'Messi kém Maradona' và sự thật về kỳ World Cup 1986 của Argentina

Một trong những lý do khiến nhiều người tin Maradona giỏi hơn Messi là World Cup 1986, khi 'cậu bé vàng' được cho đã một mình giúp Argentina vô địch. Sự thật có phải như thế?

Mùa hè 2018, sau khi chứng kiến Lionel Messi đá hỏng quả 11 m trong trận đấu đầu tiên của vòng bảng World Cup, Hernan Crespo thốt lên: "Chúng ta đều mong đợi nhiều hơn từ anh ấy".

"Nhưng dĩ nhiên Messi không phải Maradona. Anh ấy không thể một mình giúp đội bóng vô địch World Cup", cựu tiền đạo xứ Tango nói sau khi Argentina hòa Iceland 1-1.

 World Cup 1986 tại Mexico là giải đấu khiến nhiều người tin Maradona vĩ đại hơn Messi. Ảnh: Getty.

World Cup 1986 tại Mexico là giải đấu khiến nhiều người tin Maradona vĩ đại hơn Messi. Ảnh: Getty.

Định kiến

Giống như Crespo, nhiều người Argentina đã vin vào lý do đó để không tin Messi có thể vĩ đại hơn Maradona. World Cup 1986 luôn là cột mốc vĩ đại của bóng đá xứ Tango, và họ có được điều đó nhờ Maradona.

Cây viết Mark Doyle của Goal tin những câu chuyện về việc Maradona một mình kéo Argentina đến chức vô địch World Cup 1986 là không chính xác. Không ai có thể đánh giá thấp tài năng của Diego, ngay cả các thế hệ 8x hay 9x - những người không được trực tiếp xem "cậu bé vàng" thi đấu bằng xương bằng thịt. Tuy nhiên, một mình Maradona là không đủ để Argentina vô địch.

71% số lượng bàn thắng của Argentina tại giải đấu trên đất Mexico năm đó ghi dấu ấn trực tiếp của Maradona (ghi bàn hoặc kiến tạo). Tất nhiên những ký ức hằn sâu trong đầu nhiều cổ động viên bóng đá về sự thiên tài của Maradona còn nằm một khoảnh khắc gây tranh cãi dữ dội: Đó là "bàn tay của chúa".

Ở trận tứ kết khi Argentina gặp Anh, Maradona đã dùng tay ghi bàn thứ 2 cho Argentina, 3 phút sau pha solo đi vào lịch sử bóng đá thế giới từ giữa sân của chính mình. Thiên thần và ác quỷ đều tồn tại trong chiếc áo số 10 của "La Albiceleste", trong một trận đấu đó.

Rất ít người chú ý đến Hector Enrique, người đồng đội đã thực hiện đường chuyền cho Maradona ghi bàn. "Với đường chuyền của tôi cho Maradona, nếu cậu ta không ghi bàn, cậu ta sẽ bị giết chết", Enrique bông đùa.

Câu phát biểu mỉa mai của Enrique chỉ làm tôn lên sự thật, rằng cả đội Argentina dường như chỉ trông chờ vào một mình Maradona để chiến thắng. Dù sự thật, mọi chuyện không phải như thế.

Đội hình Argentina dự World Cup 1986. Ảnh: FIFA.

Giải mã

Argentina đến World Cup 1986 không phải với tư cách ứng cử viên số một cho chức vô địch, nhưng đội hình của họ là vô cùng chất lượng. Những cầu thủ như Nestor Clausen, Ricardo Giusti và Ricardo Bochini là trụ cột của Independiente vô địch Copa Libertadores 1984 và sau đó đánh bại Liverpool ở Intercontinental Cup.

Hai tiền vệ Sergio Batista và Claudio Borghi là trái tim trong lối chơi của Argentinos Juniors, khi CLB tí hon này làm nên kỳ tích vô địch Argentina hai năm liên tiếp, bên cạnh danh hiệu Copa Libertadores năm 1985.

Enrique, Nery Pumpido và Oscar Ruggeri cùng River Plate vô địch Copa Libertadores năm 1986, chỉ vài tháng sau giải đấu trên đất Mexico.

Có thể nói, bóng đá xứ Tango đã thống trị Nam Mỹ trong những năm đó với hàng loạt ngôi sao chất lượng đang thi đấu trong nước.

Còn về những ngôi sao chơi ở nước ngoài, Argentina có Daniel Passarella (Fiorentina), Pedro Pasculli (Lecce), Marcelo Trobbiani (Elche), Jorge Valdano (Real Madrid) và Jorge Burruchaga (Nantes).

Enrique miêu tả về đội hình Argentina năm đó gồm toàn những cầu thủ xuất chúng. "Vấn đề lớn nhất là sự chia rẽ", cựu danh thủ này nói. "Có quá nhiều cá tính lớn trong đội hình, đầy sự đố kỵ, ganh ghét và bè phái".

Vai trò của HLV trưởng Carlo Bilardo trở nên cực kỳ quan trọng. Không có sự thu phục nhân tâm của Bilardo, sẽ không có cầu thủ Argentina nào chịu chơi một thứ bóng đá lấy Maradona làm trung tâm.

Maradona khi đó là ngôi sao hàng đầu của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, tại World Cup 1982, anh đá nguội cầu thủ Joao Batista của đối phương và bị đuổi khỏi sân. Brazil loại Argentina với tỷ số 3-1 trong trận đầu tiên ở vòng hai.

Maradona hứng chịu cơn thịnh nộ từ các chuyên gia và nhà báo đến tận lúc Argentina chuẩn bị cho World Cup 1986. "Tôi nhớ có rất nhiều bài báo chỉ trích Diego trước World Cup 86", Bilardo nói trên Marca. "Đó là bởi vì tôi để cậu ta làm đội trưởng thay vì Passarella. Maradona từng để đội bóng gục xuống ở Espana 82. Điều đó là không thể chấp nhận được".

"Họ nói Maradona là nỗi xấu hổ của ĐTQG. Họ nói với tôi rằng Bochini thậm chí hay hơn Maradona. Tôi không đáp bất cứ lời nào", Bilardo khẳng định.

Nhiệm vụ đau đầu của Bilardo là phải giữ cho Maradona thật yên ổn mỗi khi không thi đấu. "Cậu bé vàng" luôn muốn ra ngoài mỗi khi rảnh với điểm đến thường trực là các hộp đêm.

"Diego luôn cảm thấy nhàm chán khi tập trung cùng đội", Valdano kể trên trang chủ FIFA. "Cách duy nhất để cậu ấy không thấy buồn chán là chơi bóng".

"Tuy nhiên, Bilardo không muốn chúng tôi lãng phí năng lượng trong các buổi tập. Mexico City là thành phố có không khí loãng do độ cao. Chúng tôi tập rất ít, mọi chuyện gần như bị đảo lộn", Valdano phân tích.

Bí quyết của Bilardo còn đến từ những thủ thuật khác ngoài sân bóng. Trước trận tứ kết gặp Anh, người phụ trách trang phục Ruben Moschella, được yêu cầu mua các áo thi đấu với chất liệu thoáng mát để chống lại khí hậu nóng bức của Mexico. Trong khi đó, người Anh gặp vấn đề với các chiếc áo thi đấu dày cộm bằng bông.

Tuy nhiên, dấu ấn lớn nhất của Bilardo cho chiến thắng của Argentina vẫn là sơ đồ chiến thuật, khi ông sử dụng sơ đồ 3-5-2 ở Mexico - một hệ thống sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến thời gian sau nhưng là không tưởng vào thời điểm đó.

Sơ đồ 3 trung vệ của Argentina cực kỳ khó bị xuyên thủng, bởi sự cơ động của hai cầu thủ chạy cánh khi có thể lùi về tạo thành hàng thủ 5 người. Sơ đồ nói trên còn giải phóng Maradona khỏi nhiệm vụ phòng ngự.

Trước trận chung kết gặp Tây Đức, Argentina để thủng lưới 3 bàn sau 6 trận. Giống như nhiều người dân Argentina khác, Valdano tin sự có mặt của Maradona trong đội hình luôn mang lại cho các đồng đội sự tự tin. "Anh ta luôn tạo ra những khoảnh khắc kỳ diệu, sự nổi tiếng của Diego giúp giải phóng áp lực cho các cầu thủ khác", cựu sao Real nói.

Tuy nhiên, người đồng đội Burruchaga tin người ta không nên quên rằng Argentina năm đó là tập thể với nhiều cá nhân khác xuất sắc không kém. "Tất cả đội bóng đã giúp Maradona", Burruchaga nói trên El Grafico. "Trong những lúc khó khăn nhất, sự trưởng thành của các cầu thủ khác đã giúp đội bóng vượt qua".

Bàn thắng quyết định của Burruchaga giúp Argentina vô địch World Cup 1986. Ảnh: Getty.

Trận chung kết lịch sử

Với Enrique và Sergio Batista ở hàng tiền vệ, Maradona có đủ không gian và thời gian để nhảy múa bên trên. Burruchaga là tiền vệ khác hỗ trợ tấn công xuất sắc, và ông đã ghi bàn thắng quyết định ở trận chung kết (Argentina thắng Tây Đức 3-2).

Maradona ghi 5 bàn ở giải đấu năm đó, một trận ở vòng bảng, và hai cú đúp trong hai trận tứ kết và bán kết. Cựu chân sút của Real, Valdano ghi 4 bàn, trong đó có một bàn ở trận chung kết.

Maradona đã chơi phi thường và có thể không bao giờ bóng đá thế giới được chứng kiến màn trình diễn cá nhân xuất sắc đến như vậy ở World Cup. Tuy nhiên, không có các đồng đội, Maradona có thể đã gục ngã trước cửa thiên đường.

Ngày 29/6/1986, Argentina thể hiện sức mạnh trước Tây Đức chỉ sau chưa đầy một giờ đồng hồ. Brown và Valdano nhanh chóng ghi 2 bàn giúp đội bóng xứ Tango vượt lên dẫn 2-0. Thế nhưng, chỉ trong vòng 6 phút từ 74 đến 80, Tây Đức thể hiện sự lỳ lợm bằng 2 bàn thắng của Karl Rummenigge và Rudi Voller.

Thái độ thất vọng thể hiện rõ trên khuôn mặt của Maradona, thậm chí xen cả một chút lo lắng. Burruchaga phải tiến đến người đội trưởng của mình và nói: "Bình tĩnh, chúng ta sẽ tiếp tục và giành chiến thắng". 3 phút sau khi Tây Đức có bàn gỡ, Burruchaga có cú dứt điểm ấn định chiến thắng 3-2.

Ở tuyến dưới, sự bản lĩnh của trung vệ Jose Brown, người được Bilardo coi như một "HLV thi đấu trên sân" cũng giúp toàn đội xốc lại tinh thần. Maradona sau này đã kể lại ý chí thi đấu của Brown với vẻ thán phục. Trung vệ từng chơi cho Boca Juniors bị trật khớp vai ở đầu hiệp 2 trận chung kết, nhưng từ chối ra sân để tiếp tục thi đấu. Anh là một trong 3 người ghi bàn cho Argentina ở trận chung kết, cùng với Burruchaga và Valdano.

Khi Mario Goetze ghi bàn giúp người Đức phục hận thất bại 24 năm trước tại World Cup 2014, nhiều CĐV Argentina đã ước giá như Messi có được những người đồng đội bản lĩnh như Brown hay Burruchaga năm nào.

Ở trận chung kết trên đất Brazil năm đó, Messi cũng giống như Maradona - không ghi nổi một bàn thắng, và Gonzalo Higuain hay Palacios không phải là Burruchaga.

Tròn 10 năm Messi solo ghi bàn từ giữa sân khiến CĐV vái lạy Ngày 22/3/2010, Lionel Messi chơi một trong những trận hay nhất sự nghiệp với cú hat-trick giúp Barca thắng Zaragoza 4-2, trong đó có pha solo kinh điển từ giữa sân.

Hồng An

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/messi-kem-maradona-va-su-that-ve-ky-world-cup-1986-cua-argentina-post1065466.html