Messi, khi từ bỏ mới chính là thất bại

Mascherano nói đúng. Argentina, và cả không ít khán giả mộ điệu trên thế giới, vẫn còn cần đến Lionel Messi.

1. Từ bỏ cũng chẳng sao, nếu đã quá mệt mỏi. Messi sẽ không còn bị những cơn đau đầu hành hạ ngay khi đang phải gồng mình khổ chiến, và tấm gương của những Johann Cruyff, Michel Platini, Socrates, Zico hay Marco Van Basten còn đó, đủ để anh cân nhắc. Không một lần đăng quang ở World Cup, nhưng không ai dám phủ nhận sự vĩ đại của họ, những tượng đài vĩnh cửu.

Có thể, đã đến lúc Messi thanh thản chấp nhận rằng sẽ chẳng bao giờ anh có được một kết cục viên mãn, như chính người mà anh bị đem ra so sánh kể từ thời khởi nghiệp: Diego Maradona. Đó là một vinh dự tột bậc, và đó cũng chính là sức ép ngàn cân luôn đè trĩu tâm trí anh, mỗi lần trở về khoác lên người chiếc áo sọc xanh trắng.

Có thể, đã đến lúc Messi thanh thản chấp nhận rằng sẽ chẳng bao giờ anh có được một kết cục viên mãn.

Có thể, anh đã, đang và sẽ còn đắm chìm trong nỗi cô đơn – bạn đồng hành muôn thuở của những thiên tài. Mascherano cũng đã từ giã đội tuyển rồi.

2. Nhưng, bỏ cuộc cũng sẽ chính là việc từ chối mọi cơ hội tốt đẹp, mọi niềm hy vọng còn có thể xảy đến trong tương lai. Mà thực tế, kể cả với thất bại ở World Cup lần này, mọi chuyện vẫn đang dần trở nên tốt đẹp.

Đúng, Messi và các đồng đội của mình đã không thể một lần nữa làm nên kỳ tích, trước một tuyển Pháp quá trẻ, quá mạnh mẽ, quá tốc độ, quá giàu tiềm lực…và lại còn được vào trận trong thế “dĩ dật đãi lao”. Song, ít nhất là trong cách tạo nên cuộc rượt đuổi tỷ số điên rồ ấy, niềm tin cũng như phẩm giá đã bắt đầu trở lại với Los Albicelestes.

Dễ gì để có được chừng ấy khoảnh khắc bùng nổ.

Dễ gì để tạo dựng được một bối cảnh khó lường đến vậy.

Dễ gì để đến tận phút cuối, các CĐV áo Lam vẫn còn phải nín thở trong một nỗi sợ hãi thoáng qua.

Bằng cái tập thể mới mấy ngày trước còn mang diện mạo tơi tả đến tận cùng như vậy?

Messi âm thầm đặt dấu ấn của mình lên trận đấu

Messi, nếu đúng là anh lựa chọn chiến thuật, đã khá phiêu lưu khi muốn tự mình đặt mình ở vị trí trung phong ảo, và thúc đẩy đồng đội dâng cao, đặt cược vào thành công của đòn phủ đầu. Kế hoạch ấy nhanh chóng phá sản, khi Mbappe xác lập ưu thế vượt trội của người Pháp với quả phạt đền cho Griezmann.

Song, cũng chính là Messi đưa cuộc chơi trở lại vạch xuất phát. Anh không ghi bàn, nhưng anh đã chứng minh rằng với những huyền thoại, số lượng bàn thắng không bao giờ là tất cả, mà là cách nâng tầm các vệ tinh xung quanh mình.

Messi ở đâu khi Di Maria hạ gục Lloris bằng một phát đại bác công thành hiếm hoi của sự nghiệp? Anh đã lang thang khá xa cách đó, kéo theo cả Kante lẫn Matuidi, để lại một đạn đạo thênh thang cho đồng đội. Rồi, cũng bằng cách lùi xuống tận vòng cung trung tâm, hoặc dàn xếp các pha phối hợp, hoặc định hướng các đợt lên bóng, hoặc âm thầm tập kích – nghĩa là hoàn toàn khác so với vị trí lúc đầu – anh đặt dấu ấn của mình lên trận đấu, thông qua những cơ hội mà Mecardo và Aguero tận dụng thành công, cùng cả những ý tưởng bị phung phí khác.

3. Trong nghịch cảnh, Messi ấy mới thật sự đạt đến độ chín. Đó là sự trưởng thành gợi nhớ lại Diego Maradona ở World Cup 1990, nơi ông dẫn dắt một tập thể “què cụt” vào đến tận trận chung kết, nơi ông cũng thường xuyên phải ẩn hiện khắp sân như thế. Đó cũng là một cuộc hành trình vĩ đại, dù kết thúc trong nước mắt.

Trong nghịch cảnh, Messi mới thật sự đạt đến độ chín.

Cúp vàng vô địch không cần thiết phải trở thành một nỗi ám ảnh nữa, và cái bóng khổng lồ của Diego thần thánh cũng thế. Song, nếu tìm lại được niềm vui thuần túy như ngày mới xuất đạo, với khuôn mặt trắng phau và nụ cười còn nhuốm màu thơ trẻ, và cộng thêm vào đó sự dày dạn phong sương của một người đàn ông trưởng thành như bây giờ, có lẽ nào Lionel Messi không đủ sức tô lại ánh vàng son cho vầng mặt trời Inca trên lá quốc kỳ?

Phi Hồ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/world-cup-2018/messi-khi-tu-bo-moi-chinh-la-that-bai-1294325.tpo