Mẹo giúp phân biệt đá làm từ nước máy và nước đun sôi để nguội

Thông thường đá làm từ nước cất hoặc nước đun sôi thường trong hơn đá làm từ nước máy.

Theo Scienceabc, độ trong của đá viên được quyết định bởi nguồn nước và nhiệt độ của nước khi làm đá. Thông thường đá viên làm từ nước cất hoặc nước đun sôi thường trong hơn đá làm từ nước máy.

Chúng ta có thể tìm hiểu kỹ hơn thông qua một số đặc điểm sau:

Màu sắc và độ trong của viên đá

Đá được làm từ nước chưa đun sôi thường có màu trắng đục là do chúng có chứa nhiều tạp chất.

Khi nước bị đông thành đá, các tạp chất vốn phân bố đều trong nước sẽ tập trung lại và tạo thành khối màu trắng đục ở bên trong đá. Nhiều tạp chất khác nhau cũng tạo ra mùi vị đặc trưng của nước.

Đá làm từ nước máy (bên trái) sẽ kém trong hơn đá làm từ nước đun sôi để nguội (bên phải). Ảnh: Memphis Ice Machine Company

Mặc dù các tạp chất ở đây không phải lúc nào cũng có nghĩa là vi trùng, vi khuẩn. Bất cứ thứ gì không phải nước, hiện diện ở trong nước đều có thể coi là tạp chất.

Các tạp chất phổ biến nhất được tìm thấy trong nước máy như vôi, canxi, florua, nitrat, megie hay một số nguyên tố hữu cơ khác, không thể loại bỏ được bằng các phương pháp lọc thông thường.

Với các viên đá được làm từ nước cất có xu hướng trong hơn, vì nước cất (hoặc thậm chí nước đun sôi) không có nhiều tạp chất như nước máy. Chính vì thế, đá được làm từ nước cất thường sẽ rất trong.

Tương tự đá được làm từ nước đun sôi khi đông cứng, chúng cũng sẽ có màu sắc rõ ràng, thường trong suốt và ít đục trắng. Nguyên nhân là do khi nước được đun sôi, sẽ loại bỏ được các bọt khói và một số tạp chất.

Nếu muốn đá trong veo hơn, bạn có thể thử cách đun đun sôi nước hai lần, để nhận được thành phẩm là những viên đá trong veo, không vẩn đục.

Độ hòa tan

Ngoài việc dựa vào màu sắc và độ trong của viên đá, chúng ta có thể phân biệt đá làm từ nước đun sôi và chưa đun sôi bằng độ hòa tan của nó.

Thông thường, đá làm từ nước chưa đun sôi sẽ chứa nhiều tạp chất nên cấu trúc liên kết lỏng lẻo. Chính vì điều này mà chúng sẽ nhanh tan, và khi tan hết nước sẽ xuất hiện cặn và vẩn đục dưới đáy ly.

Ngược lại, đá làm từ nước đun sôi do đã được loại bỏ bọt khí và các tạp chất nên cấu trúc chắc chắn hơn, giữ lạnh lâu hơn, dẫn tới khó tan hơn. Khi đá tan hết, bạn sẽ thấy nước trong như nước khoáng.

Độ trong của đá phụ thuộc vào nhiệt độ làm lạnh

Dù vậy, theo Scienceabc, hai cách trên không phải lúc nào cũng đúng hoàn toàn. Vẫn có trường hợp ngay cả khi bạn sử dụng nước đun sôi để nguội hay nước sạch đóng chai thì đá làm ra vẫn có màu trắng đục chứ không trong suốt. Nguyên nhân là do nhiệt độ tủ làm lạnh.

Hãy thử quan sát, khi bạn làm lạnh nước đá trong tủ lạnh thông thường, chúng nguội đi nhanh chóng, khi đó các bong bóng khí nhỏ sẽ được hình thành và bị mắc kẹt trong cấu trúc tinh thể, rồi đẩy dồn về phía trung tâm của viên đá. Đó là lý do khi đông lạnh ở giữa viên đá sẽ có màu trắng đục.

Giữa viên đá có màu trắng đục, dù đá được làm bằng nước đóng chai. Ảnh: HẠ QUYÊN

Để làm ra những viên đá trong suốt, hiện nay các nhà máy sản xuất nước đá chuyên nghiệp thường làm đá đông theo phương pháp đông lạnh từ từ từng lớp, với cách đông lạnh này sẽ ngăn không cho bóng bóng hình thành trong viên đá. Chúng sẽ có thời gian thoát ra ngoài và khi đông đá hoàn toàn đá sẽ có màu trong suốt như gương.

Nên làm đá bằng nước đun sôi để nguội

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, nhất là vào mùa hè, người dân nên làm đá bằng nước sạch đun sôi để nguội.

HẠ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/meo-giup-phan-biet-da-lam-tu-nuoc-may-va-nuoc-dun-soi-de-nguoi-post781952.html