Mẻ than hồng của bố mẹ nuôi tôi ăn học

Vì chưa có kinh nghiệm nên mẻ than đầu tiên thất bại, than cháy trụi hết, không đạt yêu cầu nên không bán được, mẻ thứ hai thì lại nửa cháy nửa sống rồi lại sập lò. Mãi đến lần thứ ba mới cho ra mẻ than tương đối đẹp, mẹ lai xuống phố bán được mấy chục ngàn.

Năm đó bão đổ bộ vào miền Trung, bão lớn bão nhỏ triền miên khiến cuộc sống sinh hoạt vốn đã vất vả lại càng khốn khó hơn. Cuối tháng 7, khi vừa có kết quả vào lớp 10, lũ chúng tôi khoảng 4, 5 đứa đội mưa gió để đến trường xem điểm.

Nhìn cảnh nhà vườn tiêu điều hoang sơ sau bão lòng tôi chợt chùng xuống, cái nghèo dập tắt ước mơ nhen nhóm nhưng tôi cũng rất háo hức muốn báo tin đã thi đỗ cho bố mẹ mừng vì bố mẹ luôn khuyến khích tôi học để thoát khỏi cảnh nghèo truyền kiếp.

Nhà tôi không có cửa, bốn bức tường bằng đất và mái bằng tranh, nền nhà lỗ chỗ vũng nước, thật khó để kiếm một chỗ lành lặn khô ráo. Cả nhà đã sang bên ngoại trú nhờ vì đài báo đêm nay một trận bão nữa sẽ ập đến và căn nhà tranh của bố mẹ không đủ sức chống đỡ.

Bấy giờ bố đang quấn chiếc chiếu rách ngủ say trong một góc. Tôi ngồi cạnh bố, đầu ngổn ngang bao ý nghĩ. Thức dậy, bố dẫn tôi sang luôn bên ngoại, mọi người đều ở đó và đang cùng nhau chuẩn bị bữa tối, nhà ngoại rộng và kiên cố hơn nên anh em xung quanh thường qua đó trú bão. Tôi đã quen với cảnh tượng này nhiều năm nay, người lớn quây quần nói chuyện, không ai nhắc đến bão lũ nhưng vẻ mặt chứa đầy lo lắng...

Trẻ con thì thích thú trêu đùa nhau chạy khắp nhà. Tôi không nói, cũng không ai hỏi đến chuyện thi cử. Cho đến tận tối hôm sau, bão tan, mẹ con tôi về nhà, dọn dẹp và cùng nhau ăn cơm vui vẻ, lúc ấy tôi mới ngập ngừng nói: “Con đỗ rồi!”. Ba từ tôi thốt lên đủ để cả nhà ngừng lại, mẹ tôi đôi mắt buồn buồn, bố phải xua tan không khí bằng câu động viên: “Ừ, tốt, cố gắng con nhé!”.

Đêm hôm đó tôi khóc đẫm gối vì thương bố mẹ, tôi biết gánh nặng đè lên vai bố mẹ phải nặng thêm, nhưng tôi thèm đi học nên tôi cắn môi để không nói ra ý nghĩ vụt đến trong đầu: “Con không muốn đi học, con sẽ đi làm”. Tất nhiên chẳng bao giờ bố mẹ để cho điều đó xảy đến. Giường bên, mẹ trở mình thao thức.

Còn nhớ hồi đấy phải đóng gần 300 ngàn tiền xây dựng lúc nhập học, các khoản khác nhà trường sẽ thu dần. Số tiền đó quá lớn với gia đình tôi. Bố mẹ bàn nhau vào rừng đốt than bán lấy tiền cho tôi đóng học. Thời đó nhà nước chưa cấp phát cây trồng lấy gỗ như bây giờ nên rừng chỉ toàn cây cối mọc tự nhiên. Bố mẹ hăng say đốn củi, đào lò, giờ nghỉ ngơi ít ỏi, bố thường pha trò, cả nhà cùng cười nói vui vẻ, quên hết mệt mỏi.

Vì chưa có kinh nghiệm nên mẻ than đầu tiên thất bại, than cháy trụi hết, không đạt yêu cầu nên không bán được, mẻ thứ hai thì lại nửa cháy nửa sống rồi lại sập lò. Mãi đến lần thứ ba mới cho ra mẻ than tương đối đẹp, mẹ lai xuống phố bán được mấy chục ngàn.

Suốt một tuần liền, sáng tinh mơ, bố mẹ ra khỏi nhà cho đến tối mịt mới về. Tôi thường mang cơm lên rừng cho bố mẹ vào buổi trưa, tôi cố gắng nấu cơm thật dẻo và ngon dù cơm chỉ có muối vừng ăn kèm. Lần nào đưa cơm cũng làm tôi nghẹn lòng, bố mẹ mặt đầy nhọ, áo đẫm mồ hôi. Cả hai cùng ăn một cách ngon lành, tôi cố giấu những giọt nước mắt xót xa. Những lúc như thế tôi tự nhủ sẽ học thật giỏi để không phụ sự khó nhọc của bố mẹ.

Rồi tôi cũng đủ tiền đóng học và được mua bộ quần áo mới, hai đứa em tôi nhìn chị bằng ánh mắt thán phục và ước ao. Mẹ bảo, các con cố gắng học giỏi thì sẽ có áo đẹp như chị. Tôi cười buồn.

Mẹ và chị tôi bắt đầu đi làm thuê làm mướn, bố cũng được người ta gọi đi làm nhà cửa, bố tôi vốn là một người thợ mộc kiêm thợ xây, với tôi, đó là một người thợ yêu nghề, trách nhiệm và có tình, rất nhiều người được bố giúp mà không đòi hỏi công cán. Tôi học được nhiều đức tính tốt cũng như cách đối nhân xử thế từ bố.

Cứ thế tôi cố gắng, phấn đấu học lên bằng những đồng tiền khó nhọc và sự ưu ái lớn mà bố mẹ dành cho tôi. Việc vào đại học của tôi vì thế cũng trở nên suôn sẻ, khi ấy cả làng cả họ có mỗi tôi đỗ nên mỗi người một ít gom lại để tôi có kinh phí lên Hà Nội học.

Đêm đầu tiên trên thành phố, tôi đã khóc rất nhiều như cái đêm tôi báo tin mình đỗ vào lớp 10. Tôi bắt đầu kiếm việc làm thêm phụ bố mẹ. Ước mơ của tôi, đam mê của tôi đã được ủng hộ vì thế tôi không cho phép mình ngừng phấn đấu.

Giờ tôi đã hoàn thành khóa học và đang tìm cho mình một công việc tốt nhất, tôi đã biết yêu thêm một mảnh đất nhưng ngày đêm vẫn hướng về quê hương, là nơi tôi cần và cần tôi, nơi đó bố tôi vẫn miệt mài làm nên những ngôi nhà kiên cố, mẹ chăm sóc những hạt mầm tốt tươi làm nên những mùa vàng no ấm.

Nguyễn Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/me-than-hong-cua-bo-me-nuoi-toi-an-hoc-post46502.html