Mẹo chữa đau đầu ti khi cho con bú nhanh và đơn giản nhất

Đau đầu ti hay đau núm vú, đau nhũ hoa khi cho con bú là hiện tượng nhiều mẹ sau sinh mắc phải. Nếu bạn đang khổ sở vì những cơn đau núm vú này, hãy tham khảo cách dưới đây.

Đau đầu ti khi cho con bú có nguy hiểm không?

Đau núm vú là một trong những hiện tượng nhiều bà mẹ sau sinh gặp phải trong lần đầu cho con bú. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều chị em ngừng cho con ti từ sớm.

Theo các chuyên gia, phần lớn, tình trạng này sẽ không kéo dài mà chỉ gặp ở một vài tuần đầu. Và sau đó, vú của mẹ sẽ nhanh chóng thích nghi, chịu đựng tốt hơn.

Đau đầu ti khi cho con bú là hiện tượng thường gặp ở những bà mẹ lần đầu cho con bú. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên trong một số trường hợp, các sai sót kỹ thuật – ví dụ ngậm bắt vú không đúng cách – sẽ gây tổn thương núm vú, còn bé thì không thể bú cạn bầu sữa. Kết quả là vú bị cương, ống dẫn sữa bị tắc và nhiễm trùng xuất hiện.

Do đó, mẹ tuyệt đối không chủ quan khi có những dấu hiệu bất thường xảy ra.

Vậy, bị đau đầu ti khi cho con bú do đâu?

Bị đau nhũ hoa khi cho con bú có thể do những nguyên nhâu sau:

- Tư thế cho con bú không chính xác

Trong vài ngày hay vài tuần đầu sau khi sinh, cho bé bú sai tư thế dẫn đến việc bé không ngậm hết đầu ngực, khiến mẹ cảm thấy đau tức.

Trong trường hợp này, nếu quan sát thấy đầu ngực có hình dạng như thỏi son hoặc có biểu hiện lạ, đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn tư thế đúng khi cho bé bú.

- Bị tổn thương do lạm dụng máy hút sữa

Hút sữa bằng máy không đúng cách cũng có thể làm ti mẹ bị đau. Nhiều bà mẹ chọn miếng chụp của máy hút sữa quá nhỏ so với đầu ngực hoặc chỉnh tốc độ máy quá cao. Tốt nhất, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

- Nhiễm nấm

Một số trường hợp mẹ bị lây nấm tưa miệng khi bé mắc phải chứng này làm ti đau nhức. Ngực mẹ có dấu hiệu ngứa, đỏ, đầu ngực bị đau trong hoặc sau khi cho bé bú. Nếu các triệu chứng không cải thiện sau vài ngày, rất có khả năng mẹ bị bệnh chàm.

- Bé bị dính thắng lưỡi

Đây là tình trạng thắng lưỡi của bé ngắn và làm hạn chế cử động bình thường của đầu lưỡi. Điều này có thể gây nên một số vấn đề khi bé bú mẹ.

Tuy nhiên, chỉ cần tiểu phẫu là bé sẽ không sao. Các bác sĩ có thể sẽ khám lưỡi của bé để biết có phải núm vú mẹ bị đau là do bé bị dính thắng lưỡi hay không.

Dính thắng lưỡi là một tình trạng mà đầu lưỡi không thể đưa ra ngoài răng cửa hàm dưới do phanh lưỡi ngắn. (Ảnh minh họa)

- Mụn sữa

Khi một lớp da mỏng phát triển quá mức trong tuyến sữa gây nên tình trạng tắc nghẽn ống dẫn sữa, ti mẹ sẽ bị nổi mụn màu trắng hoặc vàng và có cảm giác đau. Đến bác sĩ da liễu để điều trị mụn.

Đầu ngực bị phồng rộp. Ti mẹ xuất hiện vết rộp trong suốt màu vàng, đôi khi ửng máu khiến mẹ đau đớn suốt quá trình cho con bú.

Thông thường, nguyên nhân chính là do bé ngậm ti sai cách hay mẹ dùng máy hút sữa có cường độ cao.

Ngoài ra, lý do ít phổ biến hơn là mẹ bị viêm da tiếp xúc do phản ứng với thuốc mỡ hoặc kem thoa trên đầu ti.

Nếu ti mẹ trông nhợt nhạt và đau khi cho bé bú xong nhưng trở lại màu sắc bình thường sau đó thì có thể do co thắt mạch máu bên trong ti hay mẹ mắc bệnh Reynaud. Mẹ nên khám bác sĩ để biết cách cho con bú an toàn.

Đau đầu ti khi cho con bú phải làm sao?

- Hãy bắt đầu bắt đầu cho bé bú bên vú không bị tổn thương.

- Chọn tư thế cho con bú đúng cách, khuyến khích bé há miệng rộng khi ngậm bắt vú. Nếu bé chỉ mút núm vú, hãy nhẹ nhàng ngắt quãng cữ bú bằng cách đặt một ngón tay sạch vào góc miệng của bé hoặc ấn vào cằm và cho bé ngậm vú lại.

Tìm cách thay đổi tư thế mỗi lần cho con bú để dàn trải áp lực lên những phần khác nhau của bầu vú.

- Trường hợp thường xuyên bị bé cắn, mẹ cần điều chỉnh tư thế bế sao cho miệng con mở rộng trong khi bú, như vậy bé sẽ khó cắn hơn.

Mỗi khi bé cắn mẹ, hãy đặt ngón tay vào giữa núm vú và miệng bé và nghiêm giọng nói “Không được!”. Ngừng cữ bú và đặt bé nằm xuống giường. Bé sẽ hiểu là không nên cắn mẹ.

- Cho bé bú thường xuyên hơn để tránh những lần bé bú quá mạnh.

- Hong khô núm vú trong không khí sau mỗi cữ bú và giữ cho núm vú khô ráo.

- Không dùng xà phòng mạnh để làm vệ sinh bầu vú.

- Sau khi cho bé bú, hãy vắt vài giọt sữa và dùng tay sạch nhẹ nhàng xoa lên núm vú. Sữa mẹ vừa làm dịu cơn đau nhũ hoa vừa làm giảm nguy cơ nhiễm trùng (không áp dụng biện pháp này nếu mẹ bị nấm núm vú).

- Nếu núm vú bị nứt hay trầy da chảy máu, mẹ có thể bôi thuốc mỡ chứa 100% lanolin (mỡ lông cừu) ví dụ Lansinoh HPA Lanolin, Pureland… rồi dùng miếng lót thấm sữa không dính phủ lên trên.

Làm vậy giúp phòng ngừa nhiễm trùng núm vú và giữ cho phần bị tổn thương khỏi bị dính vào áo ngực. Cần đi khám bác sĩ nếu bạn nghĩ núm vú bị nhiễm trùng.

- Chườm mát hoặc chườm nóng nếu chườm giúp bạn cảm thấy dễ chịu. Không được chườm đá.

- Nếu đau nhiều, mẹ có thể dùng thuốc giảm đau paracetamol hoặc ibuprofen trước khi cho con bú.

- Can thiệp sớm nếu bé có dị tật phanh lưỡi.

Lưu ý: Khi bạn thấy đầu ti vẫn đau và không thể cho con bú trong thời gian dài hoặc có dấu hiệu trầm trọng như: Bầu vú bị viêm, ngực bị đau, sưng, đỏ tấy hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Linh Hà (T

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/meo-chua-dau-dau-ti-khi-cho-con-bu-nhanh-va-don-gian-nhat-d11862.html