Mèo con và cái Tết của niềm vui trưởng thành

Từ một con mèo con nhút nhát, ban đầu còn run bần bật khi nhìn thấy chuột cống, Miu đã chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân để đánh bại chuột cống gian ác.

Đánh bại chuột cống gian ác là chiến công lớn trong đời mèo con. Ảnh: Y.T.

Viết cho thiếu nhi là một cuộc dạo chơi đầy bất ngờ của một tài năng lớn như Nguyễn Đình Thi. Trong suốt sự nghiệp sáng tác phong phú và đồ sộ của mình, ông chỉ viết duy nhất một tác phẩm dành cho bạn đọc nhỏ tuổi, đó là truyện đồng thoại Cái Tết của mèo con.

Món quà Tết sum vầy

Hơn 60 năm qua, câu chuyện ý nghĩa về cái Tết đầu tiên của mèo Miu cùng chiến công đánh bại Chuột Cống, vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc ở nhiều thế hệ. Tác phẩm này không chỉ là sáng tác để đời của một tác giả nổi tiếng. Đặc biệt hơn, nó còn là món quà của người cha dành tặng hai đứa con thơ trong cái Tết đoàn viên hiếm hoi của một thời bom đạn.

Do hoàn cảnh không cho phép, Nguyễn Đình Thi thường phải xa hai con thơ. Ông sống tại Hà Nội để tiện công tác, còn cậu con trai Đình Chính và cô con gái Thùy Như chuyển về Hải Phòng sống cùng bà nội. Đến đầu năm 1961, nhà văn Nguyễn Đình Thi mới có cơ hội về đất cảng đón Tết cùng các con. Trong những năm tháng chiến tranh, có được một cái Tết bên mẹ già và hai con với ông là một món quà vô giá.

Khi ấy, gia đình nhà văn có nuôi một con mèo tam thể. Nhìn cô con gái Thùy Như quấn quýt chơi với chú mèo, nhà văn nảy ra ý tưởng viết một câu chuyện thiếu nhi, với nhân vật trung tâm là một con mèo. Cái Tết của mèo con được ra đời từ mùa xuân sum vầy ấy.

Nguyễn Đình Thi hoàn thành tác phẩm này chỉ trong vài ngày ngắn ngủi. Khi đọc nó cho hai con nghe, nhìn thấy ánh mắt thích thú của chúng, nhà văn cảm thấy rất hạnh phúc. Bởi với ông, truyện đồng thoại này là một sáng tác rất đặc biệt. Nó không chỉ được viết từ sự nhạy cảm của một nghệ sĩ, mà trong câu chuyện dí dỏm này còn chứa đựng tình yêu thương và nỗi nhớ của người cha dành cho hai đứa con.

Bài học về lòng can đảm và sự trưởng thành

Chú mèo Miu, nhân vật chính của tác phẩm Cái Tết của mèo con ban đầu là một chú mèo nhút nhát. Vừa dứt sữa mẹ, anh bạn nhỏ đã bị mang ra chợ bán, vô tình được bà nội Bống mua về. Ra khỏi cái thúng của bà, mèo con rất sợ hãi. Trước mắt nó là căn bếp xa lạ, đã thế mèo con lại còn bị nhốt, chẳng được tự do nô đùa. Kêu mệt quá, nó ngủ thiếp đi, nhưng điều đáng sợ nhất còn đang ở phía trước.

Từ khi bước chân vào gian bếp nhà bé Bống, mèo con đã được bác Nồi Đồng và chị Chổi cảnh báo về sự nguy hiểm của lũ chuột cống. Ban đầu anh bạn ngây thơ này còn ngơ ngác không hiểu gì, chưa ý thức được những nguy hiểm đang đợi mình phía trước. Đến khi đêm xuống, nhìn đàn chuột hung hăng, dẫn đầu là tên Chuột Cống hống hách đột nhập căn bếp, mèo con mới biết tên chuột gian ác béo núc ních kia nguy hiểm tới chừng nào.

Ấn phẩm Cái Tết của mèo con với phần minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Căn bếp đang yên lành, bị chúng phá tơi bời trong chốc lát. Lũ chuột leo lên chạn, lật cái vung của bác nồi đồng, nhay nát người chị Chổi. Dù là nhân vật kỳ cựu trong căn bếp nhỏ, nhưng bác Nồi Đồng và chị Chổi chỉ biết van xin mong chúng tha cho.

Mèo con vừa phản kháng, đã bị Chuột Cống nạt nộ. Nhìn thân hình to lớn, hôi hám của tên chuột đầu đàn gian ác, mèo con biết mình không phải là đối thủ của chúng, anh bạn nhỏ đành bất lực đứng nhìn lũ chuột phá tanh bành trong bếp.

Sáng sớm, bà nội Bống thấy chuột vào bếp làm loạn, bèn mắng cho Miu một trận. Chú mèo con biết lỗi nên chẳng dám thanh minh, chỉ kêu lên vài tiếng yếu ớt trong bất lực.

Vậy điều gì đã khiến Miu từ một chú mèo nhút nhát trở nên can đảm, dám một mình đối mặt với Chuột Cống? Có lẽ, mọi thứ thay đôi từ sau cuộc gặp gỡ giữa mèo con và cụ Cóc. Cụ Cóc đã nói với Miu rằng, chỉ cần mình làm đúng thì chẳng cần sợ ai, điều tốt đẹp sẽ chiến thắng cái xấu và cái ác, chứ đâu phải kẻ yếu phải khuất phục trước kẻ mạnh.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã gửi gắm những bài học rất bổ ích về giáo dục cho các bậc cha mẹ qua chi tiết giàu ý nghĩa này. Để con trẻ thêm can đảm, bạo dạn và tự tin, chúng cần nhận được sự khích lệ, cổ vũ từ người lớn.

Sau cuộc gặp gỡ với cụ Cóc, mèo Miu đã tự tin hơn. Nhưng chiến công giúp gà mái bảo vệ ổ trứng mới thực sự là bước ngoặt thay đổi chú mèo con nhút nhát thuở nào.

Nghe thấy tiếng kêu của gà mẹ, mèo con không quản nguy hiểm, nhảy vào bảo vệ ổ trứng đang ấp dở. Nhờ có sự gan dạ của mèo con, ổ trứng của gà mái mới được an toàn. Ai cũng khen Miu dũng cảm, còn bé mà dám đánh nhau với rắn hổ mang. Từ đây, mèo con đã trưởng thành, không còn là chú bé nhút nhát khi mới về nhà nữa.

Cuối cùng, đêm định mệnh đã tới, Chuột Cống lại kéo lũ thuộc hạ đến phá bếp. Tên Chuột Cống đó vẫn giữ vẻ hống hách khi xưa, hắn coi thường mèo con, nhưng đâu biết rằng giờ đây mèo Miu khi xưa đã trưởng thành và mang trong mình một trái tim quả cảm, dám đương đầu với cái ác. Sau một trận chiến khốc liệt, mèo con đã đánh bại Chuột Cống, mang bình yên về cho căn bếp nhỏ những ngày giáp Tết.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã mang đến cho bạn đọc nhí một tác phẩm đồng thoại dí dỏm, hồn nhiên và giàu tính nhân văn. Ông là người có tài kể chuyện, lời văn giản dị, ngộ nghĩnh của tác giả đã hấp dẫn người đọc ngay từ những dòng đầu tiên. Không chỉ dừng lại ở đó, các nhân vật trong tác phẩm còn được Nguyễn Đình Thi xây dựng rất tài tình, khéo léo với những nét tính cách rất đặc trưng, dù cho đó chỉ là một nhân vật phụ, xuất hiện vài dòng trong tác phẩm.

Ngoài mèo Miu, bé Bống, hay Chuột Cống gian ác, bạn đọc nhỏ tuổi còn ấn tượng với bác Nồi Đồng cởi mở, chị Chổi vui tính, cụ Cóc từng trải, Gián Đất hiền lành… mỗi nhân vật đều được nhà văn xây dựng chỉn chu, tạo nên sự sinh động cho câu chuyện.

Tác phẩm còn tái hiện lại khung cảnh quen thuộc của làng quê Bắc bộ trước kia với nhà ngói ba gian, sân gạch, giàn mướp, cây cau cao vút trong vườn… Những hình ảnh ấy ngày nay đã trở nên hiếm hoi.

Cái Tết của mèo con là một bài học quý về lòng dũng cảm. Trưởng thành không chỉ là cao lớn về tầm vóc mà còn phải can trường từ trong tâm. Nhân vật mèo con trong tác phẩm đại điện cho sự can đảm, dám đương đầu với thử thách. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã thật tinh tế khi đặt bối cảnh của tác phẩm vào những ngày giáp Tết.

Tết đến, con trẻ đều thêm một tuổi, ngoài việc cao lớn hơn về tầm vóc, các em luôn cần những thay đổi tích cực trong suy nghĩ, đó mới là trưởng thành thực sự. Chính sự tự tin và lòng can đảm sẽ giúp con trẻ đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Ai rồi cũng sẽ giống như mèo con, trưởng thành và rời xa vòng tay cha mẹ, nếu cứ sợ hãi và thu mình lại, chúng ta đâu dám khám phá bao điều mới lạ của cuộc sống, để tìm được hạnh phúc cho riêng mình.

Nguồn Znews: https://znews.vn/meo-con-va-cai-tet-cua-niem-vui-truong-thanh-post1458462.html