MEI và DDCI vá khoảng trống cải cách

Để 'vá' khoảng trống cải cách còn lại mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã chỉ ra, việc sử dụng bộ chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ (MEI - Ministerial Efficiency Index) và bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, năng lực điều hành ở cấp sở, ngành và quận, huyện trên địa bàn tỉnh (DDCI - Department & District Competitiveness Index) là cần thiết.

Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Trong ảnh: Công đoạn hoàn thiện sản phẩm tại một doanh nghiệp sản xuất nước ép thanh long. Ảnh: TRUNG CHÁNH

Hai nghị quyết của Chính phủ và vai trò của PCI

Phát biểu khai mạc hội thảo “Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và những bài học kinh nghiệm trong quản lý và cải cách” diễn ra tại thành phố Cần Thơ hôm 4-5-2018, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng với sự ra đời của Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đã có thêm công cụ để thúc đẩy cải cách.

“Hai nghị quyết này không giống những nghị quyết trước đây khi nói về chương trình hành động của Chính phủ vì nó đưa ra được những con số định lượng, có địa chỉ chịu trách nhiệm, có thời hạn triển khai”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, với các mục tiêu được nêu trong hai nghị quyết này thì PCI (ra đời trước đó) có ý nghĩa định hướng nội dung cụ thể để thực hiện. “Thật ra muốn phát triển doanh nghiệp thì phải cải thiện môi trường kinh doanh, cho nên, hai nghị quyết này tuy 2 mà 1”, ông Lộc cho biết và nói thêm rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh phải được thực hiện đồng thời từ cấp trung ương - nơi thiết lập thể chế chính sách và cấp địa phương - nơi thực thi thể chế chính sách.

Việc đánh giá năng lực cạnh tranh của các bộ ngành trung ương thông qua bộ chỉ số MEI và năng lực cạnh tranh ở các sở ngành, quận huyện của các tỉnh, thành trong cả nước thông qua bộ chỉ số DDCI sẽ tạo áp lực thúc đẩy cải cách.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết khi các tỉnh nhìn vào những cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh thì không chỉ nhìn những thay đổi so với “chính mình” mà phải nhìn sự thay đổi so với các tỉnh, thành khác. Đây cũng là cách tiếp cận mà Chính phủ đang thực hiện và được đề cập trong Nghị quyết 19. “Trước đây, Việt Nam cho rằng mình vẫn đi tốt, đi nhanh, nhưng nếu nhìn ra khu vực, ra các nước ASEAN, có thể thấy khoảng cách rất lớn”, ông Tuấn dẫn chứng và nói rằng cách tiếp cận trong Nghị quyết 19 của Việt Nam là không chỉ so sánh với trước đây của “chính mình” mà phải đặt mục tiêu so với các nước, mà cụ thể là nhóm ASEAN 4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines).

Những phát hiện và đóng góp của báo cáo PCI được xem là nền tảng giúp các cấp chính quyền hoạch định và điều chỉnh chính sách. Đây là nền tảng của con đường đi đến hiện thực hóa mục tiêu được nêu trong hai nghị quyết nói trên.

Thực tế, theo ông Tuấn, cách đây 5-6 năm, chỉ mười mấy tỉnh, thành tích cực nói về cải thiện môi trường kinh doanh. “Nhưng hiện nay, khắp Việt Nam, đi đâu cũng nghe nói về thu hút đầu tư, đi đâu cũng nghe nói về cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh đây là một sự chuyển động rất nhanh và tích cực, thậm chí còn nhanh hơn ở cấp bộ ngành trung ương.

Câu chuyện “vá” khoảng trống cải cách

Ông Lộc cho biết, chỉ số PCI năm 2017 dù có nhiều cải thiện và về mặt điểm số là tốt nhất từ trước đến nay nhưng ngay cả địa phương tốt nhất thì trong mắt người dân, doanh nghiệp cũng chỉ đạt khoảng 70/100 điểm. Nghĩa là dư địa để cải cách vẫn còn nhiều.

Theo ông Lộc, qua kết quả PCI, có thể thấy rất rõ những lĩnh vực nào cần tiếp tục cải cách, dư địa của nó bao nhiêu.

Một câu hỏi đặt ra là làm sao để đẩy mạnh “vá” khoảng trống cải cách?

Theo ông Lộc, khi nói đến môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, cụm từ “trên nóng, dưới lạnh” được nhiều người nhắc tới, ám chỉ “trung ương nóng, địa phương lạnh”. Thế nhưng, ông cho rằng, lạnh không nằm ở địa phương mà ở những đơn vị thuộc các cấp bộ ngành. “Thể chế đang là điểm nghẽn và Thủ tướng rất quyết liệt, thậm chí các bộ rất quyết liệt, nhưng sự trì trệ đang nằm ở cấp cục, vụ, nơi chịu trách nhiệm chính trong việc đề xuất xây dựng thể chế”, ông Lộc phân tích.

Chính vì vậy, ông Lộc cho biết, VCCI đã có đề án xếp hạng các bộ, ngành trong việc xây dựng thể chế qua bộ chỉ số MEI. “PCI là xếp hạng các địa phương về năng lực cạnh tranh còn MEI là chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh của các bộ ngành trong cải cách thể chế”, ông Lộc giải thích. Sắp tới VCCI sẽ tiếp tục cải thiện bộ chỉ số này và dùng nó để đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thể chế của các bộ ngành. “Nếu các bộ ngành tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế sẽ mở đường thúc đẩy cải cách hành chính ở địa phương, nâng cao năng lực cải cách hành chính ở địa phương theo chỉ số PCI”, ông Lộc phân tích.

Trong khi đó, ở cấp độ chính quyền địa phương, theo ông Đậu Anh Tuấn, kết quả PCI cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao về tính năng động của lãnh đạo các địa phương. Thế nhưng, ở cấp sở, ngành và quận, huyện thì nhiều nơi vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

Vì vậy, VCCI cũng đề ra bộ chỉ số DDCI nhằm đóng góp vào mục tiêu chung là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong phạm vi từng tỉnh và rộng hơn là của Việt Nam so với các nước.

Thực tế, những năm qua, việc đánh giá, xếp loại năng lực cạnh tranh của các sở, ngành và quận, huyện đã được nhiều địa phương triển khai mà điển hình là tỉnh Quảng Ninh - địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2017.

Bà Vũ Kim Chi, Phó trưởng ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, cho biết Quảng Ninh đã khởi động đánh giá DDCI từ năm 2015 và việc này đã giúp thay đổi nhận thức và cách làm của các sở, ngành và huyện, thị xã của tỉnh Quảng Ninh trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo bà Chi, Quảng Ninh triển khai đánh giá DDCI nhằm: thứ nhất, đo lường và nhận diện rõ những mặt đã làm được, những hạn chế cần khắc phục ở từng sở, ban ngành của địa phương; thứ hai, tạo động lực cạnh tranh hướng về phía trước để các sở, ngành địa phương nỗ lực phấn đấu; thứ ba, tạo kênh thông tin phản hồi rộng rãi cho lãnh đạo địa phương đánh giá sở, ngành của mình và cuối cùng là giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có được nhiều kênh nói lên tiếng nói của họ.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/272398/mei-va-ddci-va-khoang-trong-cai-cach.html