Mê nghề làm bánh 'chim cò' độc nhất Việt Nam

Nhiều bạn trẻ ở làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) say mê học nghề làm tò he truyền thống. Vừa học vừa làm, các em đã kiếm được tiền triệu mỗi tháng để trang trải chi phí học hành.

Tò he Hằng Nga bế thỏ ngọc trong trang phục áo nhật bình

Tò he Hằng Nga bế thỏ ngọc trong trang phục áo nhật bình

Làng Xuân La nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 30km về phía nam, gần với đê sông Nhuệ. Tìm về làng, không khó để nhận ra những nét đặc trưng của làng nghề khi nhà nhà, người người đều nặn tò he, những xe đạp tò he kín đường làng, tỏa đi khắp nơi mỗi ngày để bán lẻ.

Theo nghệ nhân Chu Tiến Công (73 tuổi), làng nghề tò he Xuân La tính đến nay đã được gần 300 năm tuổi, là làng làm tò he lâu đời và duy nhất ở Việt Nam. Cả làng hiện nay có khoảng gần 500 hộ làm nghề, hàng chục người đã được phong nghệ nhân. Nghề tò he giải quyết việc làm cho hơn 1.600 lao động.

Nghệ nhân Chu Tiến Công (bên trái) biểu diễn nặn tò he tại lễ vinh danh làng nghề huyện Phú Xuyên.

Nghệ nhân Chu Tiến Công đã gắn bó với nghề nặn tò he hơn 60 năm. Ông Công nhớ lại, xa xưa nghề nặn tò he rất phát triển bởi đây là trò chơi ưa thích của trẻ nhỏ. Thời kỳ kháng chiến, rồi đến thời bao cấp, thóc gạo ăn còn thiếu nên chẳng dư dả gì mà nấu bột làm tò he, nghề này dường như đã đi vào quên lãng.

Một người phụ nữ bán mâm hoa bằng bột theo phong cách Đồng Xuân vào dịp Tết Trung thu khoảng năm 1925 - 1935 (ảnh do Madeleine Colani chụp tại Hà Nội, là tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ).

"Có nhiều thời điểm, gia đình tôi buộc phải ăn khoai, sắn để dành gạo nấu bột làm tò he, vì muốn giữ nghề truyền thống. Bây giờ, nghề đã hưng thịnh trở lại, người nghệ nhân già như tôi vô cùng hạnh phúc", ông Công chia sẻ.

Nghệ nhân Công đã có hơn 60 gắn bó với nghề nặn tò he.

Ở lớp học nặn tò he miễn phí của nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu có thể thấy các bạn trẻ hăng say nặn tò he. Tuy mới học nặn vài tháng nhưng các học viên tuổi còn cắp sách tới trường đều đã có thu nhập từ các sản phẩm mới làm ra.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu (37 tuổi) cho biết, anh học nặn tò he từ khi còn bé, do ông ngoại dạy. Nhân vật đầu tiên anh nặn là Triển Chiêu trong phim Bao Thanh Thiên. Sau đó, anh Hậu được đi theo ông ngoại và gánh tò he tới các chợ, vừa nặn vừa bán.

"Tôi nhớ khoảng hơn hai chục năm trước, mỗi con tò he có giá chỉ 500 - 1.000 đồng. Ông tôi và tôi thường đi vài ngày mới về nhà một lần và thường gánh bằng thúng hoặc đi xe đạp, nay người bán tò he tiện hơn vì đã có xe máy. Từ đam mê ngày nhỏ, giờ tò he là nghề cho thu nhập chính với tôi", anh Hậu nói.

Lớp học nặn tò he miễn phí của nghệ nhân Đặng Văn Hậu.

Anh Hậu cho biết thêm, trước kia, nghề tò he được gọi là nghề nặn bánh "chim cò". Bởi, tò he nặn ra có thể ăn được kiểu như oản, như bánh và có hình phổ biến là chim, cò... Ngoài ra, tò he hình chim còn được gắn lên ống sáo, mỗi khi thổi kêu lên tiếng "tò te" và sau này có lẽ do nói trại mà thành cái tên "tò he".

Để làm được tò he thì nguyên liệu chính là bột gạo tẻ có trộn thêm nếp theo tỷ lệ 10:1. Hai loại gạo trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào đều tay. Sau đó, người thợ nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu cho bột.

Anh Đặng Văn Hậu là nghệ nhân trẻ có bàn tay tài hoa thể hiện các kỹ thuật nặn tò he.

Là bánh có thể ăn được nên phẩm màu nhuộm bột phải có nguồn gốc từ cây lá tự nhiên. Có 4 màu cơ bản gồm đen, đỏ, xanh, vàng. Màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ lấy từ quả gấc, màu đen lấy từ tro rơm rạ hoặc cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá giềng, lá chàm, còn các màu khác chủ yếu được pha trộn từ 4 màu cơ bản trên.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho biết, nặn tò he có 3 phong cách gồm phong cách Phú Xuyên, Đồng Xuân và Phố Khách, mỗi phong cách đều có nét độc đáo về cả chất liệu và tạo hình riêng.

Hiện nay, giới trẻ đang có xu hướng tìm về các trò chơi dân gian nên nghề nặn tò he đang phát triển mạnh trở lại, trở thành một nghề tạo sinh kế cho người dân Xuân La.

Các bạn trẻ tranh thủ thời gian nghỉ hè học nặn tò he.

Theo nghề hơn hai chục năm, nghệ nhân Hậu cho biết, tuy khó làm giàu từ nghề nặn tò he nhưng công việc cũng đủ đảm bảo cuộc sống. Hơn nữa, người dân Xuân La giữ nghề còn vì tình yêu với văn hóa dân gian, mong muốn lưu giữ một món đồ chơi cổ truyền, đậm đà bản sắc dân tộc cho các thế hệ sau và quảng bá nét đẹp văn hóa tới bạn bè quốc tế.

Em Mai Chi, học sinh lớp 10 Trường THPT Đồng Quan cho biết, em tranh thủ thời gian nghỉ hè để học nặn tò he tại lớp của nghệ nhân Hậu. Trong vòng 2 tháng, em đã khá thành thạo việc nặn các mẫu tò he cơ bản. Không chỉ biết nghề, mỗi tháng em còn có thể kiếm được từ 2,5 - 3 triệu đồng tiền bán sản phẩm.

"Sau này cho dù làm gì đi nữa em cũng vẫn sẽ nặn tò he như một nghề tay trái bởi vì em rất yêu thích tò he và muốn gìn giữ để nghề truyền thống của làng không bị mai một", Mai Chi chia sẻ.

Mẫu tò he đầu sư tử được các em nhỏ yêu thích.

Tò he thiềm thừ ngậm thỏi vàng.

Gian hàng trưng bày và bán tò he của anh Hậu trên phố đi bộ hồ Gươm.

Tò he Sao la được nghệ nhân làng Xuân La nặn theo linh vật của SEA Game 31 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5/2022.

Tò he Tôn Ngộ Không - một hình mẫu rất phổ biến được trẻ em yêu thích.

Nhân vật Doraemon gắn liền với tuổi thơ của bao người được nặn thành tò he cảm giác rất gần gũi, thân thương.

Những chú tò he vịt đủ các sắc màu.

Những chú tò he lợn ủn ỉn trông rất đáng yêu.

Mâm ngũ quả theo phong cách Phú Xuyên trông rất đẹp mắt.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/me-nghe-lam-banh-chim-co-doc-nhat-viet-nam-172220926081459518.htm