Mẹo giảm say xe cho trẻ nhỏ

Khi bị say xe, trẻ thường cảm thấy bồn chồn, đổ mồ hôi lạnh, đau bụng, mệt mỏi, chán ăn hoặc nôn mửa.

 Say xe là vấn đề thường gặp ở trẻ 2-12 tuổi. Ảnh: Raisingchildrennetwork.

Say xe là vấn đề thường gặp ở trẻ 2-12 tuổi. Ảnh: Raisingchildrennetwork.

Say tàu xe là phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Nhưng những gì gây ra nó chỉ được hiểu một phần. Các chuyên gia cũng chưa rõ tại sao một số trẻ em bị say xe nhưng nhiều trẻ khác thì không. Vấn đề này dường như không ảnh hưởng hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nhưng trẻ em từ 2 đến 12 tuổi đặc biệt dễ bị say xe.

Nguyên nhân gây say tàu xe ở trẻ?

Theo Mayo Clinic, say tàu xe xảy ra khi não nhận được thông tin mâu thuẫn từ tai trong, mắt và dây thần kinh ở khớp và cơ. Bạn có thể tưởng tượng một đứa trẻ ngồi thấp ở ghế sau ôtô mà không thể nhìn ra ngoài cửa sổ - hoặc một đứa trẻ lớn hơn đang đọc sách trong ôtô.

Thông thường, mắt, tai và khớp đều gửi tín hiệu đến não. Và những tín hiệu này đều giống nhau. Nếu bạn đang di chuyển trên ôtô, hầu hết bộ phận cơ thể đều nói với bộ não: "Chúng ta đang tiến về phía trước". Nhưng bộ não của một đứa trẻ sẽ nhận được những thông điệp khác nếu đứa trẻ ngồi quá thấp để có thể nhìn xuyên qua cửa sổ đến đường chân trời. Hoặc nếu đứa trẻ đang nhìn xuống và đọc cùng một lúc.

Trong khi đó, bộ phận kiểm soát thăng bằng và chuyển động của tai nói: "Chúng ta đang di chuyển". Nhưng thông điệp từ đôi mắt nói rằng: "Chúng ta đang ngồi yên và nhìn vào một cuốn sách". Điều này dẫn đến sự không phù hợp về cảm giác khiến não bộ bị quá tải và bối rối.

Kết quả có thể là trẻ bị đau bụng, mệt mỏi, chán ăn hoặc nôn mửa. Ngoài ra, trẻ có thể gặp phải các dấu hiệu say xe khác bao gồm:

Trở nên xấu tính.
Ngáp thường xuyên.
Đổ mồ hôi và nhợt nhạt.
Bồn chồn.

Việc xem điện thoại, đọc sách trên ôtô có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị chóng mặt, say xe. Ảnh: Motioneaze.

Cách giúp trẻ ngừa say xe

Để ngăn ngừa say xe ở trẻ em, bạn có thể thử các biện pháp sau:

- Giảm sử dụng màn hình: Khuyến khích con bạn nhìn vào những thứ bên ngoài xe hơn là tập trung vào sách, trò chơi hoặc màn hình. Nếu trẻ thường ngủ trưa, việc di chuyển trong thời gian ngủ trưa có thể hữu ích.

- Lên kế hoạch cẩn thận cho các bữa ăn trước chuyến đi: Đừng cho con ăn một bữa lớn, tránh dầu mỡ và thức ăn cay ngay trước hoặc trong khi di chuyển bằng ôtô. Nếu chuyến đi dài hoặc con bạn cần ăn, hãy cho trẻ ăn nhẹ, nhạt - chẳng hạn bánh quy khô và ít nước - trước khi đến giờ đi.

- Thông gió trên xe: Thông gió đầy đủ có thể giúp ngăn ngừa say xe. Cố gắng sử dụng đồ che chắn gắn vào cửa sổ xe để tránh ánh nắng chiếu vào mắt trẻ.

- Giữ xe ở nhiệt độ hợp lý: Quá nóng hoặc quá lạnh có thể khiến trẻ bị mệt mỏi, say xe.

- Làm trẻ phân tâm: Nếu con bạn dễ bị say xe, hãy thử đánh lạc hướng trẻ trong các chuyến đi bằng cách nói chuyện, nghe nhạc hoặc hát các bài hát.

- Cho trẻ ngồi cao hơn: Nâng cao con bạn lên bằng ghế an toàn dành cho trẻ em để trẻ có thể nhìn thấy đường chân trời qua kính chắn gió.

- Sử dụng thuốc: Nếu bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến đi bằng ôtô, hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc kháng histamine không kê đơn, chẳng hạn dimenhydrinate hoặc diphenhydramine, để ngăn ngừa say xe cho trẻ.

Cả hai loại thuốc đều hoạt động tốt nhất nếu được dùng khoảng một giờ trước khi đi du lịch. Đọc kỹ nhãn sản phẩm để xác định liều lượng chính xác và chuẩn bị cho các tác dụng phụ có thể xảy ra, chẳng hạn buồn ngủ. Thuốc kháng histamine chống buồn ngủ dường như không có hiệu quả trong việc điều trị chứng say tàu xe.

Nếu con bạn bắt đầu bị say xe, hãy dừng xe càng sớm càng tốt và để trẻ xuống xe đi lại hoặc nằm ngửa, nhắm mắt trong vài phút. Đặt một miếng vải mát lên trán của con cũng có thể hữu ích.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/meo-giam-say-xe-cho-tre-nho-post1430843.html