Mẹ Phúc

Đó là từ ngữ thân thương mà những đứa trẻ trong CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội dùng để gọi bà Phan Thị Phúc, 78 tuổi, người đã dành hơn 20 năm đều đặn lên lớp vào những ngày cuối tuần để dạy múa, hát miễn phí cho trẻ em trong CLB.

Nằm trong trường tiểu học Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội, cứ đến cuối tuần, CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội lại ríu rít tiếng nô đùa, múa hát. CLB đã trở thành một gia đình lớn – nơi mà những đứa trẻ không may mắn có được hình hài lành lặn có thể vui đùa thỏa thích, được yêu thương, chăm sóc bởi cô giáo, cũng là người mẹ hiền thứ hai của các em – mẹ Phúc.

Mẹ Phúc vốn là diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ. Bà đã từng cùng đoàn diễn viên của Nhà hát rong ruổi tại nhiều tỉnh thành trong cả nước để dạy múa hát cho các em nhỏ. Trong một lần đến giao lưu văn nghệ với các em nhỏ tại trường tiểu học Trung Tự, bà bị thu hút bởi ánh mắt như biết nói của trẻ em bị khuyết tật nơi đây.

Nhìn vào ánh mắt thơ ngây của các em, bà biết các em cũng có những hoài bão, ước mơ của riêng mình. Có nhiều em bị khuyết tật nhưng rất thích và có năng khiếu nghệ thuật như múa, hát, vẽ tranh. Tuy nhiên, nếu như các em học cùng với trẻ em bình thường thì rất khó theo kịp.

Hơn nữa, các em rất dễ bị mặc cảm, tự ti vì không giống như các bạn. Khi ấy, bà Phúc đã nảy ra ý định xây dựng một CLB văn nghệ cho trẻ em khuyết tật để các em sinh hoạt cùng nhau. Mong ước của bà ngày một lớn.

Đến một ngày, bà quyết định liên hệ với Ban giám hiệu trường tiểu học Trung Tự để nhờ nhà trường giúp đỡ, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân, tập thể để xây dựng CLB. Đến năm 1995, đội văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội chính thức ra đời và sau này đã đổi tên thành CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội, mượn trường tiểu học Trung Tự làm địa điểm sinh hoạt.

Bà Phan Thị Phúc (thứ 4 từ phải sang) trong lễ trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2018. (Ảnh: An Nhiên)

Trong quá trình thành lập và phát triển CLB, bà Phúc gặp rất nhiều khó khăn từ việc mượn địa điểm, kêu gọi hỗ trợ đến việc thuyết phục cha mẹ có trẻ em khuyết tật cho con em của mình đến học,… Tuy nhiên, trước những khó khăn, bà đều không nản lòng.

Bà Phúc chia sẻ, chỉ cần nhìn vào những gương mặt háo hức, ánh mắt ngập tràn sự lạc quan, hy vọng của các em, bà lại có thêm động lực để gắn bó với công việc của mình trong suốt hơn 20 năm qua. Không chỉ là cô giáo dạy múa, hát, bà Phúc còn là người mẹ hiền chăm sóc từng li, từng tí cho các em.

Dạy trẻ em bình thường múa hát đã khó, dạy nghệ thuật cho trẻ khuyết tật càng khó hơn. Không ít các em vì tập luyện khó quá đã có ý định thôi học nhưng bà Phúc luôn bên cạnh động viện, cổ vũ tinh thần cho các em, đồng thời dạy các em ngày một thành thạo hơn. Không ít lần, bà Phúc lặn lội đi xin từng chiếc máy khâu cho các em gái mang về học may. Bà còn lên tận xí nghiệp xe buýt tại Hà Nội làm thẻ đi xe miễn phí để các em thuận tiện đi lại.

Thậm chí, bà còn trích tiền của mình mua tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để em có phương tiện đi lại,… Điều bà mong muốn nhất khi thành lập CLB này chính là các em được hòa nhập với cộng đồng, dùng tài năng, trí tuệ của mình để cống hiến cho xã hội như những người bình thường khác.

Dù tuổi cao, sức khỏe không còn được như trước nhưng cuối tuần nào bà Phúc cũng cặm cụi lên lớp, dù ngày nắng nóng hay mưa rét. Bà chia sẻ công việc dạy múa hát miễn phí trong nhiều năm qua xuất phát từ cái tâm và tình yêu thương dành cho trẻ em bị khuyết tật.

Món quà lớn nhất bà nhận được từ những học trò của mình chính là sự trưởng thành từng ngày của các em. Nhiều em đại diện cho CLB tham gia các cuộc thi được đánh giá cao, đạt nhiều giải thưởng lớn trong các hội diễn dành cho người khuyết tật. Có em trước kia ở nhà, tính khí thất thường, chuyên la hét khiến bố mẹ lo lắng thì nay đã tiến bộ hơn rất nhiều. Các em ngoan hơn, nghe lời bố mẹ, sống hòa đồng và tự tin hơn.

Đa phần các em khi lớn lên đều đã tìm được công việc nuôi sống bản thân như thợ may, bảo vệ… Có nhiều em đã xây dựng gia đình, có cuộc sống hạnh phúc như mong muốn. Mỗi lần nghe tin các em thành công, bà Phúc cảm thấy rất hạnh phúc và càng trân trọng, muốn gắn bó lâu hơn nữa với công việc của mình.

Với tấm lòng nhân hậu, sẻ chia, sẵn sàng hy sinh nhiều năm tháng của cuộc đời để cống hiến cho sự phát triển của trẻ em khuyết tật Hà Nội, mới đây, bà Phúc vinh dự trở thành một trong 10 cá nhân được Ban tổ chức giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2018 trao tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong hoạt động vì cộng đồng. Tấm gương sáng của bà sẽ còn sáng mãi với thời gian, là nguồn cảm hứng lớn lao đối với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ trong lĩnh vực thiện nguyện.

10 cá nhân đạt giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2018:

1. Anh Hoàng Trung Đức: Cứu sống 9 trường hợp khó khăn tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình), thực hiện dự án "Tủ quần áo nhân đạo" tại BV. 2. Anh Nguyễn Thanh Tuấn: Vận động kinh phí thực hiện 16 cầu bê tông, 1,7km đường bê tông cốt thép, 18 căn nhà nhân ái, 2.360 phần quà, học bổng, xe đạp cho 2.360 em thiếu nhi nghèo. 3. Chị Trương Phúc Hậu: Mang gạo, mì, quà cho bà con nghèo ở huyện Long Điền, Đất Đỏ, Tam Phước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 4. Anh Nguyễn Tất Hùng: Giúp đỡ bà cụ bán vé số có chồng bị bệnh tim. 5. Anh Lê Trung Tuấn: Giúp đỡ ông cụ Quyết bị gãy xương khớp ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 6. Hoàng Trọng Khánh: Giúp đỡ cho em Dương Văn Xung, ở xã Hòa Long, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 7. Bà Phan Thị Phúc: Suốt 20 năm đều đặn lên lớp dạy múa, dạy hát cho các em trong CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội. 8. Chị Dương Thị Sáu: Gần 20 năm nay mở xưởng dạy nghề miễn phí và tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. 9. Ông Lê Thành Đô: Bác sĩ, thương binh mở xưởng sản xuất chân, tay giả miễn phí, giúp những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn thuận tiện hơn trong sinh hoạt, tự tin hòa nhập cộng đồng. 10. Bà Đinh Thị Kim Phấn: Gần 10 năm mở lớp dạy học cho bệnh nhi tại BV Ung bướu, dạy chữ, dạy học môn toán, văn theo chương trình các em đang dang dở.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/me-phuc-129318.html