Mễ Trì, 'sứ mệnh' giữ làng nghề truyền thống

Hàng trăm năm gìn giữ nghề làm cốm truyền thống của quê hương, làng cốm Mễ Trì (Nam Từ Liêm - Hà Nội) tự tin về chất lượng sản phẩm khi làm ra những hạt cốm thơm, ngọt... Nói như một nghệ nhân trong làng thì 'nghề cốm truyền thống là thương hiệu của ông cha để lại từ xa xưa nên tuyệt đối không có những sản phẩm kém chất ượng'.

Những công đoạn vất vả trong quá trình làm ra mẻ cốm thơm ngon thời công nghiệp hóa.

Nguồn gốc tên làng

Trên vùng đất cổ nơi hợp lưu của hai dòng sông Tô và sông Nhuệ, từ hơn một nghìn năm trước, những lớp dân cư đầu tiên đã có công khai hoang, lập nghiệp, trồng lúa nước và tạo dựng xóm làng kẻ Mẩy.

Sau đó, tên làng được chuyển sang tên Hán - Việt là Anh Sơn. Bấy giờ, Anh Sơn là làng cổ thuộc huyện Từ Liêm, tiêu biểu cho vùng cấy lúa nước, người dân cần cù lao động sáng tạo. Gạo của làng Anh Sơn ngon, dẻo không nơi nào sánh kịp. Khoảng cuối thế kỷ X, dân làng mang gạo tám thơm để tiến vua, vua ăn cơm thấy ngon nên ban cho tên là Mễ Trì, tức là Ao gạo. Từ đó làng Anh Sơn được gọi là làng Mễ Trì.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa và sự tích, huyền thoại phản ánh quá trình phát triển của làng, tinh thần lao động sáng tạo, lòng yêu nước và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, vì độc lập tự do của người dân.

Mễ Trì không chỉ nổi tiếng với gạo tám ngon, làng bún truyền thống mà còn có nghề làm cốm. Có những giai đoạn, nghề làm cốm ở đây thu hút hầu hết lao động của làng. Ngày nay, làm cốm không chỉ là nghề mà còn là cách để người dân trong làng giữ gìn truyền thống cha ông để lại.

Xưa, cốm chỉ làm vào mùa thu (tức là vụ mùa) nhưng ngày nay người dân Mễ Trì làm cốm vụ chiêm rất khéo. Hương cốm mới mùa thu thơm ngào ngạt không chỉ đi vào thơ ca, vào ký ức thẳm sâu của mỗi người Hà Nội mà những hạt cốm dẻo thơm ấy đã trở thành nét văn hóa ẩm thực thanh tao của đất Kinh kỳ xưa và nay.

Cốm, đặc sản của làng Mễ Trì.

Để có một mẻ cốm ngon, người thợ phải thực sự khéo tay và tinh tế. Quá trình làm cốm bắt đầu bằng việc đi thu hoạch hay thu mua lúa non về, ngồi nhặt rồi tuốt ra bằng máy. Sau đó, những hạt lúa cho vào thùng to đãi, bao nhiêu hạt chắc, mẩy thì vớt ra để ráo nước, nhóm lò củi cho vào chảo rang, vê cho giòn vỏ rồi đổ ra nia cho nguội. Bếp lò để rang cốm thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi. Chảo rang cốm thường bằng gang đúc, có như vậy từng hạt cốm khi rang xong không bị cháy, vẫn mềm dẻo và thơm.

Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục cho nóng đều. Thóc rang xong, người làm cốm đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã. Thóc được giã đều và vừa tay khi thấy có trấu thì xúc ra sảy bỏ trấu rồi lại giã tiếp. Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng, trung bình khoảng bảy lần giã là hoàn tất. Để ra được một mẻ cốm 40 - 50kg thì mất cả ngày công, khoảng 7-8 giờ.

Từ làng lên phố

Phường Mễ Trì được thành lập theo Nghị quyết 132 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2014, thuộc quận Nam Từ Liêm. Trên địa bàn phường có nhiều công trình lớn của đất nước và Thủ đô như: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, trụ sở của Bộ Ngoại giao…; là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, nơi tổ chức các đại hội, hội nghị lớn của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội...

Trước đây, Mễ Trì là một xã thuần nông, trải qua quá trình đô thị hóa, diện mạo của phường đang từng ngày thay đổi, do đó định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng kịp thời đổi mới phù hợp với tình hình thực tế. Trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường Mễ Trì nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã định hướng phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại – tiểu thủ công nghiệp – nông nghiệp.

Nhằm duy trì và phát triển nghề làm cốm truyền thống, cùng sát cánh với những hộ dân làm nghề đang giữ gìn “tiếng thơm cốm Mễ Trì”, để những sản phẩm cốm Mễ Trì có vị thế trong lòng người tiêu dùng, đồng thời quảng bá rộng rãi hơn nữa thương hiệu làng nghề cốm Mễ Trì, từng bước đưa Mễ Trì trở thành điểm đến du lịch văn hóa làng nghề của Thủ đô Hà Nội, chính quyền phường đã có nhiều chính sách động viên người dân giữ gìn nghề truyền thống.

Không ngừng lớn mạnh sau nhiều năm tháng, chính quyền phường Mễ Trì luôn mang trong mình sứ mệnh phát triển nghề làm cốm của cha ông đã để lại. Việc đưa sản phẩm cốm “tinh hoa của đất trời” đến được tận tay người tiêu dùng, phát triển thương hiệu “làng nghề cốm” vươn ra thế giới là những điều mà chính quyền phường Mễ Trì đang hướng đến.

Hữu Thắng

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/me-tri-%E2%80%9Csu-menh%E2%80%9D-giu-lang-nghe-truyen-thong-post10533.html