Mẹ Nhật nuôi dạy con thành công là vì biết 'lắng nghe hơn là la mắng'

Để làm cha mẹ hạnh phúc của những đứa con hạnh phúc, trước khi la mắng hãy lắng nghe những lý do của trẻ.

Đó là thông điệp mà tác giả cuốn sách Cha mẹ Nhật dạy con lắng nghe hơn là la mắng – Mika Wakuda muốn gửi tới các bậc cha mẹ, đặc biệt là những cha mẹ đang cảm thấy mình quá sức trong việc nuôi dạy con..

Cuốn sách là tổng hợp từ những buổi nói chuyện, những kinh nghiệm, những nghiên cứu và cả những trăn trở của hàng ngàn người mẹ đã tới tham dự các buổi nói chuyện, tư vấn cùng tác giả Mika Wakuda.

Đọc cuốn sách, các bậc cha mẹ cơ hội nhìn nhận lại cách nuôi dạy con, đồng thời có thể lựa chọn cách xử lý phù hợp cho các tình huống gặp phải trong quá trình này mà tác giả đưa ra.

Cuốn sách "Cha mẹ Nhật dạy con lắng nghe hơn là la mắng"

Nếu la mắng, hãy hoàn thành trong 7 giây

Trước nhiều tình huống trẻ gây ra, các cha mẹ không phải lúc nào cũng giữ được bình tĩnh. Họ cũng thường đánh đồng việc “nổi nóng” và “mắng” là giống nhau.

Tuy nhiên, theo tác giả cuốn sách, khi nổi nóng là cha mẹ đang coi trẻ là nơi xả mọi cảm xúc và tìm cảm giác thoải mái cho mình đồng thời điều khiển trẻ theo ý mình. Còn mắng trẻ là “dạy trẻ những quy tắc để trẻ sống một cách thoải mái”, “truyền đạt lại cho trẻ những điều quan trọng” hay “đặc câu hỏi để trẻ có thể tự mình nghĩ”.

Vì vậy, tác giả đưa ra lời khuyên, trước khi la mắng trẻ hãy lắng nghe trẻ. Khi trẻ làm điều không đúng, “bạn đừng vội “dán nhãn: đó là điều xấu mà hãy khéo léo dùng ngôn từ để hỏi trẻ và tìm kiếm “sự thật” ẩn chứa đằng sau những hành động đó”. Hãy giúp trẻ có thể thoải mái “mở lòng”, “trút bầu tâm sự”.

Nếu nổi giận la mắng phủ đầu mà không nói lý do thì sẽ khiến trẻ trở nên khép kín, không dám bộc lộ tâm tư tình cảm; cha mẹ lại không thể truyền đạt ý mình muốn nói tới trẻ.

Tác giả Mika Wakuda cũng khuyên các bậc cha mẹ “nếu la mắng, hãy hoàn thành trong 7 giây”. Bởi “càng ít tuổi trẻ càng chán ghét những câu chuyện dài”. Tác giả gợi ý các bí quyết để mắng trẻ một cách ngắn gọn.

Nếu la mắng, hãy hoàn thành trong 7 giây

Đó là thay vì ra lệnh “Con hãy làm việc đó ngay!” hãy mềm mỏng nhờ vả trẻ” Nếu con làm việc đó thì mẹ rất vui. Con giúp mẹ được nhiều lắm đấy!”.

Dạy trẻ phương pháp “Con làm như thế này nhé!” thay vì nói “Con làm như thế là không được”. Bên cạnh đí, cha mẹ nên sử dụng những từ mà trẻ hiểu để truyền đạt tới trẻ. Ví dụ, hãy nói “Con nói nhỏ thôi nhé!” thay vì nói “Con trật tự nào!”.

Có những sai lầm trong quá trình nuôi dạy con mà hầu hết các cha mẹ đều mắc phải nhưng không nhận ra. Đó là luôn so sánh con với trẻ khác hoặc so sánh trẻ với ngày xưa của cha mẹ. Sự so sánh này sẽ khiến trẻ có cảm giác hơn thua và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.

Vì vậy, nếu có lúc bạn muốn so sánh, hãy tránh đề cập đến “giỏi” – “kém” mà hãy đề cập đến “sự khác biệt”. Đống thời, cha mẹ không nên so ánh trẻ với những điều được cho là chuẩn hay “khuôn mẫu”.

Khen trẻ phải có bí quyết

Trẻ rất thích được cha mẹ khen và luôn muốn được cha mẹ để ý đến. Tuy nhiên, việc khen trẻ cũng cần được nói khéo léo, “đừng nói “Con làm được là đương nhiên” mà hãy nói “Con đã rất cố gắng đấy!”. Điều này khiến cha mẹ có cái nhìn bao dung hơn với trẻ, đồng thời khiến trẻ có cảm giác “thành tựu” hơn.

Bên cạnh đó, không phải việc gì cha mẹ cũng khen sẽ khiến trẻ cảm động. Vì vậy, khen phải có bí quyết. “Đó là hãy khen chính điểm mà trẻ muốn bạn công nhận”.

Bởi trẻ rất muốn được người khác chú ý và công nhận không chỉ những điểm mạnh mà còn cả những cố gắng của mình. Và cách để cha mẹ luôn nắm bắt đúng “luồng hào quang” của trẻ là luôn quan sát trẻ thật kỹ.

Một thực tế là các bậc cha mẹ thường có thói quen để ý đến những khuyết điểm của trẻ và nghĩ rằng phải tìm cách sửa chữa, uốn nắn. Khi không sửa được theo ý mình, cha mẹ thường cảm thấy bực bội.

Theo tác giả cuốn sách, cha mẹ hãy chấp nhận rằng đó là một phần của trẻ, một tính cách riêng. Và việc uốn nắn, cải thiện hành động của trẻ không thể trong “một sớm một chiều”.

Cũng trong cuốn sách Cha mẹ Nhật dạy con lắng nghe hơn là la mắng, tác giả Mika Wakuda giải đáp các câu hỏi mà nhiều cha mẹ thắc mắc: “Mắng bao nhiêu lần mà trẻ vẫn mắc lỗi y như vậy?”, “Trẻ thường cố tình làm điều tôi ghét, có phải trẻ ghét tôi không?”. “Trẻ luôn miệng nói “Con không thích” hoặc “Con không thích làm đâu”. Có phải tôi đã quá mềm mỏng không?”,...

Thục Linh

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/me-nhat-nuoi-day-con-thanh-cong-la-vi-biet-lang-nghe-hon-la-la-mang-d14379.html