Mẹ ơi, mẹ có biết không?

Mỗi dịp Vu lan, thường vang lên 'điệp khúc' hỏi - đáp giữa đứa con và người mẹ trong tản văn 'Bông hồng cài áo'. Nhưng mùa Vu lan năm nay, tôi lại muốn nhắc nhớ đoạn thơ trong 'Gia huấn ca' với hình ảnh khác lạ…

Mùa Vu lan báo hiếu1. “Bông hồng cài áo” của thiền sư Thích Nhất Hạnh 2 lần nhắc lại đoạn đối thoại ngắn này:

- Mẹ ơi, mẹ có biết không?

- Biết gì?

- Mẹ có biết là con thương mẹ không?

Thực ra, những câu hỏi - đáp này đều do tác giả tự nghĩ lấy và diễn đạt uyển chuyển, dài dòng hơn, mang ý gợi mở cho đứa con. Rằng chiều nay đi làm ở sở về, hay đi học về, bạn hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng, thật bền và dịu dàng hỏi. Hỏi, nhưng là đã trả lời, xác quyết về một tình thương thầm kín…

Ở đoạn cuối tản văn danh tiếng viết từ năm 1962 để dâng mẹ và làm quà Vu lan “cho những người nào có diễm phúc còn mẹ”, tác giả thổ lộ: “Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi!”.

Điệp khúc trong tản văn ấy cũng đã đi vào nhạc của Phạm Thế Mỹ, để bao nhiêu năm qua có biết bao nhiêu thế hệ hát lên, nhất là dịp Vu lan.

Cách thức cài hoa cẩm chướng màu đỏ lên áo những đứa con còn mẹ và cài hoa màu trắng cho những ai mất mẹ mà thiền sư Thích Nhất Hạnh lần đầu bắt gặp trong Ngày Mẹ 10.5 (Mother’s Day) ở Nhật Bản, bây giờ đã trở nên quá quen thuộc với người Việt. Có khác chăng, hoa cẩm chướng được thay bởi hoa hồng, và biết cài vào dịp Vu lan. Mới hay, tình thương và cách thức diễn tả tình thương thì thường giống nhau, dễ “bắt chước” lẫn nhau, dù bạn đang ở đâu trên trái đất mênh mông này.

Nhưng dịp Vu lan năm nay, tôi muốn nhắc đến một hình ảnh khác. Đứa con sẽ không chỉ nghĩ về mẹ, hình dung về mẹ qua hình ảnh dung dị thân thuộc như ca dao được thiền sư Thích Nhất Hạnh từng trích dẫn nữa. Hãy thử đọc đoạn thơ này từ “Gia huấn ca”, vốn được cho là của danh nhân Nguyễn Trãi: “Kể từ lúc hãy còn thai dựng/ Đến những khi nuôi nấng giữ giàn/ Nặng nề chín tháng cưu mang/ Công sinh bằng vượt bể sang nước người”.

Đoạn trích này thuộc tiểu mục “Dạy học trò ở cho phải đạo”, gần cuối “Gia huấn ca”, sau các mục như Dạy vợ con, Với cha mẹ, Với chồng, Với bạn hữu của chồng, Với chị em, Với trong họ ngoài làng, Với những khi sản dục, Với con cái, Với dâu rể, Với tôi tớ, Thờ cúng, Dạy con ở cho có đức, Dạy con gái phải có đức hạnh, Vợ khuyên chồng…

Lâu nay, trong ca dao Việt, “nghĩa mẹ” vốn dĩ được so sánh với dòng nước đầu nguồn, dạt dào và trong trẻo. Dòng nước mát lành ấy thường đi đôi với “công cha” như núi, núi Thái Sơn. Nhưng ví von ơn sinh thành của người mẹ ngang bằng với hải trình “vượt bể sang nước người”, quả là lối so sánh khác lạ, đủ để hình dung về nỗi khó nhọc xen lẫn hiểm nguy. Biết bao gió dập sóng dồi, biết bao chèo chống trên “hải trình” ấy… Cho nên, cũng ở đoạn thơ này, thấy có thêm mấy câu mang tính đúc kết: “Chữ rằng “sinh ngã cù lao”/ Bể sâu khôn ví, trời cao khôn bì”.

2. Khi viết “Bông hồng cài áo”, thiền sư Thích Nhất Hạnh nhận ra người nhà quê Việt Nam không ưa cách nói cao kỳ. Họ chỉ mượn lấy những hình ảnh gần gũi, ngọt thơm như chuối Ba Hương, dịu ngon như xôi nếp một, đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Giản dị, đúng mực nhưng lại trường cửu bất tuyệt, như tình mẹ. Những đứa con thời nay cũng rất ít khi nói về mẹ, mà cất giấu đâu đó trong tim và chỉ trào dâng cảm xúc mỗi khi có ai khơi gợi…

Gần đây, những đứa con có phần “dạn dĩ” hơn mỗi khi thổ lộ tâm tình mùa Vu lan. Tôi đọc thấy đâu đó dáng mẹ bóng cha ẩn hiện cuối cánh đồng, nhòe theo đường chân trời. Thấy sự cần lao lam lũ phía sau hình ảnh quang gánh. Đôi khi, thấy ký ức trỗi dậy qua một sắc tím hoa khế vườn cũ, sau một cơn mưa dông. Thấy tình thương ùa về qua ánh mắt hiền từ, dù ánh mắt ấy đã lặng khuất vào thinh không. Thấy cả sự hối tiếc muộn màng, thầm kín…

Vào dịp Vu lan, những tâm tư về ơn sinh thành thường được diễn tả theo nhiều cách khác nhau. Mùa Vu lan năm nay, nếu các chị, các anh, các em không muốn nhắc lại câu kinh về ngài Mục Kiền Liên, thì tôi thử chép tặng ra đây mấy câu thơ của Phạm Thiên Thư. Chính thi sĩ Phạm Thiên Thư đã thi hóa “Kinh hiếu” thành 188 câu thơ, để chuyển tải câu chuyện báo hiếu quen thuộc của ngài Mục Kiền Liên.

Xin mượn 4 câu thơ ở đoạn gần cuối của “Kinh hiếu” để tặng những đứa con đang thương mẹ nhớ cha: “Ơn cha mẹ khác nào trời bể/ Nghìn muôn non chẳng thể suy lường/ Vì con, lãnh chịu tai ương/ Vì con, nên mới sa đường ngục sâu”.

Tôi đã lặng lẽ giắt mấy câu thơ, như muốn lặng lẽ cài một đóa hoa lên áo anh, áo chị, áo em rồi đó. Hãy vui sướng đi, hỡi những ai được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng màu đỏ.

HỨA XUYÊN HUỲNH

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/tap-but-tap-van/me-oi-me-co-biet-khong-130795.html