'Miền đất hứa' cho mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam

Trung Đông - Châu Phi đang là vùng đất đầy tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam. Đây cũng là một trong những hướng đi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thị trường truyền thống ngày một bão hòa.

Ngày 5/7, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Ngoại giao với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông – Châu Phi” do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Thị trường tiềm năng

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Quốc Hưng- Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang khu vực Trung Đông - Châu Phi đã có nhiều khởi sắc và giàu tiềm năng trong tương lai. Đây là mặt hàng quan trọng trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam với thị trường này.

Năm 2017, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Đông đạt 824,1 triệu USD, sang châu Phi đạt 131,2 triệu USD; xuất khẩu thủy sản sang Trung Đông đạt 254 triệu USD, sang châu Phi đạt 95,2 triệu USD.

Đối với thị trường châu Phi, các mặt hàng xuất khẩu nông sản nhiều tiềm năng gồm gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa...; thủy hải sản gồm cá tra, tôm, cá ba sa, cá ngừ đóng hộp. Đối với thị trường Trung Đông là các mặt hàng cà phê, tiêu, điều, chè, gạo, rau quả.

Nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản vào các thị trường truyền thống như EU và Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến hàng rào thuế quan và kiểm dịch an toàn thực phẩm, việc mở rộng cánh cửa sang các thị trường tiềm năng như Trung Đông và Châu Phi là hướng đi phù hợp, nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu trước mắt là đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2018 và nâng cao kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong những năm tiếp theo.

Theo ông Đỗ Quốc Hưng, thị trường Trung Đông và Châu Phi cần được đặt vào vị trí xứng đáng trong chiến lược xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, phải bắt tay xây dựng kênh phân phối để phát triển thị trường xuất khẩu bền vững.

Nhiều rào cản

Tuy nhiên, trong hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Đông - Châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp phải khá nhiều rào cản. Cụ thể, giữa hai bên chưa có ký kết FTA, thuế, hàng rào kỹ thuật chưa ổn định, không nhất quán; các yêu cầu bao bì, nhãn mác, chứng nhận Halal Food (chứng nhận sản phẩm được phép sử dụng của người Hồi giáo); rủi ro trong thanh toán cao do nhiều nhà nhập khẩu Trung Đông – châu Phi không có thói quyen mở L/C; cạnh tranh quyết liệt với các hàng hóa từ Trung QUốc và Ấn Độ đối với thị trường châu Phi...

Đối với mặt hàng gạo, khu vực Trung Đông - Châu Phi chủ yếu nhập khẩu gạo đồ, gạo trắng chất lượng cao và gạo basmati. Trong khi đó, gạo Việt Nam nhìn chung chất lượng chưa cao, chưa có thương hiệu dẫn đến giá xuất khẩu cũng thấp hơn so với gạo của Thái Lan. Mặt khác, phương thức xuất khẩu gạo của Việt Nam chưa đáp ứng được tập quán tiêu dùng của các nước Trung Đông về đóng gói, phân phối, thị hiếu, tiêu chuẩn Halal và chất lượng gạo theo yêu cầu người dân.

Để gỡ bỏ những vướng mắc này, theo ông Hưng cho rằng cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động xuất nhập khẩu nông, thủy sản của các doanh nghiệp. Tích cực thúc đẩy hợp tác song phương thông qua kênh Ủy ban hỗn hợp/UBLCP giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông - Châu Phi. Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham dự hội chợ, triển lãm, đi khảo sát các thị trường, tìm kiếm đối tác ở thị trường Trung Đông - Châu Phi; đầu tư quảng bá thương hiệu nông, thủy sản của Việt Nam tại các nước trong khu vực; khuyến khích doanh nghiệp chú trọng vấn đề thương hiệu và tương quan chất lượng, giá cả.

Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế hợp tác giữa Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, các Thương vụ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông - Châu Phi.

Bà Đoàn Phương Lan- Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế - Bộ Ngoại giao cho biết, hiện nay Bộ Ngoại giao có 17 cơ quan đại diện tại khu vực Trung Đông – châu Phi, kiêm nghiệm 72 quốc gia, là những “ăng ten” đầu mối giữa doanh nghiệp và nước sở tại. Trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, theo bà Phương Lan, trong các đoàn cấp cao, nội dung kinh tế cần cụ thể hơn và phối hợp tốt hơn giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương.

Ngoài ra, thông tin về thị trường cần đầy đủ, cụ thể hơn, phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ vướng mắc rủi ro khi doanh nghiệp hoạt động ở các nước; hỗ trợ xác minh thẩm tra đối tác, giảm thiểu các rủi ro; hỗ trợ cho doanh nghiệp kết nối với chính quyền địa phương ở nước sở tại; tư vấn kết nối các doanh nghiệp với các tổ chức, đầu mối, ngành hàng ở nước sở tại; hoạt động xúc tiến thương mại hoặc tham gia các hội chợ ở nước ngoài...

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình và quan tâm hơn tới bao bì, nhãn mác, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, ông Hưng nhấn mạnh.

Nguyễn Hường - Tuấn Vũ

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/mien-dat-hua-cho-mat-hang-nong-thuy-san-viet-nam.html