Men gan tăng - sát thủ thầm lặng

Bạn Nguyễn Trang My, khu 8, thị trấn Trới, Hoành Bồ, hỏi: 'Bố tôi đi khám, bác sĩ bảo men gan tăng. Qua Báo Quảng Ninh, nhờ bác sĩ tư vấn giúp men gan tăng có nguy hiểm không? Làm thế nào để điều trị dứt điểm? Xin cám ơn!'. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã trao đổi cùng bác sĩ Trần Khanh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để tư vấn giúp bạn.

- Xin bác sĩ cho biết, men gan tăng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

+ Men gan do tế bào gan sản xuất ra. Khi tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa thì một lượng men gan được phóng thích vào máu ở nồng độ dưới 40U/l. Chỉ số này gần như cố định ở người bình thường. Men gan tăng là tế bào gan đang viêm hoặc hoại tử. Đây là dấu hiệu báo động nhiều bệnh lý nghiêm trọng như viêm gan, ung thư gan, viêm đa cơ, viêm túi mật, nhồi máu cơ tim...

Lấy máu xét nghiệm men gan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Gan là cơ quan giải độc của cơ thể, khi gan hư hỏng sẽ làm giảm hoặc không còn khả năng giải độc; lúc đó toàn cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nếu không kiểm soát tốt sẽ tiến triển nặng hơn, thậm chí có thể tử vong.

- Nguyên nhân nào gây tăng men gan, thưa bác sĩ?

+ Có rất nhiều nguyên nhân gây tăng men gan. Tuy nhiên, trên thực tế theo dõi bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho thấy, số người tăng men gan phần nhiều là do viêm gan B, C do vi rút. Tổn thương gan do vi rút rất nguy hiểm vì vi rút khi xâm nhập vào tế bào gan, chúng nhân lên và làm hủy hoại tế bào gan. Tế bào gan bị hủy hoại càng nhiều thì lượng men gan giải phóng ra càng nhiều. Cho nên trong các trường hợp viêm gan cấp tính, viêm gan tối cấp hoặc ung thư gan thì lượng men gan tăng cao một cách đột biến, có khi lên tới trên 5.000U/l.

Ngoài ra, men gan tăng còn có thể do một số bệnh khác, như: Sốt rét, đặc biệt là sốt rét ác tính vì tế bào gan, thận bị tổn thương; các bệnh tắc đường mật do giun, sởi, viêm tụy cấp hoặc mạn tính; do gan nhiễm mỡ, các bệnh do ứ sắt (Thalassemia), viêm gan tự miễn, bệnh lý tự miễn ở ruột non, các bệnh nhiễm khuẩn nặng (nhiễm khuẩn huyết)... Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân phổ biến nữa gây tăng men gan là do sử dụng rượu, bia. Chất độc hại có trong rượu, bia tồn tại trong gan nhiều sẽ làm tế bào gan bị tổn thương nặng hoặc bị hủy hoại khiến men gan tăng cao bất thường. Lượng men gan tăng trong máu người uống rượu tùy thuộc liều lượng rượu vào máu và chất lượng rượu. Do đó, tỷ lệ men gan tăng xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

Một số thuốc (thuốc nam, thuốc tây điển hình là Paracetamol) dùng để điều trị bệnh cũng có thể gây tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của tế bào gan hoặc gây ngộ độc tế bào gan, làm xuất hiện viêm gan cấp tính dẫn đến tăng men gan. Bởi vậy, điều trị bất kỳ bệnh gì cũng cần có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ trong quá trình dùng thuốc.

Cần điều trị các bệnh lý về gan để hạn chế men gan tăng. Trong ảnh: Sử dụng phương pháp thắt nút động mạch gan để điều trị cho bệnh nhân ung thư gan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

- Khi men gan tăng có cần nhập viện điều trị không, thưa bác sĩ?

+ Đi khám, phát hiện thấy men gan tăng cao thì cần phải theo dõi thường xuyên xem số lượng có thay đổi không; làm xét nghiệm tìm nguyên nhân cũng như xem xét vấn đề tăng men gan có ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể hay không.

Khi được xác định nguyên nhân, người bệnh cần tuân thủ chế độ điều trị do bác sĩ chỉ định. Bên cạnh đó cần nghỉ ngơi, không làm việc nặng. Chú ý ăn uống điều độ; ăn kiêng, uống kiêng theo tư vấn của bác sĩ. Không tự động mua các loại thuốc để điều trị mà không có chỉ định của bác sĩ. Bởi thực tế, nhiều trường hợp khi bị men gan tăng đã tự ý uống thuốc nam dẫn đến suy gan... Trong trường hợp men gan tăng cao phải nhập viện dùng thuốc để điều trị. Khi điều trị một số bệnh lý khác thì cần phải báo cho bác sĩ biết mình đang có tình trạng tăng men gan để tránh dùng những thuốc có hại cho gan.

Khi bị men gan cao cần phải kiêng rượu, bia và các đồ uống có cồn, nhất là người đang mắc bệnh về gan hoặc đã từng mắc bệnh sốt rét. Không hút thuốc lá, thuốc lào và các chất kích thích. Không ăn da, mỡ động vật, các loại thức ăn chiên, xào. Nên vận động cơ thể một cách nhẹ nhàng trừ khi đang bị viêm gan cấp tính.

Để phòng bệnh, không nên uống rượu, bia, các chất kích thích; ăn uống đủ chất; ngủ đủ 8 tiếng/ngày.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Thu Nguyệt (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/201811/men-gan-tang-sat-thu-tham-lang-2406928/