“Méo mặt” thích ứng với giá điện mới

Là các đơn vị sử dụng nhiều điện nên đại diện cho các DN sản xuất thép và xi măng đón nhận thông tin giá điện tăng không mấy vui vẻ.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trong ngành thép, sản xuất phôi thép cần nhiều điện năng nhất với khoảng 450 - 500 kWh/tấn sản phẩm, còn các công đoạn sản xuất thép khác như cán thép, ống thép, tôn mạ, cán nguội… thì tiêu hao khoảng 80 - 120 kWh/tấn. Mức tiêu hao hiện của ngành thép được đánh giá ở mức trung bình tiên tiến trên thế giới. Điện chiếm khoảng 6% chi phí đầu vào sản xuất phôi thép và chiếm 1% chi phí sản xuất thép cán. Nếu giá điện đầu vào tăng, trong khi giá thép không thể tăng thì DN có nguy cơ đóng cửa.

Ông Lại Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty thép Việt Úc đồng tình: “Tăng giá điện sẽ tăng được nguồn thu cho ngân sách, nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến các ngành kinh tế khác. Chúng tôi ủng hộ việc tăng giá điện, nhưng tăng phải có lộ trình để giúp DN có thể chịu được”. Ông Trung cũng dẫn chứng ở Hải Phòng, nhiều công ty sản xuất thép đã phải ngừng sản xuất do không bán được hàng, hàng ngàn công nhân đang thất nghiệp.

Ngành xi măng cũng trong tình cảnh tương tự. Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện giá xi măng của Việt Nam thấp hơn các nước ASEAN nhưng cũng không thể nâng giá lên được vì thu nhập bình quân của người dân Việt Nam thấp hơn. Hơn nữa, hiện nay, điện chiếm 15 - 17% giá thành của xi măng, trong khi các nước ở ASEAN giá điện chỉ chiếm 10 - 12%. Do đó, nếu tăng giá điện thì lợi nhuận của DN càng giảm.

Dường như với các DN thép và xi măng, họ còn lo lắng hơn nhiều các DN khác bởi theo dự thảo lần thứ 3 về cơ cấu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương, giá điện tính cho hai ngành sắt thép và xi măng có thể tăng từ 2 - 16% so với các ngành sản xuất khác ở tất cả các cấp điện áp. “Tăng giá điện có thể là điều khó tránh khỏi nhưng cần minh bạch và có lộ trình. Trước đó vài ngày còn nói chưa tăng, đùng một cái tuyên bố tăng giá khiến DN trở tay không kịp”, ông Nguyễn Tiến Nghi bức xúc.

Về phía ngành điện, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng, giá điện của Việt Nam hiện nay quá thấp, chỉ khoảng 7 cent/kWh, so với giá 10 cent/kWh của khu vực. Nếu ngành điện không có lãi, không tái đầu tư được thì sẽ không có đủ năng lượng để phát triển kinh tế. Theo lộ trình tăng giá điện, đến năm 2020 giá điện bình quân là 9 cent, nhưng có thể tăng lên trên 10 cent do lúc đó các nguồn năng lượng đã cạn kiệt, chúng ta phải nhập khẩu khí tự nhiên, than… Do vậy, ngành thép và ngành xi măng cũng như tất cả các ngành khác phải sớm đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, tổ chức sản xuất… để nâng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm năng lượng.

Đại diện Bộ Công Thương, ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho rằng, việc tăng giá điện sẽ giúp các DN thép, xi măng nhỏ lẻ, lạc hậu sớm cải tiến công nghệ để tăng sức cạnh tranh.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh: Nên thông báo sớm việc tăng giá điện

Đối với các DN sử dụng nhiều điện thì việc tăng giá điện lần này gây nhiều tác động tiêu cực hơn việc tăng giá xăng. Bởi chi phí sử dụng điện lớn hơn. Đa số các DN trên địa bàn đang thực hiện sản xuất đơn hàng cuối năm, thậm chí đã kí hợp đồng đơn hàng cho năm sau. Do đó, tôi cho rằng, nếu tăng giá điện thì nên công khai, minh bạch và nên thông báo trước 3 tháng, 6 tháng… để DN chủ động hơn trong kinh doanh.

ĐP- HT Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam: Cần nhiều biện pháp hỗ trợ sản xuất

Tôi đồng tình với quan điểm mỗi lần tăng giá, EVN cần phải công khai các số liệu tính toán và lý giải rõ các nguyên nhân tăng giá. Muốn tạo được sự đồng thuận trong xã hội thì yêu cầu phải công khai, minh bạch, nâng cao tính giải trình là nhân tố rất quan trọng. Luật pháp cũng đã quy định rõ điều này. Việc tăng giá điện vào thời điểm hiện nay cũng là việc bắt buộc phải làm. Theo tôi nắm được thì việc tăng giá điện vừa qua cũng đã được tính toán để làm sao giảm đến mức thấp nhất những tác động đối với nền kinh tế. Chính vì vậy, mức tăng 5% cũng chỉ bằng khoảng 50% của mức cần phải điều chỉnh, đồng thời mức tăng đó cũng không ảnh hưởng đến những hộ có mức tiêu thụ điện từ 0 đến 50 kWh. Mặt khác, Nhà nước vẫn đang thực hiện nhiều biện pháp khác để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh để giải quyết tình trạng nợ xấu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giảm tồn kho như các biện pháp hỗ trợ về thuế, lãi suất, tỷ giá, thị trường… Theo tính toán của chúng tôi, giá điện tăng 5% sẽ tác động trực tiếp ở vòng 1 làm tăng CPI khoảng 0,123% cộng với tác động của việc điều chỉnh giá một số hàng hóa khác thì khả năng CPI tháng 8 sẽ tăng khoảng 0,5% và cả năm sẽ khoảng 7% nếu không có những đột biến về giá thế giới, tài khóa, tiền tệ ở trong nước.

N.Quang

Hoàng Dương

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/meo-mat-thich-ung-voi-gia-dien-moi-20130805071900415.htm