Microsoft Imagine Cup: Malaysia về nhất, Việt Nam đạt giải bình chọn, rất nhiều sáng kiến đáng xem

Vòng chung kết khu vực APAC Cuộc thi sáng tạo công nghệ Imagine Cup do Microsoft tổ chức đã vừa diễn ra tại Malaysia với 15 đội xuất sắc nhất tại các nước tham dự. Sau 1 ngày thi căng thẳng, 7 đội đã giành được vé vào vòng chung kết thế giới diễn ra vào tháng 6 tới tại Mỹ. Việt Nam chúng ta có sự góp mặt của đội BeeTech - gồm 3 thành viên đến từ đại học Duy Tân, Đà Nẵng với chiếc hộp thông minh giúp xe hơi "kể bệnh" với chủ xe nhưng rất tiếc không được vào vòng chung kết. Dưới đây là thông tin tổng hợp về Imagine Cup Regional Finals 2018:

Imagine Cup là cuộc thi sáng tạo công nghệ dành cho sinh viên được Microsoft tổ chức thường niên và tính đến nay đã trải qua 16 năm, 2 triệu sinh viên tham gia xuyên suốt 190 quốc gia. Tại Malaysia vừa qua, vòng chung kết Imagine Cup Regional Finals đã diễn ra với sự góp mặt của 15 đội tuyển đến từ nhiều quốc gia châu Á như Nepal, Sri Lanka, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Philippines và nước chủ nhà đăng cai.

Imagine Cup Regional Finals có 3 hạng mục thi đấu gồm:

Cải thiện năng suất nông nghiệp - những sản phẩm công nghệ hỗ trợ trong chăn nuôi và trồng trọt.
Nâng cao chất lược dịch vụ sức khỏe - những cải tiến trong công nghệ y tế, giúp bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh tật tốt hơn và nâng cao hiệu quả điều trị.
Tối ưu năng suất lao động - những công cụ tiên tiến giúp giải quyết những hạn chế mà nhiều công ty gặp phải trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Sau 1 ngày tranh tài thì 7 đội đã được chọn tham dự vòng chung kết toàn cầu World Champion diễn ra vào tháng 6 tại Seattle, Hoa Kỳ với trị giá giải thưởng lên đến 100.000 USD tiền mặt. 7 đội lọt vào vòng trong là đội Pine - Malaysia với vị trí quán quân, đội BeeConnex của Thái Lan về nhì và đội 7X của Singapore về thứ 3. 4 đội còn lại được trao vé dự vòng chung kết thế giới là Beehive Drone của Indonesia, Classum của Hàn Quốc, En#22.45km của Hàn Quốc và SochWare của Nepal. Đội BeeTech của Việt Nam dù đã rất cố gắng nhưng không thể giành một suất vào chung kết thế giới, chỉ được giải bình chọn đội được yêu thích nhất.

"Dù không chiến thằng cuộc thi nhưng tất cả đều đã chiến thắng chính mình ... ", trích lời bà đại sứ Hoa Kỳ tại Malaysia. Thật vậy qua cuộc thi, mọi đội tuyển đều nhận ra những điểm mạnh và yếu của mình để rút kinh nghiệm và cải thiện bản thân. Như đội Việt Nam, họ chắc chắn sẽ nhận ra những điểm yếu của mình chẳng hạn như khâu thuyết trình, phong thái thuyết trình và tiếng Anh của mình vẫn còn thua đội bạn cũng như chiến lược thi đấu phải cẩn thận hơn.

Những nhà vô địch là ai và sản phẩm của họ là gì?

PINE - Malaysia là đội tuyển vô địch vòng chung kết khu vực với một sản phẩm rất độc đáo là máy kiểm tra chất lượng của quả dứa (thơm) cầm tay. Cũng không ngạc nhiên khi PINE phát triển một thiết bị như vậy bởi dứa là loại quả nhiệt đới quan trọng thứ 3 và cũng là loại quả xuất khẩu nhiều thứ 2 của Malaysia. Thành ra nhu cầu kiểm tra chất lượng của loại quả này trước khi xuất khẩu rất cần thiết. Nhưng làm sao để thiết bị có thể kiểm tra nhanh, chính xác và quan trọng là không xâm lấn, không ảnh hưởng đến quả dứa sau khi kiểm tra (tức kiểm tra ngoài da) thì PINE đã đi đến giải pháp là một loại cảm biến đo phổ, chỉ cần đưa máy áp lên quả dứa và đợi giây lát là có thể biết được độ ngọt cũng như độ tươi của quả với độ chính xác cao.

Tại cuộc thi, PINE đã trình diễn thực tế thiết bị này và so sánh kết quả với một thiết bị chuyên dùng để đo độ ngọt của dứa và kết quả rất gần. Phần trình diễn đã thuyết phục ban giám khảo và giải nhất cho PINE rất xứng đáng.

Á quân 1 thuộc về BeeConnex - một đội đến từ Thái Lan và sản phẩm của họ là một thiết bị giúp người chăn nuôi ong mật giám sát tình trạng tổ ong. Lại một lần nữa một dự án thuộc danh mục nông nghiệp được gọi tên. Ong là một đặc sản của Thái Lan bởi ngành nông nghiệp nuôi ong mật tại xứ chùa vàng theo thống kê có đến 330.000 thùng nuôi ong. Sản lượng và chất lượng mật ong có thể bị ảnh hưởng bởi các loài côn trùng xâm lăng khác cũng như các yếu tố môi trường thành ra việc kiểm tra thường xuyên tình trạng tổ ong là nhu cầu cần thiết để bảo vệ vụ mùa cũng như giảm thiểu rủi ro cho người nuôi.

Giải pháp của BeeConnex là một thiết bị IoT tích hợp camera và cảm biến đặt trong thùng nuôi ong. Thiết bị này sẽ giám sát tình trạng tổ ong, cập nhật các thông số như độ ẩm, nhiệt độ đến người nuôi ong thông qua một ứng dụng trên điện thoại. Trong trường hợp tổ ong có dấu hiệu bất thường, thiết bị sẽ tự động gởi tin nhắn cảnh báo đến người nuôi để họ có thể can thiệp kịp thời.

Á quân 2 là đội 7X của Singapore với một thiết bị trợ hỗ trợ học tập dành cho trẻ mắc chứng khó đọc. Dự án của 7X về những chiếc hộp thông minh hỗ trợ đánh vần ghép từ ProCubeX rất được quan tâm bởi ban giám khảo và cá nhân mình cũng cho rằng 7X sẽ có cơ hội cao vào vòng trong bởi chứng khó đọc (dyslexia) hiện đang là 1 trong những dạng bệnh tác động đến 700 triệu người trên toàn cầu và đây cũng là mối quan tâm của tổ chức, công ty hiện tại. Như trước đó, huyền thoại quần vợt Andrey Agassi đã công bố hợp tác với một công ty khởi nghiệp để phát triển các công cụ hỗ trợ trẻ em mắc chứng khó đọc.

ProCubeX là một chiếc hộp tương tác thông minh và là công cụ can thiếp sớm đối với trẻ em mắc chứng khó đọc. Những chiếc hộp này hoạt động với một phần mềm trên máy tính, chẳng hạn như khi phần mềm hiển thị một từ như "HAT" (cái mũ) thì 3 chiếc hộp ProCubeX sẽ hiển thị các chữ cái H A T và phần mềm sẽ đọc to hướng dẫn. Trẻ sẽ ghép những chiếc hộp sát vào nhau để tạo thành từ đúng và nếu ghép sai, phần mềm sẽ nhắc. Nhìn đơn giản là vậy nhưng bên trong mỗi chiếc ProCubeX là cả một hệ thống đa cảm biến khai thác các công nghệ máy học (Machine Learning) và AI để tự động nhận biết khi nào trẻ ghép đúng, khi nào sai cũng như đưa ra chương trình học tùy theo mỗi trẻ.

4 đội còn lại được chọn gồm có Classum của Hàn Quốc với ứng dụng hỏi đáp tương tác giữa học sinh và giáo viên. Nắm bắt vấn đề muôn thuở về việc học sinh rất ngại đặt vấn đề trên lớp học, đội Classum phát triển một ứng dụng để đặt câu hỏi cho giáo viên. Một ứng dụng nhắn tin khá giống Slack nhưng chỉ tập trung vào học tập. Trong tương lai, Classum sẽ khai thác AI TA hay Tutor để thực hiện hỏi đáp Q&A.

Tiếp theo là En#22.45km, cũng là một đội đến từ Hàn Quốc với giải pháp hỗ trợ E-Call Assistant dành cho hệ thống tổng đài hỗ trợ khẩn cấp 911. Theo ước tính thì tại Mỹ mỗi năm có 240 triệu cuộc gọi 911 và mỗi cuộc gọi được trả lời bởi một điều hành viên. Nhân viên tổng đài sẽ cung cấp chỉ dẫn chính xác trên điện thoại nhưng đồng thời phải nhập thông tin vào hệ thống phản hồi khẩn cấp. Giải pháp của En#22.45km sẽ cung cấp khả năng nhận dạng giọng nói và chuyển giọng nói thành văn bản theo thời gian thực cũng như phân tích nội dung dựa trên các công nghệ AI và ML, từ đó nhân viên tổng đài có thể làm việc hiệu quả hơn, phản hồi nhanh hơn đến người gọi.

Đội thứ 6 được chọn là Beehive Drone đến từ Indonesia. Dù mang tên là "tổ ong" nhưng sản phẩm của họ là một chiếc drone nông nghiệp. Chiếc drone này có thiết kế khá lớn, mang theo thùng đựng thuốc trừ sâu, nước hay phân bón.

Thông qua một ứng dụng trên điện thoại, những chiếc drone nông nghiệp sẽ hoạt động phối hợp và khai thác công nghệ ML cũng như AI để cung cấp giải pháp giám sát cánh đồng theo thời gian thực cũng như can thiệp tưới tiêu, phun thuốc hiệu quả. Dù dự án này còn nhiều hạn chế do những giới hạn của máy bay drone hiện tại cũng như những hoài nghi về nhu cầu sử dụng dịch vụ này nhưng Beehive Drone vẫn tự tin đây là nền tảng nông nghiệp tương lai.

Đội cuối cùng giành vé đến với vòng chung kết thế giới là SochWare đến từ Nepal với một giải pháp giúp người nông dân nhận biết các loại bệnh trên cây trồng, gợi ý dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và liên hệ với chuyên gia nông nghiệp để giảm thiểu tối đa rủi ro nông nghiệp bằng một ứng dụng trên điện thoại. Dựa trên các nền tảng ML và AI, Microsoft Azure, người nông dân có thể chụp quét các dấu hiệu trên lá cây, thân cây từ đó phần mềm sẽ nhận dạng bệnh và đưa ra các gợi ý phù hợp.

Các đội còn lại thì sao? Nhiều dự án rất hứa hẹn nhưng còn nhiều bất cập khiến các đội phải xem xét lại và chuẩn bị tốt hơn.

BeeTech - Việt Nam - 3 chàng trai đến từ đại học Duy Tân đã phát triển một chiếc hộp thông minh gọi là Smart Car Box giúp người sở hữu xe hơi dễ dàng nhận biết những vấn đề trên chiếc xe trước khi hỏng hóc xảy ra. Sản phẩm này đã được thử nghiệm trên 350 chiếc xe và nhận được sự hậu thuẫn lớn của tập đoàn Trường Hải Thaco cũng như sự hỗ trợ từ các hãng xe có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam như KIA, Mazda. Smart Car Box giúp tài xế biết được những trục trặc về áp suất lốp, động cơ và thậm chí là cảnh báo va chạm dựa trên các cảm biến.

Ứng dụng Smart Car Box trên điện thoại cũng giúp tài xế nhận biết lốp xe như thế nào là mòn theo thời gian thực và các lỗi chẩn đoán trên xe sẽ đưa ra gợi ý đến garage gần nhất.

Đây là một sản phẩm rất hứa hẹn và Microsoft gợi ý BeeTech có thể mở rộng tiềm năng kinh doanh bằng cách hợp tác với các hãng sản xuất xe hơi cũng như các đơn vị bảo hiểm. Trong phần demo, BeeTech đã cho chiếc xe mô hình tích hợp Smart Car Box va chạm thật (rơi từ sân khấu xuống đất) để mô phỏng tình huống tai nạn xảy ra. Hệ thống lập tức nhận biết va chạm và gọi điện thoại đến một số điện thoại khẩn cấp để thông báo vụ việc. Nhờ màn trình diễn này, BeeTech đã gây ấn tượng và nhận được giải bình chọn đội được yêu thích nhất trị giá 300 USD. Dù vậy BeeTech vẫn không được vé vào vòng trong, rất đáng tiếc.

inSpectra - Thái Lan là một đội được đánh giá rất mạnh bởi giải pháp của họ có tính thực tiễn cao - một loại thiết bị đo phổ giúp phát hiện rò rỉ khí nguy hiểm, không chỉ gas mà nhiều loại khí độc khác trong các xí nghiệp, nhà máy, công xưởng. Dự án này khai thác một hệ thống ảnh hóa đa phổ và công nghệ ảnh hóa hỗn hợp để thể hiện sự tồn tại của các loại khí vô hình và ngăn ngừa thảm họa xảy ra. Thiết bị này đi kèm với một dịch vụ có dashboard cung cấp thông tin theo thời gian thực, giúp người quản lý nắm bắt tình huống nhanh chóng.

Đội này dùng camera "giá rẻ" và các bộ lọc phổ màu để dò tìm. Cơ chế khá đơn giản với 7 bộ lọc trên một cái đĩa xoay và camera chụp quét xong kết hợp các ảnh phổ lại với nhau, từ đó dò ra loại khí. Kết quả được gởi về một trang Dashboard theo thời gian thực nhưng vấn đề nằm ở chỗ 650 đô cho 1 cái và chi phí để sử dụng dịch vụ kiểu Dashboard này lên đến 9000 đô/năm - một mức giá khó tiếp cận. Tiếp theo là giới hạn về phạm vi quét chụp của camera, nếu nhà máy lớn quá thì phải đổi camera và nếu đổi thì chi phí cao hơn. Thêm nữa là khả năng bị sao chép công nghệ rất cao thành ra trước hàng loạt những câu hỏi từ ban giám khảo, inSpectra cần phải xem lại giải pháp của mình về nhiều khía cạnh từ kĩ thuật đến kinh tế.

Đội Onyx đến từ Philippines giới thiệu một ứng dụng có tên BIONYX - giúp chụp quét và chẩn đoán sớm các bệnh về tim, phổi, gan và máu thông qua móng tay. Ứng dụng này khai thác AI và ML để phân tích dạng móng tay và tình trạng của móng tay từ đó đối chiếu với kho dữ liệu y học về các loại bệnh chẩn đoán từ móng tay.

Dù có màn demo trực tiếp với kết quả cực chi tiết trên móng tay của một vị giám khảo tại cuộc thi nhưng tính xác thực và độ chính xác của kết quả vẫn là điều khiến ban giám khảo cũng như nhiều người hoài nghi. Nếu chẩn đoán sai sẽ ảnh hưởng không tốt đến người được chẩn đoán về mặt tâm lý, chưa kể là nhỡ đi khám mà không ra bệnh thì lại tốn chi phí và thời gian.

Đội Ruumi đến từ Singapore mang đến một ứng dụng giúp cho thuê không gian hội họp và làm việc. Ứng dụng này na ná Airbnb, chỉ khác thay vì tìm nhà ở tạm thì Ruumi hướng đến nhu cầu hội họp, làm việc nhóm, gặp gỡ bàn bạc công việc. Màn demo ứng dụng cho thấy nhiều tính năng thú vị như các yêu cầu đặt chỗ sẽ được đưa vào lịch và dùng AI để gợi ý thời gian trống cũng như sắp xếp thời gian. AI cũng gợi ý giá dựa trên Power BI của Microsoft và để tăng tính bảo mật, Ruumi khai thác công nghệ Hyperledger blockchain. Lợi nhuận thu về từ 3% phí giao dịch giữa người cho thuê không gian và người đặt thuê cùng với quảng cáo trong ứng dụng. Thế nhưng sáng tạo của Ruumi cũng gặp phải nhiều nguy cơ, chẳng hạn như một ngày đẹp trời Airbnb công bố một dịch vụ tương tự thì Ruumi lấy gì để cạnh tranh. Cũng không thể lấy công nghệ bảo mật blockchain ra làm lợi thế bởi người dùng sẽ không hiểu được. Đó là chưa kể đến những tác động xã hội tiềm năng với dịch vụ này. Thành ra Ruumi cũng không nhận được cái gật đầu từ ban giám khảo.

Đội Algor đến từ Sri Lanka đưa ra một giải pháp khá hay là Farm AI - một ứng dụng dùng công nghệ ML giúp người nông dân tại đảo quốc Nam Ấn này trồng trọt hiệu quả hơn. Vấn đề nằm ở chỗ khi 1 loại cây trồng được trồng quá nhiều thì mức giá bán sẽ bị giảm xuống và Farm AI sẽ giải quyết vấn đề này khi hỗ trợ dự đoán vụ mùa, giúp người nông dân biết được vụ mùa nào mang lại giá trị cao nhất, từ đó tăng lợi nhuận và cảnh báo nguy cơ nông sản bị sản xuất quá nhiều. Farm AI cung cấp dự đoán trong cả 2 tình huống: trước khi trồng trọt, gợi ý về loại cây trồng và phân tích giá trước khi thu hoạch với nông sản đã trồng. Tuy vậy Farm AI vẫn đang trên giai đoạn ý tưởng, ứng dụng vẫn chưa được thử nghiệm rộng rãi và chưa có kết quả thật thành ra Algor buộc phải dừng chân.

Ngoài ra còn có các đội khác như Taleus của Indonesia với sản phẩm là một ứng dụng giúp chẩn đoán bệnh cho cây trồng tương tự như dự án của SochWare, Nepal; đội Tomorrance của Hàn Quốc với một ứng dụng có tên NUNBODY có thể quét 3D cơ thể để phân tích nhu cầu dinh dưỡng đối với từng người để đưa ra các gợi ý phù hợp; đội HealthSight của Malaysia với hệ thống giám sát thông minh giúp nhận biết và ngăn ngừa bệnh nhân té ngã khi đang được chăm sóc trong phòng bệnh qua camera CCTV. Nếu bệnh nhân bị ngã, hệ thống sẽ nhận biết và thông báo cho đội ngũ y tá, bác sĩ để can thiệp kịp thời. Hệ thống này đang được thử nghiệm tại bệnh viện Sultan Ismail ở Johor và viện dưỡng lão Tong Shim ở Kuala Lumpur. Dù nhận được các phản hồi tích cực nhưng hệ thống của HealthSight vẫn hụt tấm vé vào vòng chung kết thế giới của Imagine Cup 2018.

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/microsoft-imagine-cup-malaysia-ve-nhat-viet-nam-dat-giai-binh-chon-rat-nhieu-sang-kien-dang-xem.2782853/