Miễn học phí bậc THCS: Sự chia sẻ khó khăn với phụ huynh

Đề xuất miễn học phí cho bậc THCS từ năm học 2022-2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được đưa ra trong bối cảnh đời sống của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, đã nhận được sự đồng tình rất lớn từ dư luận.

Về nội dung này, tại phiên họp, Thủ tướng đã giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động. Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.

Tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có nêu rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước về học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Điều 12 của Nghị định quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND quyết định cụ thể thời gian thu, mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn.

Cũng tại Nghị định này, Điều 17 đã quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng.

Trước đó, tại phiên giải trình trước Quốc hội chiều 1/6/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đã có những giải trình về vấn đề học phí.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc tăng học phí được quy định trong Nghị định 81 có hiệu lực từ tháng 10/2021 nhưng chủ yếu áp dụng cho năm học 2022 - 2023. Nghị định 81 quy định học phí theo vùng miền, có mức trần, mức sàn và có lộ trình, trong đó các địa phương căn cứ tình hình thực tế để quyết mức học phí, một số địa phương đã miễn hoàn toàn học phí như Hải Phòng.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh và kinh tế - xã hội, từ năm 2021 đến nay, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần gửi công văn cho các bộ, ngành, địa phương, các trường về việc giữ ổn định tình hình học phí.

Thời gian gần đây, Bộ cũng tiếp tục có công văn nhắc nhở, chỉ đạo các đơn vị thực hiện các khoản thu trong giáo dục, đào tạo và lưu ý, khuyến cáo các địa phương, đơn vị căn cứ vào tình hình để xây dựng mức học phí, lộ trình tăng học phí phù hợp để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, giúp bình ổn giá...

TS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng nguyên tắc xây dựng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập là nhằm chia sẻ giữa Nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân.

Hiện nay, thực tế đời sống của nhiều người dân sau đại dịch Covid-19 rất khó khăn, trong đó, không ít lao động mất việc làm, giảm hoặc mất nguồn thu nhập. Họ cần có thời gian để tìm kiếm công việc mới, thậm chí mất rất nhiều thời gian để học hỏi, đào tạo lại mới có việc làm.

“Trong khi đó, giá xăng tăng, giá tiêu dùng tăng, học phí cũng dự kiến tăng, sách giáo khoa tăng. Với thực tế này, kể cả công nhân viên chức có thu nhập trung bình cũng chật vật, đừng nói đến những người mất việc, thu nhập bấp bênh”, TS. Dong nói.

Trong khi Hải Phòng có chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp thì một số địa phương lại dự thảo tăng học phí gấp đôi trong năm học 2022-2023 và lộ trình tăng gấp 4-5 lần.

Hà Nội mới đây đã ban hành dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các trường công lập dự kiến áp dụng từ năm học 2022-2023. Trong đó, đáng chú ý, bậc THCS học sinh vùng 1 tăng gấp đôi trong năm học tới (từ 155.000 năm học này lên 300.000 đồng/tháng năm học tới).

Điều đáng nói, học phí sẽ tăng theo từng năm, đến năm 2025-2026, mỗi học sinh THCS ở vùng 1 sẽ đóng mức 650.000 đồng/HS (tăng hơn 4 lần so với năm nay). Học sinh các vùng 2, 3, 4 cũng có lộ trình tăng học phí gấp đôi trong các năm tiếp theo.

Tại TP.HCM, Sở GD&ĐT cũng lấy ý kiến về việc tăng học phí đối với bậc giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023.

Theo đó, ở bậc THCS, học sinh bậc THCS, GDTX THCS ở các quận sẽ đóng mức học phí từ 60.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 5 lần so với trước. Học sinh bậc THCS, GDTX THCS thuộc các huyện tại TP.HCM đóng học phí từ 30.000 đồng/học sinh/tháng lên 70.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 40.000 đồng/học sinh/tháng.

Với mức tăng dự kiến này tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều phụ huynh lo lắng và cho rằng mức tăng quá cao, gây khó khăn cho người dân.

Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là đời sống của nhân dân, khó khăn chồng khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao đã kéo các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu cũng tăng theo. Phần lớn các gia đình đã phải tiết giảm nhiều khoản chi tiêu để đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày. Nhiều người cho rằng, việc học phí tăng gấp đôi như vậy, cho dù "không lớn" nhưng chẳng khác gì bồi thêm những áp lực vào cơ thể người dân đang ốm yếu sau đại dịch.

Hiện nay, tại một số nước trong khu vực và trên thế giới đã triển khai áp dụng chính sách miễn học phí cho học sinh ở nhiều cấp học.

Bhutan

Nằm ở khu vực Nam Á, Bhutan gần đây được nhắc nhiều như một điểm đến du lịch mới và cũng là quốc gia hạnh phúc, nơi mà chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không quan trọng bằng chỉ số Tổng hạnh phúc quốc dân (GNH). Câu chuyện xây dựng nền giáo dục ở quốc gia hạnh phúc Bhutan cùng những chính sách dành cho giáo dục cho thấy ưu tiên của quốc gia xa xôi hẻo lánh này đối với tương lai của người dân. Và để có điều tuyệt vời trong giáo dục này, chính phủ Bhutan thu thuế từ du lịch với số tiền 65 USD mỗi du khách để chi cho giáo dục miễn phí, y tế miễn phí, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Cuba

Cuba - một đất nước ở khu vực Châu Mỹ Latinh, mặc dù vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, nhưng người dân Cuba luôn được hưởng chế độ phúc lợi xã hội vào loại tốt so với thế giới. Bên cạnh y tế, giáo dục là lĩnh vực rất được quan tâm tại Cuba. Giáo dục hoàn toàn miễn phí và 100% trẻ em Cuba đến tuổi đi học đều được đến trường. Mỗi trẻ em sinh ra ở Cuba, khi lên năm tuổi, đều có quyền bắt đầu những năm tháng đi học hoàn toàn miễn phí. Học xong mẫu giáo, các em sẽ được chuyển sang học tại một trường tiểu học.

Thụy Điển

Thụy Điển là một nước có nền kinh tế phát triển cao, hiện là một trong số ít quốc gia có nền giáo dục phổ cập và đại học thuộc loại tốt nhất trên thế giới. Theo các chuyên gia, thành công này có một phần nguyên nhân bắt nguồn từ chế độ phúc lợi xã hội rất cao của quốc gia này. Tuy nhiên, yếu tố chính vẫn phụ thuộc vào những chính sách đúng đắn và hợp lý.

Giáo dục phổ thông cũng như đại học ở Thụy Điển đều được nhà nước đài thọ hoàn toàn. Trẻ em tới trường từ năm 6 tuổi và phải kết thúc 9 lớp bắt buộc. Sau đó, chúng được chuyển tới học 3 năm tại trường trung học dành cho các lớp trên. Trong suốt thời gian học, học sinh được nuôi ăn và đảm bảo y tế miễn phí, nhận những trang thiết bị phục vụ học tập như cặp, vở, bút, màu vẽ… Xe buýt của nhà trường sẽ đưa đón học sinh tới trường và về nhà.

Học phí vốn là khoản tiền mà phụ huynh phải nộp cho nhà trường theo quy định trong quá trình con em mình học tập. Tính đến nay, Nhà nước ta có chính sách miễn học phí từ mầm non đến hết bậc tiểu học. Còn các bậc học khác, chế độ miễn, giảm học phí thực hiện theo các chính sách ưu tiên cho học sinh theo khu vực, chế độ hộ nghèo, cận nghèo, chế độ chính sách…

Chính sách miễn, giảm học phí theo cấp học, theo đối tượng được hưởng chính sách đã tạo nên hiệu ứng tốt đối với học sinh ở tất cả các địa phương trong cả nước, giúp học sinh thuộc các đối tượng bớt đi những khó khăn, gánh nặng về kinh tế và có thêm động lực để học tập tốt.

Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (ở Thanh Oai) chia sẻ: “Tôi thấy rất mừng khi nghe được thông tin đề xuất của Bộ GD&ĐT miễn học phí cho học sinh bậc THCS, bởi lẽ, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như nước ta hiện nay, việc miễn học phí cho học sinh đến hết bậc THCS là hoàn toàn phù hợp. Làm được như vậy sẽ thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện tốt cho con em nhân dân ở mọi đối tượng, ở các địa phương có điều kiện để học tập”.

Chị Nguyễn Thị Bích Thuận, một lao động tự do ở quận Hà Đông, hiện có 2 con đang theo học ở bậc THCS, cho biết: Thời điểm đầu năm học, thường nặng gánh nhất với chị, vì phải đóng đủ các khoản tiền: từ học phí, quỹ hội phụ huynh, bảo hiểm, tiền mua sách vở, sách giáo khoa, tiền mua đồng phục cho 2 cháu đã hết gần 1 tháng lương 5 triệu của chị... Tiếp đó, hằng tháng, chị phải đóng các khoản khác như: tiền học buổi hai, tiền nước uống, các khóa học tăng cường, các khoản thu vận động phát sinh... với mức bình quân khoảng 1.200.000 đồng/1 cháu. Chị cho biết, chi phí cho hai cháu học mỗi tháng thực sự là không hề nhỏ so với mức thu nhập khoảng 10 triệu của cả gia đình/1 tháng.

Bởi vậy, khi nghe thông tin Bộ GD&ĐT đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS, chị phấn khởi chia sẻ: “Tôi rất mừng khi Nhà nước có những chính sách chăm lo, miễn giảm học phí cho học sinh, việc này chia sẻ một phần gánh nặng với nhiều gia đình, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, nhiều gia đình đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tôi mong đề xuất này sớm được thành phố Hà Nội thông qua để những phụ huynh như chúng tôi giảm bớt được chút gánh nặng chi phí học hành của các con".

Bà Lê Thị Nguyệt (Hiệu trưởng một trường THCS ở Thanh Hóa) cho rằng, quy định miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS là một chính sách nhân văn thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với công tác giáo dục phổ thông. Việc miễn học phí đối với học sinh THCS sẽ góp phần huy động được học sinh đến trường, nhất là những vùng khó khăn.

Như vậy, qua một vài ý kiến có thể thấy, người dân rất đồng tình và ủng hộ chính sách miễn học phí đến bậc học THCS. Đa số người dân cho rằng, trước kia, do kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất các nhà trường còn thiếu thốn nên cần có sự chung tay của xã hội bằng việc đóng học phí, trừ bậc mầm non và tiểu học.

Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đã phát triển, việc miễn học phí đồng bộ đến bậc THCS sẽ thể hiện sự quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục của Đảng và Nhà nước, của ngành Giáo dục đối với quá trình học tập của con em nhân dân, giúp cho nhiều đối tượng học sinh có hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn không phải bỏ học giữa chừng vì thiếu điều kiện học tập, tạo động lực để mỗi gia đình có thêm quyết tâm đưa con em mình đến trường.

Thực hiện: Vương Ngọc (Đài PT-TH Hà Nội)

Đồ Họa: Thanh Nga

Tin liên quan Đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS
Học phí nhiều trường đại học ở Hà Nội tăng mạnh từ năm học 2022 -2023
Chưa tăng học phí, kiểm soát chặt giá sách giáo khoa
Nỗi lo khi học phí tăng
Hà Nội dự kiến tăng học phí theo lộ trình

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/mien-hoc-phi-bac-thcs-su-chia-se-kho-khan-voi-phu-huynh-d202364.html