. Hơn nữa, theo vị này, việc thanh toán vào mục đích gì là quyền của chủ tài khoản. “Anh có tiền trong tài khoản, anh mua cái gì hay chuyển cho ai là quyền của anh, ngân hàng không có quyền xem và cũng không có quyền ngăn cấm. Đó là quyền công dân và quyền tối cao của chủ tài khoản”.

Vì vậy, theo chuyên gia ngân hàng này, việc ngăn chặn các giao dịch liên quan đến tiền ảo nếu có chỉ có thể phát hiện thông qua công tác phòng chống rửa tiền, công tác điều tra của ngân hàng hay cơ quan công an. “Theo tôi, chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu để khuyến cáo trong trường hợp ngân hàng nghi ngờ hoặc tăng cường rà soát các điểm chấp nhận thẻ để hạn chế các giao dịch liên quan tiền ảo. Đó là nhiệm vụ của công tác phòng chống rửa tiền. Các nước cũng làm vậy, chỉ có thể thông qua công tác nhận diện, nghi ngờ các giao dịch gian lận mà thôi” - vị này cho hay.

Thế giới có 3 quan điểm quản lý về tiền ảo

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc người dân lao vào kinh doanh tiền ảo, đến một lúc nào đó sẽ không kiểm soát được loại tiền này, dẫn đến nền tài chính sẽ đi vào khủng hoảng. Bên cạnh đó, các loại tiền ảo cũng là công cụ để thực hiện việc rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài nhanh chóng, bất hợp pháp... Vì vậy, yêu cầu về khung pháp lý đối với quản lý tiền ảo là vô cùng bức thiết. “Mọi hoạt động kinh tế trong xã hội phải được vận hành trong khuôn khổ của pháp luật” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

Theo vị chuyên gia này, hiện nay trên thế giới có 3 quan điểm về tiền ảo. Một số quốc gia có thái độ cởi mở hơn với tiền ảo như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore… đã nhanh chóng đưa ra các quy định tạo thuận lợi cho việc mua bán, thanh toán tiền ảo. Ngược lại, một số quốc gia như Trung Quốc hay Hàn Quốc lại đang tính đến các biện pháp kiểm soát chặt tiền ảo. Dạng thứ ba là những quốc gia không cấm cũng không cho phép, trong đó có Việt Nam. Hiện tại, ở Việt Nam, tiền ảo không bị cấm mua bán, trao đổi, cho tặng… mà chỉ bị cấm thanh toán, tức là không coi là một loại tiền tệ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tiền ảo là một sản phẩm tài chính vô cùng phức tạp và khó quản lý. Tuy nhiên, dù khó đến mấy vẫn có cách để kiểm soát chứ không nên cấm. Chuyên gia này đề xuất nên xem xét cho thành lập sàn giao dịch tiền ảo, trong đó Nhà nước nắm quyền quản lý. Thông qua sàn giao dịch này có thể thu được phí chuyển tiền, thuế giao dịch…, đồng thời bảo đảm an toàn cho người gửi và người nhận, giám sát được các giao dịch, hoạt động rửa tiền. Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng cơ quan chức năng cần giám sát, quản lý chặt các hoạt động huy động vốn, tổ chức hội nghị, hội thảo kêu gọi đầu tư tiền ảo. Các hoạt động này chỉ được tổ chức khi có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, nếu không sẽ bị xử lý. Cũng cần khuyến cáo người dân tố giác khi gặp các trường hợp này.

“Nên xem xét cho thành lập sàn giao dịch tiền ảo, trong đó Nhà nước nắm quyền quản lý. Thông qua sàn giao dịch này có thể thu được phí chuyển tiền, thuế giao dịch…, đồng thời bảo đảm an toàn cho người gửi và người nhận, giám sát được các giao dịch, hoạt động rửa tiền. Đồng thời, cơ quan chức năng cần giám sát, quản lý chặt các hoạt động huy động vốn, tổ chức hội nghị, hội thảo kêu gọi đầu tư tiền ảo. Các hoạt động này chỉ được tổ chức khi có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, nếu không sẽ bị xử lý. Cũng cần khuyến cáo người dân tố giác khi gặp các trường hợp này”.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng)

Linh Nhật

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/me-muoi-tien-ao-de-bi-cuon-vao-duong-day-da-cap-lua-dao/765109.antd