Miền đất hứa

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, vùng đất phương Nam luôn là miền đất hứa của mọi thế hệ người Việt Nam ta. Những dòng người từ miền Trung, miền Bắc di cư vào đã cùng những cộng đồng dân cư tại chỗ khai hoang, lập ấp, đào kênh biến đất đai phì nhiêu phương Nam ngày mỗi trù phú với những vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản…

Nam Bộ đã là “máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam” qua những trăm năm, ngàn năm bởi mồ hôi, máu và nước mắt.

Miền Nam máu thịt chính là nguồn cội sức mạnh và sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào, chiến sĩ cả nước làm nên chiến thắng trong cuộc trường chinh suốt 30 năm ròng đánh đuổi những thế lực ngoại xâm hùng mạnh nhất thế giới thời hiện đại.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhất là những năm gần đây, cuộc sống mọi mặt ở Nam Bộ đã đổi mới hoàn toàn. Nơi đây không chỉ là vùng đất của nông nghiệp mà đã công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhiều phần càng làm tăng sức thu hút lao động, dân cư và du lịch. Không chỉ thế, các thành phố, khu công nghiệp, miệt vườn, miệt sông nước miền Nam bằng sự năng động mới đã đem lại những bài học kinh nghiệm quý cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Nhưng vùng đất phì nhiêu, trù phú phải được khai thác một cách khoa học, phải được làm giàu có hơn và đặc biệt phải được bảo vệ để mãi là miền đất hứa của Tổ quốc.

Những tai họa nhãn tiền đã sớm ập đến bởi nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Xâm nhập mặn đã vào sâu hơn các dòng sông, các cánh đồng. Những đợt nắng nóng, mưa lớn và bão bất thường xảy ra nhiều hơn. Bờ biển, bờ sông bị xói lở thường xuyên… Cùng với tai họa thiên nhiên là những tai họa do con người gây ra. Nạn khai thác nước ngầm và cát tràn lan, quá mức không chỉ làm giảm nguồn nước ngầm quý giá mà còn gây nên sụt lún nền đất. Chất thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, khu đô thị cùng các chất vô cơ, thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp đã làm ô nhiễm nặng môi trường. Và nữa là rác thải sinh hoạt, du lịch, là mật độ lồng bè nuôi cá quá cao, là phương thức canh tác, chăn nuôi lạc hậu tốn phí nhiều nước ngọt… Đặc biệt còn có nguy cơ lớn từ tình trạng xây các hồ đập thủy điện của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông đã tác động cực lớn đến chế độ nước vốn có của dòng sông mẹ Cửu Long.

Sống thuận thiên, tôn trọng và bảo vệ các quy luật tự nhiên là bài học lớn đã được cán bộ và nhân dân Nam Bộ nhận thức và từng bước thực hiện. Chúng ta đã biết “sống chung với lũ”, đã biết phải giảm tác hại từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Tuy nhiên tất cả mới chỉ là bước đầu, công cuộc giữ gìn, bảo vệ miền đất hứa phải được tiến hành mạnh mẽ, khoa học và đồng bộ với sự chung tay góp sức của nhiều bộ, ngành, cả nội trị và ngoại giao, mọi địa phương và toàn thể người dân.

Chỉ có một nền công nghiệp hữu cơ thông minh, hài hòa và cân bằng cùng sự phát triển công nghiệp hiện đại theo quy hoạch khoa học mới có thể trở nên thân thiện, không gây tác động tiêu cực đến môi trường. Chỉ có quy hoạch nông thôn, đô thị hợp lý mới tạo tiền đề để thay đổi lối sản xuất lạc hậu và ăn ở tạm bợ, thiếu an toàn và vệ sinh. Và cũng chỉ có một thái độ và lề lối du lịch có trách nhiệm mới giúp các hoạt động ngày càng tăng triển của du lịch sông nước Đồng bằng sông Cửu Long giữ được môi trường và gia cố, sáng tạo bản sắc riêng…

SA MUỘN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mien-dat-hua-572634