Mệt mỏi với các dự án chung cư

Sáng nay, hàng trăm khách hàng của dự án chung cư giá rẻ Đại Thanh đã tập trung tại khu vực Khách sạn Mường Thanh (đường vành đai 3, quận Hoàng Mai, Hà Nội) căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối vì chủ đầu tư đã lừa dối họ.

Những khách hàng này cho biết, Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu là chủ đầu tư Dự án tổ hợp chung cư Đại Thanh (đường 70, ngã tư cầu Tó, Hà Đông) đã quảng cáo bán các căn hộ với giá siêu rẻ. Theo đó, mỗi căn hộ có giá dao động từ 400 – 600 triệu đồng. Căn hộ có diện tích nhỏ nhất (36 m2) thì chỉ có giá là 360 triệu đồng. Tính ra, mỗi m2 sàn chỉ khoảng 10 triệu đồng, mức giá được coi là thấp nhất thời điểm chào bán. Tuy nhiên, trên thực tế họ đã phải mua đắt bởi diện tích nhà trên hợp đồng mua bán không giống với diện tích thực, hơn nữa giá VAT được công ty đưa ra “trái” quy định cùng các khoản thu vô lý khác. Đây không phải lần đầu cư dân của Đại Thanh căng băng rôn biểu ngữ tố chủ đầu tư gian lận, ngày 19/10 hơn 300 cư dân tại đây cũng đã có cuộc biểu tình tương tự. Những người có mặt tại đây cho biết họ đã nhiều lần phản ánh với chủ đầu tư yêu cầu hoàn trả số tiền chênh lệch và giải quyết những bức xúc của dân, tuy nhiên chủ đầu tư đã phớt lờ, thậm chí lãnh đạo công ty còn lớn tiếng họ thách thức đâm đơn kiện. Bởi vậy cộng đồng dân cư tại đây đã cùng đồng lòng lên tiếng phản đối.

Trong khi thị trường bất động sản trong nước ngày một lạnh lẽo mà không hề có dấu hiệu phục hồi bất chấp các nỗ lực của chính phủ và các bộ ngành cũng như doanh nghiệp thì những mâu thuẫn giữa khách hàng và chủ đầu tư cũng như ban quản lý các tòa nhà lại ngày càng trở nên phổ biến và căng thẳng. Điển hình như vụ dân chung cư Nam Cường "vây" trụ sở vì chủ đầu tư “ép” nhận nhà khi còn xây dở hồi tháng 4, hay dân chung cư Lĩnh Nam căng khẩu hiệu đòi đối thoại với Bộ Xây dựng vì nhiều lần chủ đầu tư Lilama Hà Nội “trốn” không chịu gặp khách hàng, bỏ bê dự án không triển khai. Trước đó, dân Keangnam căng băng rôn biểu tình vì bị cắt điện, và hàng trăm người dân sống tại Golden Westlake lấy xe chặn đường phản đối chủ đầu tư tăng phí trông giữ xe cao ngất trời. Gần đây nhất là hồi tháng 8, cư dân Pacific Palace dùng ôtô tiền tỷ biểu tình phản đối chủ đầu tư vì bị lấn chiếm không gian sinh hoạt và ngày 28/9/2013 vừa qua, nhiều khách hàng của dự án góp vốn cho Cengroup cũng đã kéo đến trụ sở công ty này đòi chủ đầu tư trả lại tiền vì dự án không hề được khởi động.

Không chỉ những chung cư mới mà các dự án tái định cư hỗ trợ người dân thuộc diện di dời ổn định cuộc sống cũng gặp nhiều vấn đề bất cập khiến nhiều gia đình ngán ngẩm tìm cách bán hoặc cho thuê lại.

Ví như các dự án ở quá xa khu trung tâm khiến họ trở ngại trong việc sinh hoạt làm việc, những hộ buôn bán cũng không có m ặt bằng để kinh doanh. Thêm vào đó, chi phí thuê nhà và các phụ phí khác quá lớn so với mức thu nhập của người dân.

Trên địa bàn TP. Hà Nội, không ít người dân cũng phải sống trong những khu nhà tái định cư vừa nhếch nhác, vừa xuống cấp, hàng ngày phải vật lộn với những hệ lụy là hậu quả của việc cơ quan chức năng buông lỏng quản lý khi cho thuê mặt bằng.

Để có thể tăng thu nhập, người dân đành lấn chiếm diện tích dành cho sinh hoạt cộng đồng tại các tòa nhà tái định cư để buôn bán. Bởi vậy bao quanh khu nhà là những quán cà phê, quán bia, hay cửa hàng bún phở, khiến người dân hàng ngày phải sống chung với sự ồn ào, lộn xộn. Một người dân sống tại khu TĐC Đại Kim (Hoàng Mai) cho biết từ khi có nhà hàng dê núi xuất hiện, họ giết mổ động vật, mùi hôi thối bốc lên làm những gia đình ở các tầng trên không thể nào chịu nổi. Đã thế, đến tận 11, 12 giờ đêm, khách vẫn ăn uống, hò hét ầm ĩ gây mất trật tự và ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ nhỏ.

Không những vậy, nhà tái định cư từ trước đến nay vẫn khiến người dân phải nghi ngờ về chất lượng và cơ sở hạ tầng. Đơn cử như khu TĐC Đồng Tàu, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, mới chỉ đưa vào sử dụng gần 5 năm mà hệ thống điện chiếu sáng, cầu thang máy hay hệ thống thoát nước đã bị hư hỏng nặng nề. Trước đó vài năm, người dân khu TĐC Đền Lừ, Trung Hòa, Nhân Chính... đã được phen hú hồn khi trần nhà tự nhiên bong tróc rồi...rơi tự do. Bên cạnh đó, hầu như các khu tái định cư còn chưa được gắn liền với những cơ sở hạ tầng như trường học, nhà trẻ hay địa điểm vui chơi giải trí.

Cũng chính vì những lý do trên, cộng với việc giá bồi thường thường thấp hơn giá đất tái định cư mà ngày càng nhiều người cảm thấy không mặn mà với những dự án này.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại này ngoài lỗi của chủ đầu tư còn do sự thiếu chặt chẽ trong quản lý xây dựng. Các dự án được xây dựng không đồng bộ, nhà xây lên mà không có dịch vụ phụ trợ, không có công trình cộng đồng. Chưa kể, chất lượng công trình không đảm bảo cũng được “tặc lưỡi” đưa vào sử dụng. Phạm Sỹ Liêm-Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN từng cho rằng các khu tái định cư là một thất bại lớn trong quy hoạch phát triển nhà. Việc cho thuê tầng 1 được quy định không rõ ràng, tùy tiện và thiếu công khai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/met-moi-voi-cac-du-an-chung-cu