Mệnh lệnh từ trái tim người lính

Những ngày mưa lũ lịch sử vừa qua sẽ còn in đậm trong tâm trí nhiều người dân Quảng Trị. Giữa dòng nước xoáy cuồn cuộn như muốn nuốt phăng tất cả, khi sự sống và cái chết của nhiều người dân tưởng chừng chỉ còn trong gang tấc thì lực lượng vũ trang cùng cán bộ địa phương đã không quản hiểm nguy, kịp thời có mặt hỗ trợ. Nếu không có họ, mất mát sẽ còn khó có thể đong đếm được.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị ứng cứu giúp người dân vùng lũ đến nơi an toàn.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị ứng cứu giúp người dân vùng lũ đến nơi an toàn.

Những ngày mưa lũ lịch sử vừa qua sẽ còn in đậm trong tâm trí nhiều người dân Quảng Trị. Giữa dòng nước xoáy cuồn cuộn như muốn nuốt phăng tất cả, khi sự sống và cái chết của nhiều người dân tưởng chừng chỉ còn trong gang tấc thì lực lượng vũ trang cùng cán bộ địa phương đã không quản hiểm nguy, kịp thời có mặt hỗ trợ. Nếu không có họ, mất mát sẽ còn khó có thể đong đếm được.

“Yên tâm, bộ đội đến rồi…”

Đêm 17 và rạng ngày 18-10 là thời khắc có lẽ cho đến nhiều năm sau nữa, người dân tỉnh Quảng Trị khó quên được khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về quá nhanh, không ai trở tay kịp. Mọi người lần lượt leo lên cửa sổ, trèo lên mái nhà, lên nóc nhà để tránh lũ. Thiếu tá Hoàng Ngọc Lương và Tạ Phương Nam thuộc Đội phản ứng nhanh phòng, chống thiên tai của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCH BĐBP) tỉnh Quảng Trị đã ngay trong đêm tối lái ca-nô lao giữa dòng lũ dữ, đến từng điểm nguy hiểm nhất, tìm từng nóc nhà để cứu dân, chở các cụ già, trẻ em về trụ sở BCH BĐBP. Hết chuyến này đến chuyến khác nhưng tiếng kêu cứu của người dân vẫn tràn ngập trên mạng xã hội. Hai anh nhớ lại, trong đêm tối họ đã ước gì có được sức khỏe nhiều hơn nữa, tàu to hơn để mỗi lần có thể cứu được vài chục người dân đưa đến điểm an toàn. Suốt đêm 17 và rạng sáng 18-10, thành viên Đội phản ứng nhanh của BĐBP Quảng Trị đã lái ca-nô đi vào rốn lũ Hải Lăng, Triệu Phong, Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ... để cứu hộ, đưa được hàng nghìn hộ dân đến điểm an toàn.

BCH BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trên hai tuyến biên giới, biển - đảo sử dụng hai phần ba quân số trực tiếp về địa bàn thường trực 24/24 giờ; đồng thời thành lập 69 tổ với 638 cán bộ, chiến sĩ xuống các địa bàn xung yếu để giúp dân phòng, chống mưa lũ và chốt chặn các khu vực nguy hiểm sạt lở đất, các đập tràn, nước ngập sâu và chảy xiết để ngăn chặn người, phương tiện qua lại, tổ chức cán bộ chiến sĩ di dời tài sản của nhân dân tại các vùng trũng, thấp, nơi có nguy cơ sạt lở đến các vị trí an toàn.

Với phương châm không để nhân dân đói, khát và rét, BĐBP tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lực lượng, sử dụng các phương tiện như thuyền, ca-nô để tiếp tế lương thực, nước uống cho người dân ở những vùng bị lũ cô lập. Có nơi do ca-nô không thể tiếp cận nhà dân, cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải bơi qua dòng lũ dữ đưa các hộ gia đình tại vùng ngập lụt nặng đến nơi trú ẩn an toàn; kịp thời cấp, phát hàng nghìn suất quà gồm các nhu yếu phẩm, nước uống… góp phần để giúp bà con vượt qua khó khăn. Nước lũ mênh mông nhưng nơi nào có các chiến sĩ biên phòng, người dân ở đó thấy yên tâm hơn. Trong những ngày mưa lũ, hình ảnh người chiến sĩ biên phòng băng qua mưa gió, vượt lên lũ dữ, luôn có mặt ở những nơi xung yếu, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn được người dân ghi nhận và đánh giá cao.

Chưa hết việc, các anh lại nhận được tin dữ: sạt lở núi vùi lấp 22 chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 ở xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa. Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BCH BĐBP tỉnh Quảng Trị lập tức dẫn 150 cán bộ, quân nhân của lực lượng phản ứng nhanh lên đường, vượt qua nguy hiểm, mưa rét, lở núi, tìm mọi cách để đến sớm nhất tại hiện trường, phối hợp lực lượng tại chỗ tìm kiếm các chiến sĩ. Sau hai ngày 18 và 19-10, BĐBP Quảng Trị đã tham gia cùng các lực lượng hoàn thành việc tìm kiếm 22 thi hài của các chiến sĩ hy sinh, đưa về thành phố tổ chức tang lễ.

Tưởng chừng như được nghỉ ngơi sau chuỗi ngày vất vả thì các anh lại nhận được tin núi sạt lở gây ách tắc giao thông tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây, cô lập các xã Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập của huyện miền núi Hướng Hóa. Đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Tà Ôi sống giữa đại ngàn Trường Sơn vốn bao năm qua đã quen chống chọi với bão lũ; nhưng có lẽ chưa bao giờ họ phải đối diện với cơn thiên tai cuồng nộ như những ngày qua. Lượng mưa lớn kỷ lục hơn 3.000 mm làm nước trên các sông, suối đột ngột dâng cao nhấn chìm và cuốn đi bao nhà cửa, tài sản của người dân nơi đây. Mưa lũ làm lở núi, đất đá đổ xuống chặn hết đường vào các xã. Thương bà con các dân tộc phải sống trong cảnh không giao thông, không thông tin liên lạc, không điện, không có lương thực, không nước sinh hoạt…, hai đồng chí Hồ Văn Nhi, Hồ Văn Thông thuộc Đồn Biên phòng Hướng Phùng cùng đoàn công tác của Công an huyện Hướng Hóa ngay trong ngày 18-10 đã mang theo máy thông tin, cắt rừng, lội suối, mượn đường của nước bạn Lào qua bản Xà Đung, huyện Sê Pôn của tỉnh Savannakhet đi bộ suốt một ngày mới vào được xã Hướng Việt nắm thông tin báo về cho lãnh đạo tỉnh Quảng Trị; xác định địa điểm đỗ cho máy bay lên thẳng quân đội chở hàng vào ứng cứu dân và đưa người bị thương đi bệnh viện.

Hai đồng chí Hồ Văn Nhi và Hồ Văn Thông nhớ lại, khi dân bản thấy bộ đội và công an vào với dân giữa lúc mưa lũ, làng bản bị bao vây, sạt lở, nhà nào nhà đó mừng không kể xiết. Già làng Hồ Văn Liếp ở bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt đi thông báo từng nhà, yên tâm vì có bộ đội và công an đến rồi, dân bản không sợ bị cô lập, chết đói nữa. Nắm tình hình xong, các anh lại cắt rừng, lội suối trở về đơn vị. Rồi một đoàn khác của BĐBP Quảng Trị cùng Công an huyện Hướng Hóa lại tiếp tục cắt rừng, mượn đường nước bạn Lào vào xã Hướng Việt chuyển thi thể của đồng chí Thượng úy Trương Văn Thắng, Công an xã Hướng Việt đi cứu dân bị lũ cuốn trôi ra ngoài để lo hậu sự.

Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BCH BĐBP tỉnh Quảng Trị cho biết, suốt bốn trận lũ lớn trong tháng 10-2020, mỗi ngày có gần một nghìn lượt chiến sĩ về các thôn, bản giúp dân ứng cứu, khắc phục hậu quả. Từ việc tham gia cứu hộ bảy tàu bị chìm do lũ ở Cửa Việt, trong đó có tàu Vietship 01, tìm kiếm cứu nạn 22 chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 hy sinh; cứu dân trong lũ dữ… bất cứ ở đâu, dù nguy hiểm nhưng dân đang cần, BĐBP tỉnh Quảng Trị đều có mặt. Với phương châm phải bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân bằng mọi giá, các anh đã không quản gian khổ, hy sinh, tìm ra nhiều phương cách hiệu quả để giúp dân vượt khó.

Dấu chân người lính

Cùng với việc tham gia cứu hộ, cứu nạn, mỗi ngày Trung đoàn 19 (thuộc Sư đoàn 968 của Quân khu 4) đóng quân tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, còn tập trung lực lượng gần 500 chiến sĩ về khắp các vùng nước lũ vừa rút để giúp dân dọn vét bùn, dựng lại vệ sinh nhà cửa. Trực tiếp giúp nhiều nhà dân sống tại các xã Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Tuyền... của huyện Cam Lộ dọn dẹp nhà cửa, Thượng tá Phan Đức Khang, Trung tá Nguyễn Mạnh Hà, Trung đoàn trưởng và Trung đoàn phó Trung đoàn 19, nhớ lại, nhiều nhà sau lũ, bùn đọng dày hơn một mét. Các chiến sĩ đã canh chừng khi nước lũ vừa xuống ngang bùn liền đưa phương tiện, máy móc vào đẩy bùn ra theo dòng lũ. Nếu không có kinh nghiệm, dọn bùn chậm sau khi nước lũ đã rút thì công sức sẽ tốn gấp đôi. Làm việc suốt ngày đêm, không kể trưa, tối, nhiều lúc quên luôn cả bữa ăn, nhưng các chiến sĩ đều rất hăng hái, nỗ lực, chỉ mong giúp người dân sớm trở lại nhịp sống bình thường. Suốt hơn mười ngày, liên tục 24 chiếc xe quân sự chở chiến sĩ Trung đoàn 19 đi khắp các địa phương bị ngập lũ không chỉ tại tỉnh Quảng Trị, mà còn vào giúp nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả lũ lụt. Bước chân của chiến sĩ Trung đoàn 19 đi đến đâu là làng quê đó được nạo vét gọn gàng bùn đất, rác thải, môi trường được dọn sạch sẽ. Các chiến sĩ không chỉ giúp các hộ dân, còn tham gia dọn vệ sinh các trường học, trạm y tế, đình làng, các cơ sở thờ tự, di tích văn hóa, lịch sử…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (thứ 4, trái sang) động viên lực lượng vũ trang và thầy, cô giáo Trường mầm non, TH và THCS Hướng Việt, huyện Hướng Hóa.

Nói về những đóng góp của lực lượng vũ trang trong và sau cơn lũ lịch sử, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ, dù ở cương vị nào, mỗi người lính thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị đều đến với nhân dân bằng cả trái tim. Cũng chính bởi điều ấy, vượt qua cơn thiên tai lịch sử, trong trái tim của nhiều người dân Quảng Trị đã in dấu đậm nét hình ảnh ấm áp và tin cậy của những người lính Cụ Hồ.

Bài và ảnh: LÂM QUANG HUY - VĂN CẦN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/phong-su-ghi-chep/menh-lenh-tu-trai-tim-nguoi-linh-622700/