Metro Sài Gòn chưa hết lận đận

Chiều 29/6, làm việc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng đoàn công tác của Chính phủ, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết dù đã hoàn tất thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, các dự án đường sắt đô thị (metro) Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, việc giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm rất chậm do một số dự án đang trình Thủ tướng điều chỉnh thời gian thực hiện. Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) mới phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Nhiều hạng mục công trình chưa thể hoàn thành vì các chuyên gia nước ngoài chưa được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Thanh toán bằng tiền đồng hay Yên Nhật?

Đối với dự án tuyến metro số 1, ông Hoan kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm cho ý kiến về việc sử dụng đồng Yên của Nhật Bản hay đồng Việt Nam trong thanh toán. TPHCM đã chủ động làm việc và Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT ủng hộ thanh toán bằng đồng Yên nhưng đến khi làm văn bản chính thức thì Bộ KH&ĐT “còn băn khoăn”. “Tuyến metro số 1 đang tăng tốc để về đích. Nếu tháo khoán đồng Yên Nhật thì tiền sẽ về. Cuối năm, các nhà thầu thường phàn nàn việc chậm thanh toán. Mấy năm trước, năm nào TPHCM cũng tạm ứng. Nếu tiền về thì sẽ hoàn trả tạm ứng và thanh toán cho nhà thầu trong năm nay”, ông Hoan nói.

Với tuyến metro số 2, ông Hoan thừa nhận, tháng 9/2019, UBND TPHCM đứng trước tình huống phải ký văn bản xin điều chỉnh dự án, trong khi số liệu, như chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng từ 2017. Sau 2 năm, con số đã tăng. Đơn cử, chi phí bồi thường khi trình duyệt điều chỉnh là 3.400 tỷ đồng; đến nay đã tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng. “Nếu tách bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, thành phố phân bổ 500 tỷ đồng tăng thêm từ nguồn ngân sách hoặc xem lại cơ cấu vốn của dự án, phân bổ những hạng mục chưa cần thiết, ví dụ như chi phí lãi vay trong cơ cấu vốn có nhưng thường không sử dụng thì có cần xin ý kiến của Quốc hội, Bộ Tài chính? Thành phố đang lúng túng”, ông Hoan nói. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, năng lực giải ngân của TPHCM không thiếu; việc giải ngân vốn ODA chậm là do vướng mắc từ nhiều cơ quan.

Dân số tăng nhanh, giao thông làm chậm

“Tháng 12/2019, UBND TPHCM có văn bản gửi Bộ KH&ĐT nhưng không được trả lời. Đến tháng 4/2020 vừa qua, thành phố tiếp tục có văn bản và đang chờ Bộ phản hồi… Mong các đồng chí giúp giùm. Tuyến metro số 1 là tuyến metro đầu tiên. TPHCM đã chỉ đạo quyết liệt trong việc điều chỉnh. Có những lúc căng thẳng. Cứ gần Tết nhà thầu dọa lãn công, bãi công… Tôi phải họp thường trực UBND TPHCM xin tạm ứng. Đến nay tạm ứng gần 5.000 tỷ đồng và sắp tới phải hoàn lại cho ngân sách”, ông Phong nói.

 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thị sát tuyến metro số 1 sáng 29/6

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thị sát tuyến metro số 1 sáng 29/6

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, với dự án tuyến metro số 2, công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng rất thuận lợi. Dự kiến, đến năm 2021, TPHCM sẽ khởi công dự án này. Về việc bù phần chênh lệch giữa thời giá năm 2017 và năm 2020, ông Phong cho biết, thành phố xác định cố gắng không làm tăng tổng mức đầu tư sau khi đã điều chỉnh. Quá trình thực hiện dự án sau này, UBND TPHCM sẽ xin HĐND TPHCM tái cơ cấu bố trí vốn.

Ông Phong nói: “Phải triển khai quyết liệt… Vấn đề giao thông ở TPHCM là thách thức rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế của thành phố. TPHCM kẹt xe thì kinh tế không thể phát triển. TPHCM đối mặt với áp lực dân số rất lớn, trong khi hạ tầng giao thông phát triển không đồng bộ. Chúng tôi dự kiến nhiệm kỳ này làm mới 172 km đường nhưng sau 3 năm mới đạt 30%. Trong khi đó, dân số mỗi năm TPHCM tăng thêm 200 nghìn người”. Theo ông, bức xúc nhất của TPHCM hiện nay là khép kín hai tuyến đường vành đai 2 và 3. TPHCM sẵn sàng tạm ứng cho Trung ương mượn 3.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. UBND TPHCM đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy nhưng hiện nay tiến độ thực hiện còn rất chậm.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, về việc sử dụng đồng Yên Nhật hay đồng Việt Nam trong thanh toán, trong năm 2019, Văn phòng Chính phủ đã có công văn xác định. Bộ Tài chính cũng thống nhất vay bằng đồng Yên thì sau này trả bằng đồng Yên. Phó Thủ tướng đồng ý cho phép 83 chuyên gia Nhật Bản nhập cảnh vào Việt Nam để thúc đẩy dự án tuyến metro số 1, đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn lại khoản tiền TPHCM đã tạm ứng cho các nhà thầu. “Nếu TPHCM không tạm ứng thì dự án bị đình trệ. Phía Nhật đã phản ứng rất mạnh. Việc tạm ứng vừa qua là rất cần thiết nhằm đưa dự án chạy thử kỹ thuật vào tháng 10 năm nay và khai thác thương mại cuối năm 2021”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, nguồn vốn ODA đang ngày càng khan hiếm. Dự án giao thông xanh là nguồn cuối cùng vay từ Ngân hàng Thế giới nên cần tranh thủ, không để lãng phí nguồn vốn vay ưu đãi.

Huy Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/metro-sai-gon-chua-het-lan-dan-1680518.tpo