Mệnh lệnh từ trái tim

Ngay khi tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế..., Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai các phương án trực tiếp ứng cứu người dân, cảnh giới các cung đường ngập lụt, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ kho tàng, cơ sở giam giữ... Bộ Công an đã có công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 7 và tình hình mưa lũ tại khu vực Trung Bộ. Phát huy tối đa khả năng ứng phó của lực lượng tại chỗ, đồng thời tăng cường các đơn vị trực thuộc Bộ tới khắp các địa bàn bị nạn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Đồng thời, Bộ Công an đã cử Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an vào trực tiếp hiện trường chỉ huy công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đã chia sẻ những mất mát, đau thương, thiệt hại về người và tài sản ở các địa phương. Đồng chí Thứ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng Công an giúp nhân dân trong mưa lũ và yêu cầu các lực lượng trực thuộc Bộ Công an tiếp tục khẩn trương triển khai biện pháp hỗ trợ công tác CNCH, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong mưa lũ; đảm bảo ANTT địa bàn trong và sau lũ. Đồng thời yêu cầu lực lượng Công an tỉnh tích cực hỗ trợ quần chúng nhân dân để sớm phục hồi sản xuất sau mưa lũ và tiếp tục ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn họp khẩn với Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Trọng Bình về phương án cứu nạn cứu hộ.

Trong đợt thiên tai khắc nghiệt này, nhiều địa phương nước ngập sâu trong đêm, mặc dù vậy, không bất kể nước lũ dâng cao hay mưa xối xả, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã trắng đêm di dời đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Công an tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 3.120 cán bộ, chiến sỹ, 75 ca nô, xuồng, 365 xe xuống giúp dân phòng, chống lũ lụt, sơ tán, cứu hộ, cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là tại địa bàn bị ngập nặng: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, thị xã Kỳ Anh… giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Công an Hà Tĩnh đến từng ngôi nhà chìm sâu trong biển nước cứu những người già, trẻ em đến nơi an toàn.

Vượt lũ, trắng đêm, toàn lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh đã dốc sức tổ chức sơ tán 94 xã/14.492 hộ với 43.283 người. Đặc biệt là đến từng ngôi nhà chìm sâu trong biển nước cứu những người già, trẻ em đến nơi an toàn; kịp thời đưa các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, các sản phụ đến ngày “vượt cạn” đến các bệnh viện kịp thời.

Không giấu được niềm vui, niềm hạnh phúc khi sinh con an toàn trong mưa lũ, chị Đặng Thị Thu Hà (trú ở thôn 5, xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên) đã nghẹn ngào trong nước mắt khi được lực lượng Công an vượt lũ đến tận nhà làm “phao cứu sinh” để mẹ tròn, con vuông trong những ngày trời giông bão.

Với quyết tâm bằng mọi giá phải cứu người, di dời người dân bị ngập sâu đến nơi an toàn đã được lực lượng cứu hộ Công an tỉnh và Công an huyện Cẩm Xuyên tiến hành triển khai hết sức khẩn trương, quyết liệt. Tại địa bàn xã Cẩm Duệ, lực lượng Công an đưa hơn 120 người ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi trú ẩn an toàn, trong đó chủ yếu là người già, trẻ nhỏ và phụ nữ.

Ngoài ra, ở các địa bàn khác, Công an tỉnh phối hợp cùng với lực lượng Công an huyện, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện các phương án để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, tránh những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đến thời điểm hiện tại, Cẩm Xuyên đã di dời trên 43 ngàn người dân đến nơi trú ẩn an toàn.

Sau khi vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 và đặc biệt là hung tin về đoàn cứu nạn của Quân khu 4 gồm 13 người, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 và ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế)... tiếp tục gặp nạn trên đường đi cứu nạn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đã đến Phong Điền chỉ đạo lực lượng, phương tiện phối hợp một cách hiệu quả nhất với Quân khu 4 trong việc triển khai phương án tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Thứ trưởng yêu cầu Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục CSGT, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và CNCH, Bộ Công an cùng các đơn vị tăng cường lực lượng phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức tốt công tác tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân. Sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng CNCH Công an tỉnh đã tìm thấy thi thể nạn nhân đầu tiên trong số 17 công nhân gặp nạn tại công trình thủy điện Rào Trăng 3. Ngoài ra, Công an tỉnh cũng đã ứng cứu đưa được 2 chuyên gia người Ấn Độ và 17 người Việt Nam tại thủy điện Rào Trăng 4 ra ngoài an toàn.

Cứu hộ không ngừng nghỉ tại Rào Trăng.

Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong những ngày xảy ra mưa lũ, Công an tỉnh đã huy động 2.400 CBCS; nhiều lượt xe CNCH, 14 cano, 47 ghe máy, 30 lượt xuồng cứu sinh cứu hộ, di dời dân; phối hợp với các đơn vị quân đội và lực lượng địa phương tổ chức sơ tán 6.709 hộ với hơn 19.500 nhân khẩu từ các vùng xung yếu, thấp trũng ven sông, ven suối đến nơi trú ẩn an toàn.

Trên địa bàn vùng cát Quảng Bình, nhiều người cao tuổi khi được lực lượng Công an ứng cứu đưa đến nơi an toàn đã nói: Cả đời họ chưa bao giờ thấy lũ lụt lớn như năm nay. Nhiều nơi nước lũ dâng cao từ 2 đến 4m. Có những ngôi làng bị chia cắt hoàn toàn do mưa lũ. Ngay khi lũ vừa xảy ra, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình đã họp và phân công hàng chục tổ công tác của Công an tỉnh xuống địa bàn, phối hợp với công an huyện, công an xã và các lực lượng khác để giúp dân. Hơn 100.000 nhà dân bị ngập sâu trong nước lũ.

Thượng tá Lê Văn Hóa – Trưởng Công an thị xã Ba Đồn, Quảng Bình bế cháu bé bị gãy tay khi vừa được giải cứu từ vùng lũ đi cấp cứu. (Ảnh: Nguyễn Chiến).

Lực lượng Công an Quảng Bình bám trụ nơi tâm lũ để giúp dân. “Vì nhân dân quên mình” - mệnh lệnh từ trái tim đang được nhiều CBCS vùng lũ thực hiện. Trong mưa lũ, hình ảnh người chiến sĩ công an nỗ lực giúp dân tỏa sáng hơn bao giờ hết. Đó là hình ảnh người dân rưng rưng xúc động khi nhận lương thực, khi những cụ già, em nhỏ được cõng trên lưng đến nơi an toàn, là khi người dân mắc bệnh hiểm nghèo được cứu nạn kịp thời.

Có hàng chục người dân bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, sinh nở... ở vùng tâm lũ huyện Lệ Thủy và huyện Minh Hóa đã được công an các địa phương đưa đến bệnh viện an toàn. Công an tỉnh Quảng Bình đã ứng cứu đưa đến nơi an toàn hơn 10 ngàn người, vận chuyển hàng ngàn thùng mỳ tôm, nước lọc, lương khô, thuốc men... đến ủng hộ, giúp đỡ người dân.

Nhiều việc làm của CBCS Công an Quảng Bình trở thành điểm tựa cho bà con chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Trong mưa lũ, người dân vùng cát Quảng Bình vẫn không ngớt lời khen ngợi dành tặng cho lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là những CBCS bất chấp hiểm nguy vượt nước lũ chảy xiết giữa đêm khuya để cứu xe khách bị lũ cuốn trôi cùng gần 20 hành khách. Nhiều hành khách được cứu sống đã ôm chầm lấy CBCS Công an cứu mình để cảm ơn. Còn người dân chứng kiến vụ giải cứu xe trôi đã vỡ òa trong hạnh phúc.

CBCS bất chấp hiểm nguy vượt nước lũ chảy xiết giữa đêm khuya để cứu xe khách bị lũ cuốn trôi cùng gần 20 hành khách.

Tại tỉnh Quảng Trị, nhiều nơi vượt báo động 3 và vượt đỉnh lũ lịch sử. Ngoại trừ huyện đảo Cồn Cỏ, tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có tới 118/125 xã, phường, thị trấn bị ngập lụt và lũ quét tàn phá nặng nề. Hơn 60 xã, phường bị ngập sâu trên 3m, nhiều nơi gần 4m. Khoảng gần 44.000 hộ dân với trên 134.000 nhân khẩu bị thiệt hại nặng về tài sản. Nhiều nơi ở các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông; các vùng trung du, miền núi phía Tây của các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, do mưa lũ dài ngày đã gây ra sụt lún, sạt lở đất, đá sườn núi rất nghiêm trọng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn động viên gia đình Đại úy Trương Văn Thắng.

Một lần nữa, người dân lại ngậm ngùi đau thương khi biết tin 22 CBCS của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu IV hi sinh vào khuya 18/10 tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Đại úy Trương Văn Thắng (sinh năm 1989, Công an xã biên giới Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) hi sinh trong lúc đi tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại địa bàn thôn Tà Rùng, Ta Kiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa. Công an tỉnh Quảng Trị và công an các đơn vị địa phương trong tỉnh đã huy động gần 2.000 CBCS, hơn 470 cano và xe cơ giới, tổ chức hơn 1.000 lượt CNCH người dân trong 4 đợt ngập lụt, lũ quét, sạt lở núi liên tiếp.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đã tới vùng lũ Quảng Trị chỉ đạo các đơn vị công an tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách ứng cứu người dân, khắc phục hậu quả của mưa lũ. Đồng chí Thứ trưởng đã thăm hỏi, động viên, chia buồn với gia đình Đại úy Trương Văn Thắng, đồng thời chỉ đạo công tác cứu nạn, tìm phương án đưa thi thể đồng chí Thắng trở về. Để đến được khu vực mà Đại úy Thắng hi sinh, các CBCS công an và người dân địa phương phải lội bộ xẻ rừng từ điểm Hướng Phùng, vòng qua sát biên giới Lào rồi men theo bờ sông Sê Băng Hiêng đi đến chân núi Tà Rùng, từ đây tiếp tục băng suối, leo ngược lên núi Tà Rùng đến Hướng Việt.

Vượt lũ đưa Đại úy Trương Văn Thắng trở về.

Trước thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ, nhiều đơn vị trong lực lượng Công an đã đóng góp tiền lương ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung. Hưởng ứng lời kêu gọi của Báo CAND, nhiều cá nhân, tập thể đã đóng góp nhiều tỉ đồng và hàng hóa giúp đỡ đồng bào miền Trung. Thông qua Báo CAND, Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest và Công ty CP Đầu tư An Vân Dương đã ủng hộ đồng bào vùng lũ tỉnh Thừa Thiên-Huế số tiền và quà tổng trị giá 1,02 tỉ đồng...

Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND cùng ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest trao quà cho người dân xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế).

Đoàn công tác xã hội - từ thiện Báo CAND do Đại tá Phạm Quang Khải, Tổng Biên tập Báo CAND dẫn đầu đã vào vùng lũ tỉnh Thừa Thiên-Huế, mang theo số tiền và quà của Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest gửi tới đồng bào vùng lũ gặp nạn; đoàn đã đến Quảng Trị thăm hỏi, chia buồn với gia đình Đại úy Trương Văn Thắng và trao tặng số tiền 50 triệu đồng, trong đó có 30 triệu của nghệ sĩ cải lương Võ Ngọc Quyền góp phần chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình đồng chí.

Chiều 28 và ngày 29/10, Đại diện Báo Công an nhân dân (Báo CAND) do Đại tá Trần Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Phó tổng Biên tập Báo CAND làm trưởng đoàn cùng đại diện cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần đầu tư quốc tế NCT3 (Công ty NCT3) tiếp tục đến các vùng bị thiệt hại nặng nề do bão lũ ở các xã Gio Mai, Gio Quang, Gio Hải, Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn và thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị để trao hỗ trợ người dân 500 phần quà.

Ngay khi đang lũ lụt xảy ra, Cục Truyền thông CAND, Bộ Công an và Báo CAND đã phát động cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị hỗ trợ, quên góp tiền, hàng, làm cầu nối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… để hướng về vùng bão lũ miền Trung.

PV (tổng hợp) - Trình bày: Linh Chi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/emagazine/menh-lenh-tu-trai-tim-nguoi-linh-617797/